Minh bạch nguồn thu từ lòng đất
Ngọc Lan
(TBKTSG) – Số liệu về các khoản thu-chi của một số tập đoàn khai khoáng lớn ở Việt Nam như tập đoàn Dầu khí (PVN), tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV), tập đoàn Hóa chất (Vinachem) và nhiều công ty lớn trong ngành khai khoáng nội địa dự định lần đầu sẽ được công bố vào tháng 2-2011 khi Việt Nam hoàn tất các thủ tục tham gia liên minh sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng toàn cầu (EITI).
Vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam là chuyện không minh bạch: Không rõ ràng từ điều tra, thăm dò trữ lượng, không minh bạch trong chuyện cấp phép (nhất là ở địa phương), không minh bạch trong vấn đề khai thác. Kết quả của nhiều thứ không minh bạch từ đầu nguồn dẫn đến các chính sách quản lý không theo kịp thực tế dù Luật Khoáng sản một lần nữa lại được sửa đổi vào giữa tuần này (17-11). Hiện nay, đối tượng được lợi nhất từ ngành công nghiệp khai khoáng không phải là địa phương có mỏ mà thuộc về các nhóm lợi ích, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành.
Công nghiệp khai khoáng dù có trữ lượng dồi dào, đầu tư thực tế lớn nhưng thực thu so với nhiều ngành kinh tế khác chưa phải là cao. Thống kê của Nhà nước cho thấy, dù nhận được đầu tư đứng hàng thứ 5 nhưng hiệu quả đầu tư ngành này tính vào GDP chỉ đứng thứ đứng 8/18 (2008) so với hiệu quả đầu tư của các ngành kinh tế và lĩnh vực khác.
Nhiều địa phương rất nghèo, nhờ đẩy mạnh khai khoáng nên GDP cũng tăng nhanh và nóng. Song hiệu quả thực chất góp phần vào phát triển kinh tế địa phương không đáng kể, thậm chí còn gây ra những bất ổn. Viện Nghiên cứu phát triển (CODE) nói rằng ở Bắc Kạn, giai đoạn 2001-2005, GDP tăng nóng trên 11,85%/năm nhờ công nghiệp khai khoáng. Nhưng khi ngành khai khoáng gặp vấn đề trong khủng hoảng kinh tế, GDP chỉ tăng khoảng 9,5%. Điều đáng nói nhất là mức tăng này không làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của địa phương thuộc nhóm nghèo nhất nước.
Những vấn đề của ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới trùng với mục đích hướng tới của EITI, do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khởi xướng năm 2003 và đến nay đã có 31 quốc gia trên thế giới tham gia thực hiện cùng năm quốc gia khác công bố thực hiện. Hàng chục quốc gia khác đang đối thoại để cam kết và đề xuất nhận hỗ trợ của quỹ ủy thác EITI. Việt Nam thuộc nhóm sáu quốc gia hiện đang liên hệ với EITI thông qua các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khác.
Điều có lợi khi Việt Nam tham gia EITI không chỉ đơn thuần là nhằm nhận được những hỗ trợ tích cực từ kỹ thuật, tài chính và nhiều vấn đề liên quan nhằm mục đích phát triển công nghiệp khai khoáng trong tương lai. Mặt được nhất của nó là việc công khai các khoản thu, chi từ công ty khai khoáng đến Chính phủ, dưới sự giám sát và phân định của các tổ chức quản trị, giám sát độc lập sẽ làm ngành công nghiệp khai khoáng trở nên trong sạch hơn, giảm thiểu tham nhũng. EITI cho biết, nhờ báo cáo kiểm toán, họ phát hiện được ở Nigeria, năm 2003, khoản chênh lệch giữa số tiền mà công ty khai khoáng nộp cho Chính phủ và số tiền mà Chính phủ nhận được là hơn 800 triệu đô la. Trong số đó có 300 triệu đô la chênh lệch liên quan tới các khoản chi hoa hồng, tiền trả cổ tức, trả nợ vay.
Ở Việt Nam hiện nay, nếu minh bạch nguồn thu theo sáng kiến của EITI với sự công khai từ công ty khai khoáng đến Chính phủ và ngược lại, sẽ không xảy ra chuyện có hơn 50% đại biểu Quốc hội đang họp kỳ 8 (200/398 phiếu) không đồng ý đầu tư trở lại 3.500 tỉ đồng cho PVN trước khi chính thức thông qua Nghị quyết ngân sách nhà nước năm 2011 (hôm 15-11). Phần lớn các ý kiến đề nghị khoản đầu tư trở lại phải thấp hơn nhiều lần và yêu cầu báo cáo danh mục, hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn này. Lý do là khoản đầu tư hàng năm từ ngân sách cho PVN là rất lớn nhưng trừ dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đang chờ Quốc hội thông qua việc kết thúc dự án đầu tư, rất nhiều dự án lớn khác của PVN cũng như các tập đoàn kinh tế nhà nước khác, các cơ quan giám sát không xem xét, đánh giá được hiệu quả đầu tư. Báo cáo gửi Thường vụ Quốc hội giải trình về dự toán ngân sách năm 2011, phần ngân sách cho các tập đoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ghi rõ là đã nhiều lần yêu cầu nhưng PVN không báo cáo việc sử dụng vốn ngân sách vào các dự án ra sao.
PVN là doanh nghiệp khai khoáng có đóng góp lớn nhất vào GDP, với mức đóng góp bình quân từ 18-20%/năm và thông thường được giữ lại 50% lợi nhuận hàng năm trong liên doanh Vietsopetro để tái đầu tư. Nhưng để nhận được số tiền đầu tư 3.500 tỉ từ ngân sách năm tới, Chính phủ sẽ phải báo cáo Quốc hội danh mục, hiệu quả từng dự án, công trình tại kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 3-2011.
Trước đó một tháng, theo kế hoạch dự kiến, các bên đang thực hiện các bước khởi động EITI ở Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức quốc tế liên quan) sẽ công bố báo cáo điều tra về việc có thể thực thi minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta hay không (thu, chi ngân sách thế nào, quản lý dòng tiền ra sao) mà PVN là một đối tượng trong nghiên cứu. Nếu việc điều tra được thực hiện tốt, ít nhất Quốc hội và Chính phủ cũng sẽ có thêm một kênh thông tin trước khi quyết định đầu tư ngân sách cho PVN cũng như nhiều tập đoàn khai khoáng khác.