Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Minh bạch và phát triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Minh bạch và phát triển

Đậu Anh Tuấn

(TBKTSG) – Minh bạch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân. Với môi trường bên ngoài, việc thể chế minh bạch hay không sẽ định hình sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Bên trong các doanh nghiệp, quản trị minh bạch quyết định doanh nghiệp đó có lớn mạnh và vươn xa được hay không.

Tác động của môi trường kinh doanh minh bạch đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cũng được chứng minh qua các con số thống kê. theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, một điểm cải thiện trong chỉ số tính minh bạch sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp tư nhân trên 1.000 dân, 17% đầu tư trên đầu người và tăng lợi nhuận bình quân mỗi doanh nghiệp 62 triệu đồng. Chỉ số minh bạch luôn có trọng số cao nhất trong các chỉ số thành phần của PCI qua các năm.

Quan hệ giữa tính minh bạch của thể chế và khu vực kinh tế tư nhân sẽ có hai kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, một môi trường kinh doanh minh bạch giúp phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả. Khi minh bạch, về nguyên tắc, tài sản và mọi nguồn lực của xã hội sẽ có cơ hội tìm đến người sử dụng hiệu quả nhất. Chắc chắn việc đấu giá đất công khai sẽ chọn ra được ông chủ sử dụng mảnh đất một cách hiệu quả hơn so với cơ chế giao đất, phân đất không nhiều người biết.

Minh bạch trực tiếp góp phần giảm thiểu chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư dễ dàng trong tiếp cận thông tin, nhanh chóng trong thực hiện các thủ tục hành chính, tiên liệu được các thay đổi về chính sách thì rõ ràng có động lực lớn để quyết định đầu tư lớn và lâu dài.

Áp dụng các chuẩn mực về minh bạch, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong huy động vốn đầu tư từ đông đảo các nhà đầu tư, vay vốn ngân hàng hay dễ dàng làm ăn với các đối tác nước ngoài lớn, tin cậy; có cơ hội để lớn mạnh. Với bộ máy nhà nước, minh bạch có vai trò rất quan trọng trong giảm thiểu tham nhũng.

Ở kịch bản thứ hai, môi trường kinh doanh kém minh bạch không phải doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển được, mà trong môi trường đó sẽ hình thành những doanh nghiệp tư nhân khác, những doanh nghiệp giỏi trong “chạy” các dự án, hợp đồng, xoay xở rất linh hoạt giữa chằng chịt các quan hệ khác nhau, “know who” (biết ai) chứ không phải “know-how” (bí quyết sản xuất).

“Thể chế nào, doanh nhân đấy”, để có được lợi thế kinh doanh và đảm bảo an toàn cho mình, người kinh doanh thường phải tìm kiếm cơ hội kinh doanh và sự hậu thuẫn từ quan chức chính quyền, từ đó hình thành một dạng liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và quan chức chính quyền. Với các quan chức, các doanh nghiệp tư nhân “sân sau”, các doanh nghiệp “ngoài khơi” sẽ là công cụ lý tưởng để bòn rút tiền Nhà nước, để “rửa những đồng tiền phi pháp”. Chiến lược của các doanh nghiệp thay vì tập trung nâng cao sức cạnh tranh của mình sẽ tập trung đầu tư để có được các quan hệ “béo bở” với bộ máy chính quyền.

Do vậy, yêu cầu cải thiện tính minh bạch cho môi trường kinh doanh của Việt Nam không phải chỉ là mốt thời thượng, nó còn góp phần định hình được một khu vực tư nhân thật sự có chất lượng của Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới