Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Minh bạch khi sử dụng từ “tập đoàn”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Minh bạch khi sử dụng từ “tập đoàn”

Minh hoạ: Khều.

(TBKTSG) – Hiện nay cả ở khu vực kinh tế nhà nước lẫn dân doanh, đã có một số doanh nghiệp được gọi là tập đoàn. Tuy nhiên, trong các luật doanh nghiệp chưa thấy ghi nhận loại hình doanh nghiệp tập đoàn, chỉ có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH một/nhiều thành viên, công ty hợp danh.

Điều đó có nghĩa là chưa có những quy định pháp lý về điều kiện mà một doanh nghiệp phải có để có thể được gọi là tập đoàn.

Như vậy từ “tập đoàn” đã được đặt trong tên gọi một số doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể coi là một phần tên riêng của doanh nghiệp đó mà thôi. Vì coi là tên riêng, nên bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tự đăng ký tên mình là tập đoàn A, tập đoàn B… chỉ cần không trái quy định pháp luật về đặt tên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhận thức chung hiện nay, nói đến “tập đoàn” thì nhiều người nghĩ tới doanh nghiệp rất lớn, tập hợp nhiều đơn vị, kinh doanh đa ngành, địa bàn hoạt động rộng, có thể cả ở nước ngoài. Cho nên thái độ chung của xã hội thường coi trọng và vị nể tập đoàn hơn các loại doanh nghiệp khác.

Với ưu thế tinh thần đó, nhất là trong điều kiện thiếu những tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng, hiện tượng tùy tiện sử dụng từ “tập đoàn” để đặt tên doanh nghiệp, có thể kèm theo cả hàm ý lợi dụng, rất dễ xảy ra.

Quan sát những tập đoàn hiện hữu, có thể quy về hai loại. Một là những tập đoàn chỉ gồm một pháp nhân độc lập. Thực chất đó là một doanh nghiệp nhà nước, một công ty cổ phần hay một công ty TNHH, nhưng đặt tên là tập đoàn A, tập đoàn B…

Một loại tập đoàn khác là sự tập hợp nhiều pháp nhân độc lập, có thể thuộc nhiều thành phần kinh tế, tất nhiên trong đó có một doanh nghiệp lớn mạnh hơn, thường được gọi là công ty mẹ, giữ vai trò chủ đạo. Tập đoàn loại này không phải là một pháp nhân thống nhất. Tuy tham gia tập đoàn nhưng mỗi thành viên vẫn giữ pháp nhân độc lập của mình. Ngoài những trách nhiệm và quyền lợi đối với các thành viên khác trong tập đoàn, nhất là đối với công ty mẹ, họ còn có những trách nhiệm và quyền lợi đối với những đối tác bên ngoài.

Với loại tập đoàn này, khái niệm tập đoàn cần hiểu là một tổ chức tự nguyện liên doanh, liên kết giữa các thành viên tập đoàn, trong đó công ty mẹ cũng chỉ là một thành viên, dù cho đó là thành viên quan trọng nhất. Do đó không được đồng nhất công ty mẹ với tập đoàn. Danh nghĩa tập đoàn chỉ được sử dụng khi nhân danh toàn thể tập đoàn, còn khi chỉ nhân danh công ty mẹ, phải sử dụng đúng danh nghĩa của công ty mẹ. Vô tình hay hữu ý sử dụng lẫn lộn danh nghĩa tập đoàn với danh nghĩa công ty mẹ đều làm cho quan hệ kinh tế trở nên rối ren, thiếu minh bạch, gây nghi ngờ cho đối tác.  

Thực tế cho thấy hiện tượng thiếu minh bạch trong sử dụng danh nghĩa tập đoàn và công ty mẹ đã xuất hiện. Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 18-2-2009 đã công bố hai báo cáo tài chính cùng về năm 2007, đều đã được kiểm toán. Trên tiêu đề của cả hai báo cáo này đều ghi tên doanh nghiệp là: “Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh 64 – 68 Hai Bà Trưng, Q.1, TPHCM”. 

Báo cáo thứ nhất đề là “Báo cáo tài chính tóm tắt năm 2007”, ngày lập: 14-2-2009, ngày lập báo cáo kiểm toán: 10-5-2008. Báo cáo thứ hai đề là “Báo cáo tài chính hợp nhất tóm tắt năm 2007”, ngày lập: 14-2-2009, ngày lập báo cáo kiểm toán: 30-9-2008 (*). So với báo cáo thứ nhất, tiêu đề báo cáo thứ hai có thêm hai từ “hợp nhất”. Sự khác nhau về tên gọi của hai báo cáo thể hiện cụ thể trong sự khác nhau về số liệu ghi trên mỗi báo cáo. Xin trích dẫn vài số liệu đơn giản. Trong báo cáo thứ nhất, tổng tài sản của doanh nghiệp cuối năm 2007 ghi là 2.445 tỉ đồng (số tròn), doanh thu năm 2007: 568 tỉ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2007: 42 tỉ, lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2007: 1.095 tỉ đồng. Các con số tương ứng ghi trên báo cáo thứ hai là 3.097 tỉ, 1.280 tỉ, lỗ 44 tỉ, lỗ trên cổ phiếu 1.286  đồng.

Câu hỏi đặt ra: tại sao cùng là hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh trong năm 2007, báo cáo thứ nhất xác định là lãi, còn báo cáo thứ hai kết luận ngược lại là lỗ? Căn cứ vào báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính hợp nhất tóm tắt năm 2007 thì báo cáo tài chính thứ hai này được xác định rõ là “của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh và các công ty con (gọi chung là tập đoàn)”. Vậy báo cáo thứ nhất là báo cáo về công ty mẹ, còn báo cáo thứ hai là về cả tập đoàn. Năm 2007, Công ty Mai Linh (mẹ) kinh doanh có lãi, nhưng khối công ty con bị lỗ, kéo cả tập đoàn lỗ theo.

Vậy là do đối tượng phản ánh của mỗi báo cáo khác nhau, nên số liệu ghi trên các báo cáo này cũng khác nhau là điều dễ hiểu, nhưng vì cả hai báo cáo đều lấy danh nghĩa là của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, nên vấn đề trở nên rối.

LÊ VĂN TỨ

_________________________________

(*) Ở đây, cần lưu ý một điểm rất khó hiểu là ngày lập báo cáo kiểm toán lại diễn ra trước ngày lập báo cáo tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới