Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Minh bạch và thượng tôn pháp luật để chống tham nhũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Minh bạch và thượng tôn pháp luật để chống tham nhũng

Lê Uy Linh

(TBKTSG Online) – Ngày 9-11 tới, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng – một dự luật sửa đổi đang được mong mỏi sẽ tạo ra những cơ sở vốn có tính pháp lý cao nhất để có thể ngăn chặn, bài trừ tận gốc tham nhũng, một thứ "quốc nạn" đang làm suy yếu đất nước.

Trước đó tại các phiên thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đã gọi nó là "quốc nạn", cần phải tuyên chiến thực sự bởi chưa bao giờ tham nhũng lại trầm trọng, lại diễn ra ngang nhiên như hiện nay. Nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Trần Đình Nhã là tham nhũng đã thách thức Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; thách thức sự kiên nhẫn, chịu đựng của nhân dân (Tuổi Trẻ, ngày 2-11-2012). Ông Nhã đề nghị "tuyên chiến thực sự" vì theo ông lâu nay "cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu đã xảy ra thì cũng chưa quyết liệt lắm".

Những tiếng nói tại nghị trường lần này cũng trở nên quyết liệt hơn bao giờ, thể hiện một sự bức xúc đã đến ngưỡng trước quốc nạn tham nhũng, đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ phải hành động thực sự. Bởi, theo các đại biểu, lâu nay tuy rất quyết tâm nhưng trong việc thực hiện phòng chống tham nhũng chủ yếu vẫn hình thức, "mới chỉ bắt được con mèo ăn miếng mỡ chứ chưa bắt được con cọp ăn con heo”.

Có thể thấy rằng lần này các vị đại diện cho dân đòi hỏi là không thể nêu những quyết tâm chính trị chung chung mà phải bằng những biện pháp đã được luật hóa. Ngăn ngừa, chống tham nhũng, trừng trị tham nhũng bằng luật định, cứ theo luật mà làm, và quan trọng là không để cho một loại quyền lực nào có thể can thiệp, đứng trên pháp luật.

Theo ý chí như trên, có lẽ mối quan tâm trước hết là sự công khai, minh bạch. Chính những quy định về công khai, minh bạch sẽ khiến mầm mống tham nhũng ngay từ đầu đã không thể có điều kiện để hình thành.

Đơn cử như việc minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức có quyền. Lâu nay, đảng viên, cán bộ nhà nước có chức có quyền đều được yêu cầu kê khai tài sản, thu nhập. Nhưng kê khai rồi thì sao nữa? Có phải hầu hết tài sản, thu nhập của người có chức có quyền cho đến nay không hề có dấu hiệu gì bất thường? hoặc là có phát hiện thấy bất thường nhưng đã chưa có cơ chế luật định nào về trách nhiệm giải trình, xác minh, cũng như xử lý tài sản bất thường và người sở hữu nó? hoặc đã từng có xử lý nhưng không thể công khai rộng rãi, chẳng hạn trên báo chí, để ít nhất cũng răn đe bất cứ ai nuôi ý đồ tham nhũng?… Nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền được báo Tuổi Trẻ trích dẫn: "Luật Phòng chống tham nhũng ra đời đã bảy năm, chưa bao giờ đặt vấn đề kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập".

Nếu công khai minh bạch, ví dụ như chuyện kiểm soát tài sản, thu nhập nói trên, thì dư luận đã không phải đoán già đoán non vì sao một trưởng phòng cấp sở của một tỉnh lại có thể xây được khu nhà vườn hàng trăm tỉ đồng. Đồng thời, vị trưởng phòng đó có thể tự hào rằng cán bộ nhà nước vẫn có thể kiếm được cả trăm tỉ đồng bằng mồ hôi nước mắt để xây nhà vườn, chứ không phải vì là con trai của bí thư tỉnh ủy như thiên hạ xầm xì!

Khía cạnh liên quan khác, đối với quy trình, chính sách, thủ tục hành chính, nếu được công khai minh bạch thì sẽ tốt hơn nữa khi người dân có điều kiện giúp nhà nước giám sát tham nhũng. Trách nhiệm, quyền hạn đến đâu của các cán bộ nhà nước thừa hành, quy trình xử lý công việc ra sao… nếu được rạch ròi đến mức dân ai cũng biết và cùng giám sát thì có lẽ khó mà lợi dụng sự nhập nhằng rối rắm của chính sách pháp luật để hạch sách, nhũng nhiễu – những điều kiện để dẫn đến hành vi tham nhũng. Đơn cử ở lĩnh vực đất đai, khá nhiều trường hợp được nêu lên trên các phương tiện thông tin chính thức thời gian qua cho thấy sự chồng chéo, mù mờ trong thủ tục về đất đai đã là nguồn gốc nảy sinh tham nhũng.

Kế đến là tính nghiêm minh của pháp luật trong trừng trị tham nhũng. Tại các phiên thảo luận của Quốc hội đang diễn ra, đã có những ý kiến hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng khi mà chỉ xử lý được những vụ tham nhũng nhỏ, trong khi không phát hiện được những vụ tham nhũng to. Mặt khác, tội phạm tham nhũng cũng có thể tìm được những cách để chạy tội, tội nặng thành nhẹ. Một phó giám đốc Công an tỉnh nói trên báo Tuổi Trẻ rằng khi phát hiện vụ tham nhũng thì thường bị tác động từ các cấp lãnh đạo cũng như chỉ huy, làm cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra thấy khó xử lý trong quá trình điều tra.

Lấy trường hợp ý kiến vị đại biểu Quốc hội vừa nêu ra ở trên, có thể thấy nếu công tác thực thi pháp luật còn bị tiếp tục can thiệp, nếu pháp luật không được thượng tôn, thì e rằng cuộc chiến chống tham nhũng khó mà đạt hiệu quả.

Cuối cùng, Luật Phòng chống tham nhũng cần có những quy định bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Việt Trường nói trên báo Tuổi Trẻ: "người dân không dám tham đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham nhũng, bởi thiếu lòng tin vào sự bảo vệ". Thực tế như báo chí phản ánh đã từng có những vụ việc mà người tố cáo bị làm khó, hạch hỏi đủ điều, thậm chí bị trù dập; trong khi người bị tố cáo thì có thể chỉ bị xử lý qua loa, vẫn tại vị hoặc "hạ cánh an toàn”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới