Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Miền Trung cấp tập ứng phó với mưa lớn, ngập trên diện rộng

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Do ảnh hưởng của bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trong ngày 14-10 trên địa bàn Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng và ngập lụt ở nhiều nơi. Đặc biệt, Đà Nẵng đã gánh chịu trận mưa ngập lớn nhất từ trước đến nay… Hiện các địa phương đang tập trung ứng phó với mưa lũ.

Cơn bão số 5 (bão Sơn Ca) với mưa to đến rất to, đã gây ngập lụt nhiều khu vực ở thành phố Huế, Đà Nẵng. Đặc biệt đêm 14-10, thành phố Đà Nẵng đã xảy ra mưa rất lớn, các quận huyện như Hòa Vang, Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn ngập sâu trên diện rộng. Đây được cho là trận mưa ngập lịch sử ở Đà Nẵng, vượt qua trận ngập rất sâu vào ngày 8-12-2018.

Hàng nghìn m3 đất đá từ đỉnh Hải Vân theo mưa lũ lấp cửa hầm đường bộ Hải Vân sáng 15-10 – Ảnh: TTXVN

Mưa lớn đêm 14-10 cũng khiến nước dâng cao 0,5m ở cửa hầm Hải Vân phía thành phố Đà Nẵng, lũ quét tràn từ đỉnh Hải Vân đổ về phía trước quảng trường cửa hầm và đường dẫn cầu số 1, số 2 với dòng chảy lớn. Vì vậy, từ đêm qua, xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân đã tạm thời đóng cửa hầm.

Theo Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân, khối lượng đất đá trước cửa hầm Nam hầm Hải Vân trải dài 200m, dày 1m và rộng 60m; tổng khối lượng đất đá vùi lấp khoảng 12.000m3. Đến 3 giờ chiều nay (15-10), hầm Hải Vân mới thông xe trở lại

Ngay sau khi mưa dứt, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các quận, huyện tập trung sức người, phương tiện bảo đảm lương thực, nước sạch… cho người dân ở những vùng ngập, đặc biệt là những nơi đang ngập và dự báo còn tiếp tục ngập.

Thành phố Đà Nẵng khẩn trương giải tỏa hàng nghìn xe ô tô bị mưa ngập chết máy trên nhiều tuyến đường trung tâm – Ảnh: TTXVN

Tại Huế, do mưa lớn, một số khu vực trũng bị ngập lụt, tại km 876 + 200 QL1 đoạn qua xã Lộc Trì huyện Phú Lộc bị ngập sâu, mực nước cao hơn 50cm. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã điều động lực lượng điều tiết, hướng dẫn các phương tiện, đảm bảo Quốc lộ 1 thông suốt. Hiện Huế còn 11.200 ngôi nhà bị ngập, giao thông bị chia cắt nhiều đoạn.

Về giao thông đường sắt, Đoàn tàu SE7 đi từ Hà Nội vào đã dừng tại ga Huế do ảnh hưởng bởi mưa lũ; có 183 hành khách của tàu hiện vẫn đảm bảo an toàn. Tuyến đường sắt đoạn qua thị trấn Lăng Cô bị đất đá vùi lấp và cuốn trôi tà vẹt khoảng 30 m, đã thông báo cung đường biết để dừng tàu. Các đoạn đường sắt cũng bị ảnh hưởng gồm: Ga đỉnh đèo – Hải Vân Nam; Hải Vân Nam – Kim Liên; Thừa Lưu – Lăng Cô, ga Văn Xá… các đoàn tàu SE3, SE5, SE8 đều phải dừng chờ ở Tam Kỳ, Đông Hà chờ thông tuyến.

Tuyến đường sắt qua Huế – Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng – Ảnh: TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa sẽ vẫn tiếp tục và lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang lên; riêng lũ trên sông Bồ lên khá nhanh theo điều tiết xả của thủy điện Hương Điền; có khả năng đạt đỉnh tại Câu Lâu ở mức 3,6m, tại Thạch Hãn ở mức 5,7m khiến lũ trên sông Hương tiếp tục dao động ở mức cao, sông Vu Gia đang hạ xuống. Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam là rất cao.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng cho biết, bão số 6 đã hình thành trên biển Đông và dự báo tiếp tục đổ bộ miền Trung. Từ đêm nay (15-10) đến ngày 17-10, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ lên ở thượng lưu từ 4-7m, hạ lưu từ 1,5-4,0m.

Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Nam khả năng lên mức Báo động 2-3, có sông trên Báo động 3; các sông ở Quảng Bình, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai lên mức Báo động 2-3, có sông trên Báo động 2.

Vì thế, nguy cơ bão chồng bão rất cao dẫn đến mưa liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị, các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 5 và có thể sẽ là bão số 6 cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; tiếp tục rà soát, sơ tán người dân ở ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Thêm vào đó, cần bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người như trong những ngày vừa qua; tạm dừng các công trình thi công có nguy cơ xảy ra sự cố; bố trí thường trực để vận hành điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, đặc biệt là thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.

Chính phủ cũng vừa có công điện chỉ đạo các địa phương miền Trung chủ động ứng phó với mưa lũ, tập trung cao nhất, nhanh nhất sức người, phương tiện bảo đảm lương thực, nước sạch… cho nhân dân vùng ngập, kịp thời khắc phục hậu quả, thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới