Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mô hình đào tạo hướng cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình đào tạo hướng cầu

Học sinh học nghề ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Để giải quyết vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”, các cơ sở đào tạo nghề phải chuyển từ cách đào tạo dựa vào năng lực sẵn có của mình (hướng cung) sang đào tạo dựa vào nhu cầu của thị trường lao động có gắn kết với nhu cầu và sự hợp tác của doanh nghiệp (hướng cầu).

Câu chuyện thứ nhất

“Một bà bán thịt lợn ở chợ có cậu con trai chơi bời lêu lổng, chúng tôi đưa về trường rồi giáo dục em theo kiểu “rèn trí – luyện nghề – tu tâm – lập nghiệp”. Giờ cậu ấy đã nên người, làm quản đốc một phân xưởng trong Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, có vợ con đàng hoàng”, thầy Nguyễn Huy Hòa, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Duyên Hải, Hải Phòng, chia sẻ với chúng tôi về thành công của mô hình liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường với KCN Nomura.

Duyên Hải là một trường cao đẳng dạy nghề tư thục có vốn đầu tư 70 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình cổ phần với chương trình đào tạo gồm những nghề: hàng hải, điện, điện tử, cơ khí, tiện, nguội, hàn… Với 3.000 học sinh theo học ở ba hệ cao đẳng, trung và sơ cấp, từ vài năm nay trường là nguồn cung cấp đều đặn công nhân có tay nghề cao cho các khu công nghiệp lớn của thành phố: Nomura, Đình Vũ và xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Thầy Hòa nói về kết quả đào tạo của nhà trường: 100% sinh viên học nghề hàn, điện tốt nghiệp có công việc ổn định tại Công ty Đóng tàu Hải Phòng, thậm chí cung không đủ cầu. Bốn năm qua, trường đưa 250 em đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan; bắt tay với Công ty Wave Link đào tạo 20 thủy thủ viễn dương (theo thỏa thuận công ty cấp 2,1 tỉ đồng, trường chịu trách nhiệm đào tạo).

“Hiện chúng tôi liên kết với năm đơn vị ở Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa để nhân rộng mô hình này, đang đào tạo khoảng 1.000 sinh viên học nghề. Sinh viên của chúng tôi ra trường có công ăn việc làm ổn định, nhưng quan trọng hơn là các em đều trở thành công dân có ích, ấy là điều đáng mừng”, thầy Hòa nói với TBKTSG.

Quan niệm giáo dục của người thầy đã 70 tuổi này là dạy dỗ học sinh “thành nhân” trước, “thành công” sau. Thầy Hòa kể, sinh viên của thầy trước khi vào trường đa số đều là học sinh kém, cá biệt, thi trượt đại học, trượt nốt trung cấp, cao đẳng công lập nên gia đình mới phải đóng tiền cho vào học. Dạy dỗ các em này rất khó, thầy chia sẻ, không thể áp đặt mà phải truyền cho các em lòng say mê học tập.

“Tôi quan niệm rạch ròi thế này, trường mình là sự chọn lựa bất đắc dĩ vì các em chỉ thích vào đại học công lập chứ mấy ai thích học cao đẳng nghề. Khó là định kiến xã hội còn nặng quá: chỉ trọng đại học vì nó có vẻ hàn lâm, sang trọng hơn. Vì thế, chúng tôi áp dụng cách giáo dục “dạy – dỗ – răn – đe – đuổi”, song rất may là trường chưa phải đuổi em nào cả”, thầy nói.

Niềm vui của người thầy tâm huyết này cũng rất giản dị: có sinh viên lúc vào trường học rất yếu, thi đâu cũng trượt, vậy mà sau khi ra trường anh ta đã có việc làm, thu nhập 5 triệu đồng/tháng và vẫn nhớ ơn người thầy đã tin mình, cho mình từng con chữ làm hành trang vào đời.

Câu chuyện thứ hai

Đại học Công nghiệp Hà Nội là trường hợp điển hình cho mô hình hợp tác giữa một đại học trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài trong đào tạo hướng cầu. Ông Hà Xuân Quang, Phó hiệu trưởng, nói rằng phát triển hợp tác giữa hai bên là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật.

Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên: công ty có nguồn nhân sự tốt, chủ động trong tuyển dụng, tiết kiệm chi phí đào tạo. Nhà trường được hỗ trợ từ doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, còn sinh viên – nguồn nhân lực tương lai cho nền kinh tế, được học tập trong môi trường tốt và có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Trong năm học 2009-2010, Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo 18 ngành đại học, 20 ngành cao đẳng, 14 ngành trung cấp chuyên nghiệp, 5 ngành cao đẳng nghề… “Trên 80% sinh viên của trường có việc làm đúng nghề trong thời gian sáu tháng từ ngày tốt nghiệp. Hiện có hơn 400 doanh nghiệp trên cả nước hợp tác với chúng tôi để đào tạo sinh viên ngay trên ghế nhà trường”, ông Quang cho biết.

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan đã ký hợp đồng hợp tác đào tạo nhân lực kỹ thuật với trường trong thời gian 15 năm từ năm 2008, nhằm cung cấp 1.200-1.500 lao động/năm cho các nhà máy của Foxconn tại Việt Nam. Hình thức hai bên áp dụng là Foxconn cung cấp trang thiết bị đào tạo trị giá 5 triệu đô la Mỹ, cấp chi phí đào tạo và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên được chọn đào tạo.

Toyota Việt Nam (TMV) cũng hợp tác với Đại học Công nghiệp Hà Nội từ năm 2007 để đào tạo hai đến ba khóa/năm, mỗi khóa 40-50 thợ sửa chữa thân vỏ và sơn ô tô cho các trạm sửa chữa xe của TMV. Trong hợp đồng này, TMV cấp thiết bị trị giá 80.000 đô la, chuyển giao công nghệ và cung cấp một số vật tư đào tạo cho trường. Đặc biệt, trường còn liên kết với 15 nghiệp đoàn Nhật Bản nhằm đưa thợ kỹ thuật sang làm việc cho các công ty tại Nhật và đã có hơn 1.000 sinh viên sang Nhật theo chương trình này.

THÀNH TRUNG

Dạy cách câu cá

Mới đây, tập đoàn Barclays của Anh đã rót một khoản vốn trị giá 500.000 bảng Anh thông qua tổ chức phi chính phủ CARE International và hợp tác với Hội thanh niên tỉnh Long An, dưới hình thức tài chính vi mô, để cung cấp các khóa tập huấn ngắn hạn cho khoảng 10.000 thanh niên ở Long An. Đây là một khoản tín dụng ưu đãi được sử dụng nhằm dạy cho những thanh niên – nạn nhân của tình trạng mất đất, thất nghiệp – về cách kinh doanh và quản lý tài chính.

“Cách tiếp cận của chúng tôi là không cho họ con cá, mà dạy họ cách câu cá”, ông Marcus Agius, Chủ tịch Barclays, nói với TBKTSG tại cuộc gặp nhân chuyến thăm Hà Nội hồi cuối tháng 2.

Thành Trung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới