Minh Long I đã giảm 95% lao động, thay bằng tự động hóa
Đức Tâm
(TBKSTG Online) – Nhờ tự động hóa sản xuất, với cùng một khối lượng công việc, công ty gốm sứ Minh Long I đã giảm số lượng nhân công từ 400 xuống còn 20.
![]() |
Ông Lý Huy Sáng (người cầm mic) và ông Phạm Minh Thiện trong tọa đàm chiều 2-3. Ảnh: ĐT |
Chi tiết này được ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I chia sẻ chiều ngày 2-3, tại diễn đàn “Hàng Việt Nam chất lượng cao và Khởi nghiệp – một cuộc gặp gỡ để tìm giải pháp cho hội nhập” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Tuy không nói về chi phí để thực hiện tự động hóa nhưng ông Sáng cho biết đó là quá trình lâu dài, bắt đầu từ ấp ủ ý tưởng vào năm 2002, thực hiện, học hỏi và cải tiến từng bước một cho đến khi có được một hệ thống tự động hóa như ngày nay.
Đưa công nghệ mới vào sản xuất là một quá trình khó khăn. Lấy khía cạnh nhân sự, ông Sáng phân tích, đối với dây chuyền tự động hóa, nhân viên vận hành cũng phải có trình độ tương ứng, chứ không thể giản đơn như lúc làm thủ công. Do vậy, Minh Long I phải tuyển dụng và đưa đi nước ngoài đào tạo, rồi tiếp tục mời các chuyên gia ở nước ngoài về Việt Nam hướng dẫn thêm. Đào tạo xong thì bắt đầu vận hành bằng hệ thống bán tự động, trước khi đi vào tự động hoàn toàn.
Trong ngành gốm sứ, việc tạo dáng cho sản phẩm gốm sứ được những người thợ thủ công lành nghề làm trên các bàn quay. Đối với sản phẩm cao cấp, khách hàng luôn chú trọng sự đồng nhất và chính xác của sản phẩm. Ví dụ, chỉ một sai số nhỏ trong kích thước sản phẩm, dù chưa đến 1 mm, thì hai cái chén sứ cao cấp khi úp vào nhau sẽ bị vênh. Điều này khó có thể chấp nhận.
Việc đưa robot vào dây chuyền tạo dáng sản phẩm có thể giải quyết vấn đề trên và Minh Long I đã bắt đầu thực hiện điều này từ nhiều năm trước. Trong một chia sẻ với người viết vào cuối năm 2015, Minh Long I đã nhập về 7 con robot và mỗi con có giá không dưới 40.000 euro.
Nói đến công nghệ trong sản xuất, người ta hay quan tâm nhiều đến yếu tố chi phí đắt đỏ. Tuy vậy, theo ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc công ty Cỏ May, chia sẻ tại tọa đàm, trong một số ngành nghề, công nghệ không phải lúc nào cũng tốn nhiều chi phí. Lấy ví dụ về công nghệ làm nấm sạch của Cỏ May, ông Thiện chia sẻ, chúng tôi tìm ra một cách thức mới để sản xuất nấm sạch. Nói chuyên môn thì gọi đơn thuần là công nghệ. Nhưng công nghệ này hoàn toàn không đắt đỏ gì cả, phân tích cụ thể hơn thì đó là sự kết hợp của tri thức cộng với đội ngũ khoa học để cùng nhau nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên nền nguyên liệu đầu vào quen thuộc là rơm rạ.
592 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017
Tối ngày 2-3, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức vinh danh 592 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2017, trong đó có 40 doanh nghiệp đạt chứng nhận 21 năm liền. Danh sách chi tiết, độc giả quan tâm có thể xem thêm tại đây. |
Mời xem thêm: