Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mô hình… công ty phát triển địa phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình… công ty phát triển địa phương

Huỳnh Thế Du

(TBKTSG) – Các giải pháp sáng tạo tại các địa phương là rất cần thiết. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng đang được tiến hành ở Việt Nam cho thấy nhiều vấn đề đặt ra. Một số địa phương từng được xem là tiên phong đã vướng phải những sai phạm hết sức nghiêm trọng. Các quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm đã xảy ra khi các giải pháp sáng tạo mang lại kết quả. Một số nơi “chết” vì thành công và đa phần liên quan đến đất đai.

Mô hình… công ty phát triển địa phương
Căn hộ nhà ở xã hội ở Singapore. (Nguồn: Lê Hải/TTXVN)

Hơn thế, hiện tại gần như tất cả các địa phương đang vướng mắc trong việc triển khai các dự án liên quan đến đất đai. Theo các quy định hiện hành, việc giao đất phải thông qua đấu giá. Tuy nhiên, để có thể đấu giá đất “sạch” thường phải chuẩn bị đầu tư và đền bù giải tỏa. Đây là những công việc rất phức tạp và các doanh nghiệp chỉ làm khi có sự đảm bảo rằng họ sẽ được giao đất. Khi đó sẽ vi phạm các quy định và tiềm ẩn những rủi ro về sau. 

Thực tế tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy công ty phát triển địa phương (Local Development Corporation) là mô hình có thể giải quyết các vấn đề nêu trên với ba ưu điểm sau:

Thứ nhất, tạo ra cơ chế “mềm” để khuyến khích cán bộ, công chức làm việc, nhưng đủ minh bạch để tránh việc lạm dụng của công và quan hệ thân hữu dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng như một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, giúp nhà nước có thể khai thác phần giá trị tăng thêm từ đất cho phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng, phát triển địa phương nói chung.

Thứ ba, giúp có đất sạch hoặc cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể thu hút các nhà đầu tư, tiến hành một quá trình đấu giá đất công khai, minh bạch.

Trong các nền kinh tế thị trường với vai trò điều tiết của nhà nước, thường xảy ra trục trặc cố hữu là các doanh nghiệp tư nhân không có động cơ dài hạn trong việc tạo ra các nền tảng phát triển cho kinh tế địa phương, trong khi sự quan liêu của khu vực công thường cản trở các ý tưởng sáng tạo. Công ty phát triển địa phương – mô hình hoặc là doanh nghiệp nhà nước hoặc là đối tác công tư, hoặc cơ quan nhà nước nhưng vận hành theo cơ chế doanh nghiệp là một mô hình để giải quyết các vấn đề này. 

Có thể tìm thấy rất nhiều mô hình khác nhau trên thế giới như Anh, Úc, Israel, Ấn Độ… Bài viết này trình bày kinh nghiệm từ Singapore, nơi được xem là thành công nhất, Hàn Quốc và Trung Quốc với mô hình công ty phát triển đô thị và Mỹ – một trong những nơi được xem là có tính thị trường nhất thế giới.

Đối với Singapore, có nhiều cơ quan thuộc dạng này. Cơ quan Nhà ở và Phát triển Singapore (Singapore Housing and Development Board – HDB) là một ví dụ điển hình. Cơ quan này được hình thành từ năm 1960 theo Luật Nhà ở và Phát triển được ban hành lúc bấy giờ.

Trải qua sáu thập niên, HDB đã cung cấp nhà ở cho 82% hộ gia đình ở Singapore. HDB đã có thể khai thác được giá trị gia tăng từ đất và phát huy năng lực phát triển nhà ở để cung cấp nhà ở với giá hợp lý cho đa phần người dân. HDB nói riêng, Singapore nói chung đã có các cơ chế khuyến khích hợp lý để đội ngũ cán bộ, công chức làm việc đúng khả năng nhằm tạo ra các giá trị cho xã hội. Thành công đến với quốc đảo này là điều có thể giải thích được. 

Hàn Quốc và Trung Quốc là hai điển hình của việc khai thác giá trị từ đất thông qua mô hình công ty phát triển địa phương. Đất đã được giao cho các công ty này để phát triển hoặc  hình thành các liên doanh theo mô hình đối tác công tư để chuyển đổi đất đai và phát triển đô thị. Kết quả hai quốc gia này đã có thể  khai thác rất nhiều giá trị từ đất cho việc phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Ở Mỹ, Công ty Phát triển kinh tế Indiana của bang Indiana là một mô hình khác. Doanh nghiệp phi lợi nhuận này hoạt động theo mô hình đối tác công tư được thành lập theo sáng kiến của Thống đốc Mitch Daniels vào năm 2005. Công ty này thay thế cho chức năng của Sở Thương mại và Xúc tiến đầu tư và hoạt động như một doanh nghiệp để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Công ty này đã theo đuổi mọi cơ hội một cách tích cực để hiện thực hóa lời hứa tạo ra việc làm cho người dân, đồng thời tạo cạnh tranh nhằm giành được những cơ hội thu hút đầu tư. Mô hình này đã tạo dựng sự gắn kết cùng chiều giữa lợi ích của các doanh nghiệp với cộng đồng địa phương và tỏ ra hiệu quả trong việc thúc đẩy nền kinh tế Indiana trong thời gian qua.

Ở Việt Nam, mô hình này đã xuất hiện đầu tiên tại TPHCM vào đầu những năm 1990. Đó chính là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

IPC đã đóng hai vai, vừa là một doanh nghiệp vừa là một cơ quan nghiên cứu và thử nghiệm chính sách mới. IPC là đối tác để cùng với phía Đài Loan tạo dựng thành công siêu dự án phát triển khu Nam TPHCM, gồm một khu đô thị kiểu mẫu, một khu chế xuất với nhiều cơ sở hạ tầng liên quan khác.

Những thành công về khía cạnh tài chính của mô hình IPC chỉ là kết quả tất yếu của một cách làm và cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, đây lại là nhân tố gây ra trục trặc của IPC.

Khi các kết quả tài chính trở nên rất tốt thì IPC lại chỉ được xem như một doanh nghiệp thuần túy để tạo ra các nguồn thu cho địa phương như bao doanh nghiệp thành công khác – những con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách. Những sự cố gần đây xảy ra liên quan đến cả lãnh đạo cao cấp của TPHCM là do cách nhìn nhận không đúng về vai trò của IPC và đã bị lạm dụng. Nói một cách ví von là con gà đẻ trứng vàng đã bị một số ít cá nhân “xẻ thịt” vì tư lợi. 

Mô hình thành công nhất ở Việt Nam có lẽ là Becamex Bình Dương. Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát (Becamex) được thành lập vào năm 1976. Sau khi tỉnh Bình Dương được tái lập vào năm 1997, Becamex đã được giao nhiệm vụ của một công ty phát triển địa phương và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Đến cuối quí 3-2019, tổng tài sản của Becamex là 36.708 tỉ đồng, tổng doanh thu ước tính năm 2019 là 5.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.703 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị của Becamex chủ yếu đến từ các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng.

Quan trọng hơn cả là mô hình này đã giúp tạo ra những nền tảng phát triển hết sức cơ bản của Bình Dương. Qua mô hình này, Bình Dương đã có thể khai thác các giá trị từ đất và khả năng phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Điều quan trọng là Becamex cùng một số nhân tố khác đã giúp Bình Dương tránh được những điều đáng tiếc như đã xảy ra ở một số địa phương khác.

Tóm lại, cho dù mô hình doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề cần phải cải cách, nhưng việc hình thành các công ty phát triển địa phương bằng cách chuyển đổi các doanh nghiệp hiện hữu hoặc hình thành mới là việc cần làm đối với các địa phương để giải quyết các vướng mắc có tính chiến lược hiện nay. Về khía cạnh chính sách chung, Việt Nam có thể xem xét cho áp dụng mô hình tổ chức phi lợi nhuận đối với mô hình công ty phát triển địa phương, như đang được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới