Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mít Thái rớt giá còn 500 đồng/kg, nông dân ĐBSCL ‘trắng tay’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mít Thái rớt giá còn 500 đồng/kg, nông dân ĐBSCL ‘trắng tay’

Trung Chánh

(KTSG Online) – Mít Thái rớt giá mạnh, xuống mức thấp nhất có lúc chỉ còn 500 đồng/kg đối với loại hàng chợ. Điều đó, khiến nông dân sản xuất loại cây ăn trái này ở Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh "trắng tay".

Sau thời gian 'bùng nổ', mít Thái đang đối mặt rủi ro

Cây mít ĐBSCL ‘chao đảo’ bởi chiêu ép giá của thương lái Trung Quốc

Mít Thái rớt giá còn 500 đồng/kg, nông dân ĐBSCL 'trắng tay'
Mít Thái rớt giá mạnh khiến nông dân thua lỗ nặng. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ một vựa thu mua mít ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, mít Thái hiện đang có giá ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.

Theo đó, mít hàng chợ hiện chỉ còn 500 đồng/kg, mít kem là 2.000-3.000 đồng/kg, mít loại nhất, nhì và ba có giá lần lượt là 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi phân loại có đến 80-90% được xếp vào loại mít kem và hàng chợ, tức có giá chỉ 2.000-3.000 đồng/kg và 500 đồng/kg.

Theo ông Hùng, vào thời điểm tháng 2 năm nay, khi mít Thái có giá, 1 tấn mít bán ra, nông dân có thể thu vào 20-30 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay mỗi tấn mít bán ra chỉ được 2-3 triệu đồng, tức chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước đó.

Ông Trần Văn Dũng, nông dân trồng mít ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, với giá mít như hiện nay, nông dân trồng loại cây ăn trái này hoàn toàn không có lãi. “Dù giá mít nhất khoảng 9.000-10.000 đồng/kg, thế nhưng, cách phân loại của thương lái thu mua đa phần "dạt" xuống loại kem và hàng chợ nên thực tế giá bán chỉ từ 500 đến 3.000 đồng/kg”, ông Dũng giải thích và cho rằng, tiền bán mít thậm chí không đủ để đầu tư phân thuốc giúp vườn cây hồi phục sau chu kỳ cho trái.

Mít Thái được tiêu thị chính ở thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, ông Dũng tiết lộ, do tình hình dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu biên giới khó khăn, trong khi nguồn cung trong nước khá dồi dào, dẫn đến giá giảm.

Liên quan đến cây mít, như KTSG Online đã thông tin, đây là loại cây trồng có tốc độ gia tăng về diện tích sản xuất và tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng.

Theo đó, vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu mít đạt hơn 25,8 triệu đô la Mỹ, tăng 36,3% so với năm trước đó, thì riêng trong quí đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đã đạt đến gần 52 triệu đô la Mỹ, tăng đến 66,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, tổng diện tích mít ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn nuôi trái và thu hoạch đến tháng 4-2021 là khoảng hơn 39.000 héc-ta, vượt qua diện tích của nhiều loại cây ăn trái đã phát triển từ trước đó nhiều năm như: thanh long (hơn 25.300 héc-ta), chôm chôm (hơn 19.500 héc-ta), nhãn (30.200 héc-ta); thậm chí vượt cả diện tích của cây sầu riêng (hơn 36.100 héc-ta)…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới