Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mô hình cửa hàng tiện lợi ở Nhật bị đe dọa vì thiếu lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình cửa hàng tiện lợi ở Nhật bị đe dọa vì thiếu lao động

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Tình trạng khan hiếm lao động đang gây áp lực cho mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày ở Nhật Bản khi nhiều chủ cửa hàng không thể tuyển đủ nhân viên để mở cửa suốt đêm, theo hãng tin Reuters.

Bị phạt vì đóng cửa sớm

Mô hình cửa hàng tiện lợi ở Nhật bị đe dọa vì thiếu lao động
Một cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Một công đoàn của các chủ cửa hàng tiện lợi nhượng quyền ở Nhật Bản đang mở cuộc vận động thuyết phục chuỗi cửa hàng tiện lợi số một của Nhật Bản 7-Eleven cho phép họ đóng cửa sớm. Hiện nay, các chủ cửa hàng tiện lợi này bị bắt buộc phải mở cửa 24/7 ngay cả khi có bão tuyết hoặc có người thân trong gia đình qua đời.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản bắt đầu phát triển nhanh vào thập niên 1970 nhờ mô hình bán hàng 24/7 của họ phù hợp với mật độ dân cư dày đặc cũng như văn hóa làm việc đến tận khuya ở Nhật Bản.

Hệ thống kinh doanh nhượng quyền đã giúp mở rộng mạng lưới cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản với tổng số lượng cửa hàng đạt gần 58.000 vào năm ngoái với các thương hiệu như 7-Eleven, FamilyMart và Lawson.

Trong nhiều năm qua, mô hình kinh doanh nhượng quyền giúp các chuỗi cửa hàng tiện lợi tránh được các ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng khan hiếm lao động. Song giờ đây, khi dân số Nhật Bản ngày càng già, thị trường lao động nước này đang bị thắt chặt nhất trong hơn 40 năm qua, gây tổn thương cho các chủ cửa hàng tiện lợi nhượng quyền vì họ phải trả lương cao để giữa chân và thu hút nhân viên bán hàng.

Công đoàn của các chủ cửa hàng tiện lợi nhượng quyền than phiền rằng để tuyển đủ nhân viên là rất khó khăn. Nhiều chủ cửa hàng cho biết đích thân họ phải trực tiếp bán hàng trong nhiều giờ để bảo đảm cửa hàng mở cửa suốt 24 giờ/ngày, một điều khoản bắt buộc trong các hợp đồng nhượng quyền.

“Vào thời điểm ký hợp đồng nhượng quyền, chúng tôi không thể tiên đoán được tình trạng khan hiếm lao động hay mức lương tối thiểu tăng cao như bây giờ”, Mitoshi Matsumoto, chủ một cửa hàng tiện lợi nhượng quyền 7-Eleven ở tỉnh Osaka, nói.

Sau khi vợ ông Matsumoto qua đời vào năm ngoái, ông phải chật vật vận hành cửa hàng và bắt đầu đóng cửa vài tiếng đồng hồ mỗi tối. Do vi phạm hợp đồng nên ông bị 7-Eleven chấm dứt hợp đồng nhượng quyền và yêu cầu nộp phạt 17 triệu yen (hơn 3,5 tỉ đồng VN).

Những lời kêu cứu của ông Matsumoto gửi đến ban lãnh đạo 7-Eleven và các nhà làm luật Nhật Bản đang nhận được sự cảm thông rộng rãi của công chúng ở một đất nước nơi mà vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống đang trở nên cấp bách khi nhiều công ty bị bị chỉ trích vì để xảy ra những trường hợp nhân viên tử vong do làm việc quá sức.

“Trong 3-4 năm qua, nhiều cửa hàng tiện lợi nhượng quyền phải đóng cửa vì thiếu lao động chứ không phải kinh doanh kém”, một lãnh đạo cấp cao ở công đoàn của các chủ cửa hàng tiện lợi nhượng quyền, cho biết.

Trước áp lực dư luận, hôm 21-3, 7-Eleven cho biết đang thử nghiệm rút ngắn thời gian mở cửa ở 10 trong số hơn 20.700 cửa hàng và sau đó sẽ cân nhắc liệu có nên thay đổi chính sách mở cửa 24/7 không. Theo đó, 10 cửa hàng này sẽ mở cửa trong ba khung giờ: 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm và 5 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson đã cho phép một số cửa hàng đóng cửa muộn vào buổi tối, còn  FamilyMart đang thử nghiệm rút ngắn thời gian mở cửa ở TP. Kyoto.

Tuy vậy, các chuỗi cửa hàng tiện lợi lo ngại nếu họ cho phép một số cửa hàng tiện lợi đóng cửa sớm vào buổi tối, nhiều cửa hàng khác sẽ yêu cầu tương tự.

Ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi đã bão hòa

Cửa hàng tiện lợi FamilyMart ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tương lai của ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi trị giá 100 tỉ đô la mỗi năm ở Nhật Bản đang đối mặt với các thách thức từ tình trạng dân số già hóa, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Nhật Bản cũng như áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mới bao gồm Amazon.

“Vấn đề là nhu cầu về dịch vụ vụ bán hàng 24 giờ mỗi ngày còn lại bao nhiêu trong một thời đại khi mà mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển”,  Takayuki Kurabayashi, đối tác tư vấn bán lẻ của Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản), nói.

Roy Larke, chuyên gia phân tích ngành bán lẻ của Nhật Bản, nhận định ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đang đi vào giai đoạn bão hòa, do vậy, các hoạt động sáp nhập là điều không thể tránh khỏi. “Giờ đây, Nhật Bản có quá nhiều cửa hàng tiện lợi, đôi khi nằm cạnh nhau”, ông nói.

Katsuhiko Shimizu, người phát ngôn của Seven & i Holdings, công ty mẹ của 7-Eleven, không đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng vẫn còn không gian đổi mới cho ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Ông nói 7-Eleven đang nỗ lực áp dụng các công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo vào trong các quy trình kinh doanh từ tích trữ hàng cho đến tính tiền.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản cũng đang thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới chẳng hạn cửa hàng tiện lợi kết hợp với quầy thuốc, phòng tập gym, cơ sở giặt là.

Cac nhà phân tích khác cho rằng không nên đánh giá thấp ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi có biên lợi nhuận cao và hiếm khi giảm giá bán hàng nhờ sản phẩm đổi mới liên tục và cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày.

Họ cho rằng vẫn còn quá sớm để dự báo kết quả của cuộc cạnh tranh giao hàng cho các thực phẩm đặt mua trực tuyến. Để ứng phó với mối đe dọa từ dịch vụ giao hàng trong ngày của Amazon, các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đã mở cửa các nền tảng bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà.

Các cửa hàng tiện lợi đỏ đèn suốt đêm, còn được gọi là “combini” theo tiếng địa phương, hiện diện ở mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Chúng trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hiện đại của xứ sở hoa anh đào, cung cấp mọi thứ từ cà vạt cho đến các hộp cơm trưa (bento) cho giới nhân viên văn phòng ở các thành phố.

Người dân nông thôn Nhật Bản không chỉ tìm đến các cửa hàng tiện lợi để mua hàng hóa mà còn để gửi bưu kiện, rút tiền từ ATM. Dịch vụ 24/7 chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào buổi tối nhưng các chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản cũng nhấn mạnh vai trò của họ trong việc giúp ngăn ngừa tội phạm vào buổi tối và cung cấp các hàng hóa thiết bị cho người dân trong các trường hợp xảy ra thảm họa, thiên tai.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới