Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Minh bạch giá – vẫn còn rối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Minh bạch giá – vẫn còn rối

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Bộ Công Thương vừa công bố giá thành sản xuất điện năm 2010 của tập đoàn Điện lực (EVN) – cùng thời điểm với việc các đại biểu Quốc hội đưa vấn đề điều hành giá điện, giá xăng dầu ra chất vấn hai bộ trưởng Công Thương và Tài chính. Đây là chuyện dài về sự minh bạch trong quản lý giá.

Giá xăng dầu vẫn chưa được minh bạch

Đã 64 ngày tính từ khi Bộ Tài chính thành lập ba đoàn kiểm tra giá đầu vào và tình hình sản xuất kinh doanh của bốn doanh nghiệp hiện đang chi phối trên 90% thị phần xăng dầu cả nước, việc minh bạch giá xăng dầu vẫn là chuyện ở thì tương lai.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tuyên bố 20 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, sẽ công bố các kết quả này nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu dù thời hạn đã qua lâu. Có lẽ vì chưa có kết quả nói trên, đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) đành gửi câu hỏi cũ đến Bộ trưởng Huệ: “Tại sao giá xăng dầu thế giới có lúc giảm mà giá trong nước của ta không giảm? Tại sao giá điện điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2011? Có phải do kinh doanh hai ngành này thực sự lỗ hay do công tác quản lý điều hành giá của bộ thời gian qua lỏng lẻo, chưa thực sự kiên quyết”.

Bà Ánh còn yêu cầu Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết sắp tới bộ sẽ quản lý giá cả các mặt hàng trên như thế nào để có hiệu quả, không gây biến động lớn đến sinh hoạt, đời sống nhân dân.

Cũng vấn đề này, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Bộ trưởng cho biết về công tác điều hành, quản lý giá xăng dầu của nước ta hiện nay? Với giá xăng, dầu vào thời điểm này, các công ty kinh doanh xăng dầu lãi hay lỗ?”. Ông Nghĩa còn yêu cầu Bộ Tài chính phải làm rõ có hiện tượng “làm giá” giữa một nhóm các doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực xăng dầu hay không. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Thái Nguyên, khái quát vấn đề muốn chất vấn là: “Cơ chế giá xăng dầu đã minh bạch chưa?”.

Không phải đợi đến lúc Bộ trưởng Huệ tuyên bố sẽ làm rõ lỗ, lãi ở các doanh nghiệp xăng dầu, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước mới nóng lòng về chuyện quản lý giá. Sự minh bạch ấy đáng lẽ không phải chờ lâu như vậy mà có thể trả lời ngay sau đó. Ví dụ như việc kiểm tra giá vốn nhập khẩu của Petrolimex ở thời điểm cuối tháng 8. Khi ông Huệ dẫn số liệu của hải quan tuyên bố Petrolimex hiện đang lãi tới 1.000 đồng/lít xăng nhưng không chịu giảm giá, nay kiểm tra lại có đúng thế không? Nếu không, thì lý do nào khác đã chi phối giá đầu vào của doanh nghiệp, dẫn đến các quyết định giảm giá không được thực hiện?

Tại cuộc họp tổ Quốc hội cách đây đúng một tháng, khi các đại biểu Bình Định đặt vấn đề về vai trò quản lý, điều hành giá từ Bộ Tài chính, ông Huệ chỉ giải thích chung chung, trừ tuyên bố: “Nếu có cơ hội là giảm giá ngay”.

Nhưng đối với cử tri, cái mà người đứng đầu ngành cần làm không phải là xử lý các vụ việc cụ thể, mang tính thời điểm mà là ban hành một cơ chế điều hành xăng dầu rõ ràng trên những nguyên tắc thị trường, nói và làm phải đi đôi với nhau. Bởi không có lý gì, Petrolimex công bố số lỗ tám tháng đầu năm nay là 1.800 tỉ đồng nhưng mới đây đã xin ý kiến cổ đông phê duyệt kế hoạch kinh doanh hai tháng cuối lãi 150 tỉ để đạt mức chia cổ tức 8%/năm và tính toán lợi nhuận trên cơ sở không giảm giá. Điều này cơ quan quản lý giá đã biết chưa?

Giá điện cũng rối không kém

Giá điện cũng ở trong tình trạng rối rắm tương tự, cho dù việc công bố giá thành sản xuất năm 2010, nhờ sức ép của Chính phủ, đã đi trước giá xăng một bước.

Trong văn bản yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động của EVN vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương bóc tách riêng giá thành của từng loại hình phát điện (thủy điện, nhiệt điện…) nhưng khi công bố giá đầu vào, Bộ Công Thương chỉ đưa ra giá bán điện thương phẩm bình quân.

Sự nhập nhằng  càng rõ hơn khi Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết tại cuộc họp báo hôm 19-11 rằng, việc thua lỗ của EVN có lẽ còn trầm trọng hơn nếu như không có sự “giúp sức” từ Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC). PPC đã phải lùi thời gian bảo dưỡng theo kế hoạch để tiếp tục phát thêm 1 tỉ kWh điện, và phải “chịu thiệt” 1.000 tỉ đồng do EVN không phải trả tiền cho sản lượng phát thêm. Cổ đông của PPC (doanh nghiệp này đang niêm yết trên sàn HOSE) có biết việc này không và họ nghĩ gì khi lợi nhuận của PPC đã san sẻ cho EVN mà họ không được xin ý kiến.

Chưa hết, tổng giám đốc EVN còn nói rằng mỗi kWh điện năm 2010 EVN lỗ 300 đồng. Trong khi đó, số lỗ trong tài liệu của Bộ Công Thương chỉ là 120 đồng/kWh. Những con số chênh lệch như thế được đưa ra chính thức tại cuộc họp báo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm rà soát, kiểm chứng khiến cho sự việc càng rối rắm. Hay việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói rằng số lỗ hơn 10.000 tỉ đồng năm 2010 của EVN sẽ được hạch toán vào giá điện. Vậy việc Chính phủ hàng năm vẫn bù lỗ cho ngành điện và bù cả tiền điện cho các hộ nghèo thực hư ra sao?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới