Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mở cửa trở lại để bắt nhịp phục hồi kinh tế – xã hội

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam có thể tự tin mở cửa trở lại để bắt nhịp phục hồi kinh tế – xã hội sau khi đã đạt độ bao phủ vaccine và đúc kết được nhiều kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng, chống dịch.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2022, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc chuyển đổi phương thức phòng chống dịch theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả” và tiêm chủng vaccine thần tốc đã tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế – xã hội được tổ chức trở lại.

Vì vậy, các hoạt động đang dần lấy lại trạng thái bình thường, sản xuất – kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh và nhanh, sức tiêu dùng của người dân tăng cao, giải ngân đầu tư công đạt kết quả ấn tượng.

Ông Nguyễn Văn Thể – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) – cho biết hoạt động vận tải đang hồi phục mạnh mẽ khi số lượng các chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng từng ngày và có thể đạt mức 900 chuyến mỗi ngày trong vài ngày tới – bằng mức đỉnh của năm 2019.

Giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng trong dịp Tết của các doanh nghiệp, theo ông Thể, ước tăng khoảng 10-12% so với các tháng thường trong năm.

“Nhìn từ vận tải, có thể thấy các ngành kinh tế sẽ có sự phát triển rất tốt sau Tết”, ông Thể dự báo.

Thủ tướng yêu cầu bám sát diễn biến tình hình để chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tháng 2 tốt hơn tháng 1, năm 2022 tốt hơn năm 2021. Ảnh: Nhật Bắc.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc trong tháng 1-2022.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định với lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm.

Về tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp.

Về tài khoá, ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi với tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng giao, tính đến 31-1-2022.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tiếp tục tăng. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định.

Tháng 1 cũng ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ – mức cao nhất từ trước tới nay, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về tình tình dịch bệnh, Thủ tướng đánh giá Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh với số ca bệnh nặng và tử vong giảm sâu.

Về tiến độ tiêm chủng, ông cho biết Việt Nam đã tiếp nhận gần 212 triệu liều vaccine, tiêm được trên 178 triệu liều. Cụ thể, người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 lần lượt là 100%, 95,7% và 22,3%. Còn trẻ em 12-17 tuổi đạt tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 lần lượt là 95,2% và 86%.

“Khi chưa có đủ vaccine, chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính và điều này ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế – xã hội. Đến nay, khi đã đạt, đúc kết được các kinh nghiệm, thì chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại”, Thủ tướng nói và cho rằng không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện tại, nếu tiếp tục chờ đợi Việt Nam sẽ lỡ nhịp phát triển.

Để thực hiện mục tiêu mở cửa, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm.

Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch từng lĩnh vực, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.

Ông yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm quy định về quản lý việc đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Nơi nào tự ý đặt các quy định, yêu cầu riêng trái với hướng dẫn chung thì các bộ ngành phải kiểm tra, xử lý. Các địa phương phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện trên cơ sở bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan.

“Tinh thần là phục hồi nhanh, phát triển bền vững, các nhiệm vụ, lộ trình cụ thể, rõ ràng để kiểm tra, giám sát”, Thủ tướng nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới