Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Minh bạch báo cáo thường niên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Minh bạch báo cáo thường niên

Các nhà đầu tư đang chịu nhiều thua thiệt vì thông tin công bố trong báo cáo thường niên của các doanh nghiệp thiếu sự minh bạch – Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG)- Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) phối hợp với báo Vietnam Investment Review vừa công bố cuộc bình chọn báo cáo thường niên 2008 với sự tài trợ của Dragon Capital.

Năm nay cuộc bình chọn mở rộng cho cả các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội. Tuy nhiên, nâng cao số lượng công ty tham gia không phải là điều duy nhất những người tổ chức nhắm đến. Thực trạng của báo cáo thường niên đang phản ánh một vấn đề nóng bỏng khác được giới đầu tư quan tâm: minh bạch thông tin.

Từ sự trượt giá của cổ phiếu PPC

Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt thông báo bán hơn 234.000 cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại (PPC) mà họ đang nắm giữ. Trước đó, Quỹ Đầu tư chứng khoán Bảo Việt đã đăng ký bán 330.000 cổ phiếu PPC. Các nhà đầu tư nước ngoài, từ hơn một tháng nay, vẫn không ngừng bán ra PPC, vốn một thời là blue-chip ưa thích của họ. Với việc “chia tay không hẹn ngày trở lại” của các nhà đầu tư tổ chức, cổ phiếu PPC đang rớt giá mạnh, chỉ còn 19.000 đồng vào ngày 25-11-2008, mức thấp nhất kể từ khi chào sàn.

Vì đâu PPC đến nông nỗi này? Vì lợi nhuận giảm mạnh, dự kiến chỉ còn 240 tỉ đồng cho năm 2008 (vốn điều lệ 3.251 tỉ đồng). Không phải vì công ty kinh doanh kém, mà vì tỷ giá. Những năm trước PPC vay 50 tỉ yen (Nhật) lãi suất 2,7%/năm trong 23 năm. Đến 20-9-2008 số nợ còn 36,2 tỉ yen.

Sự lên giá của đồng yen so với tất cả các ngoại tệ đã khiến khoản vốn và lãi mà PPC phải trả hàng năm tính bằng đồng Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Vào ngày 30-9-2008 một yen tương đương 154,69 đồng, đến 25-11-2008 tăng lên thành 178 đồng. Ngay cả khi tỷ giá ở mức 1 yen bằng 166 đồng thì thay vì phải trả 584 tỉ đồng nợ cho năm 2008, nay PPC phải trả 872 tỉ đồng, tức đội thêm 288 tỉ đồng.

Điều đáng nói là với khoản nợ năm nào cũng phải trả bằng một ngoại tệ mạnh và có khả năng tiếp tục mạnh như yen Nhật, nhưng PPC chưa bao giờ mua bảo hiểm tỷ giá. Không thể nói là PPC thiếu kinh nghiệm trong chuyện này vì năm ngoái công ty cũng đã từng phải trích thêm lợi nhuận để bù đắp tỷ giá. Trong báo cáo thường niên 2007 và báo cáo các quí 2008, PPC không hề đả động đến nguy cơ tỷ giá. Dù đọc kỹ đến mấy các báo cáo tài chính của PPC, nhà đầu tư cũng chỉ thấy số liệu liên quan đến “chi phí tài chính”, trong khi lẽ ra rủi ro tỷ giá phải được thuyết minh cụ thể, và phân tích rõ cho cổ đông.

Tâm lý, thói quen cản trở minh bạch

Ông Lê Nhị Năng, Phó tổng giám đốc HOSE, nhận xét: “Báo cáo thường niên, báo cáo tài chính của không ít doanh nghiệp niêm yết khá sơ sài. Theo quy định, doanh nghiệp phải công bố kết quả kinh doanh, bảng lưu chuyển tiền tệ, bảng cân đối kế toán, bản thuyết minh, nhưng nhiều doanh nghiệp không có phần thuyết minh, cứ như đánh đố nhà đầu tư”.

Vì thế khi tổ chức cuộc bình chọn báo cáo thường niên năm nay, Hose sẽ không chú trọng nhiều đến quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ, kinh doanh lời hay lỗ, mà đặt trọng tâm vào việc phân tích các tồn tại, các ưu điểm và việc cung cấp chi tiết, đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư của doanh nghiệp.

“Báo cáo thường niên là thông điệp gửi cổ đông của ban lãnh đạo công ty. Thông điệp đó phải minh bạch, phải nhìn thẳng vào sự thật. Chính sự minh bạch tác động đến lòng tin và sự “chung thủy” của nhà đầu tư với cổ phiếu”, ông Năng nói.

“Chuẩn mực quốc tế về báo cáo tài chính và công bố thông tin đang thay đổi”, Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, cho biết. “Những quy định về công bố thông tin của thế giới ngày một chặt chẽ hơn và được cập nhật thường xuyên cho sát với tình hình thực tế”.

Với tư cách cổ đông của nhiều doanh nghiệp niêm yết và OTC, Dragon Capital cho rằng “lời lỗ không quan trọng. Doanh nghiệp kinh doanh phải có lúc lời, lúc lỗ. Quan trọng là sự trung thực của báo cáo thường niên”.

Năm nay, nhiều công ty có hoạt động đầu tư tài chính, và giới đầu tư đang mong đợi hoạt động đó sẽ được phân tích như thế nào trong báo cáo thường niên.

“Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp? Chúng tôi mong chờ sự xuất hiện của yếu tố này trong báo cáo thường niên của các công ty năm 2008. Cách suy nghĩ của ban lãnh đạo doanh nghiệp về xác định rủi ro, quản trị rủi ro có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nhà đầu tư”, Dominic Scriven khẳng định.

Thị trường chứng khoán càng đối mặt nhiều trở ngại thì thông tin, báo cáo thường niên càng phải minh bạch. Với doanh nghiệp nội địa, sự minh bạch còn phải vượt qua yếu tố tâm lý để trở nên phổ biến. Đa số công ty niêm yết vẫn bị chi phối bởi thói quen “báo cáo thường niên nộp cho có lệ” và tư tưởng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” còn thống lĩnh đây đó. Hoặc nghĩ rằng không dễ gì trình bày hết mọi “đường tơ kẽ tóc” trong báo cáo tài chính để cho các đối thủ cạnh tranh nắm rõ điểm mạnh điểm yếu của mình.

Trở lại với trường hợp cổ phiếu PPC, hẳn lòng tin của cổ đông công ty đang bị thử thách. PPC mới đây đã thông báo hủy việc tạm ứng cổ tức 3% cho cổ đông. Cổ tức 3% không phải là nhiều, nhưng rồi đây, mỗi khi dự định đầu tư vào cổ phiếu PPC, nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc: công ty phải trích bao nhiêu để bù đắp tỷ giá?

Chỉ có một con đường minh bạch: PPC nên mua bảo hiểm tỷ giá cho cả năm và xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở bảo hiểm đó. Sẽ không dễ dàng dự báo đúng biến động tỷ giá, nhưng ít nhất là kết quả kinh doanh của PPC sẽ ổn định và nhà đầu tư biết được chứng khoán mà họ nắm giữ có khả năng sinh lời đến đâu. Báo cáo thường niên của PPC từ nay trở đi cần lắm những trang thuyết minh chi tiết về vấn đề này! 

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới