Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Minh bạch điều hành, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Minh bạch điều hành, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng

LS. Trần Hữu Huỳnh (Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

LS. Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: Anh Tuấn.

(TBKTSG) – Theo tôi, 10 kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (khóa XII) và ba đề xuất về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới do Thủ tướng nêu là khá toàn diện, có trọng điểm. Tuy nhiên, để thực hiện được, xin kiến nghị Chính phủ mới:

Xác định đúng vai trò đích thực của Nhà nước và tôn trọng tối đa quy luật của thị trường. Điều này sẽ đem lại sự ổn định vĩ mô, sự can thiệp đúng mục tiêu và có hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, năng lực cạnh tranh trên cả ba cấp độ và là cơ sở để phát triển quốc gia bền vững.

Chuyển một nhà nước nặng về “điều hành kinh tế” sang một nhà nước “kiến tạo phát triển” đòi hỏi một chính phủ phải trong sạch, vững mạnh, bản lĩnh và có tính kỹ trị cao. Phát huy cao nhất quyền tự do kinh doanh của người dân, kiên quyết loại trừ mọi rào cản về quan điểm, thể chế, thủ tục, bộ máy cản trở quyền này.

Cần động viên triệt để “sức của” và nhất là “sức người” (cải cách toàn diện giáo dục, đào tạo để có nguồn nhân lực cạnh tranh cao), phát huy “sức mạnh cứng” kết hợp với “sức mạnh mềm” (văn hóa, truyền thống, dân chủ, minh bạch …), bảo đảm một môi trường kinh doanh an toàn (bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền hợp đồng, quyền được đối xử công bằng trong hành chính và tư pháp), mở rộng tối đa không gian tự do kinh doanh cả trong và ngoài nước.

Bảo đảm một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, tăng trưởng thông qua cạnh tranh, bãi bỏ mọi sự phân biệt đối xử dựa trên thành phần kinh tế, tách quản lý kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước, tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo tiêu chuẩn mới, hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để tạo ra sự minh bạch trong quá trình xây dựng và thi hành chính sách, pháp luật, cần có một quy trình chuẩn để bảo đảm tính công khai cao, tính phản biện rộng, tính giải trình dân chủ sâu, tính chịu trách nhiệm (kể cả trách nhiệm chính trị) nghiêm ngặt. Quy trình đó cần phải kết hợp hài hòa trên – dưới, trong – ngoài để hạn chế các rủi ro do duy ý chí, chủ quan, lợi ích nhóm, tầm nhìn hẹp, lãng phí, tham nhũng…

Chính sách, pháp luật phải được thi hành với kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh, chi phí thấp, độ thân thiện cao, chịu sự đánh giá khách quan của xã hội và thị trường. Thường xuyên nâng cao tính chính danh của Chính phủ thông qua các cơ chế giải trình, miễn nhiệm và do đó mà xã hội tăng thêm niềm tin, hút thêm đầu tư, nâng hiệu quả cạnh tranh, giảm các phí tổn xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới