Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mô hình Groupon có còn hấp dẫn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình Groupon có còn hấp dẫn?

Công Sang

(TBVTSG) – Với 1% thị trường (theo thống kê của trang web dealcuatui), việc Zingdeal ngưng hoạt động theo các chuyên gia là ít ảnh hưởng đến thị trường chung. Thay vào đó, điều cần quan tâm chính là những vấn đề bên trong mô hình Groupon (mua theo nhóm, cộng đồng) trong nước hiện nay. Đây cũng được xem là điểm yếu của các doanh nghiệp Groupon, kể cả nhóm dẫn đầu.

Với sự cạnh tranh gay gắt trong môi trường Internet, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với câu hỏi: năm năm sau tình hình sẽ như thế nào? Doanh nghiệp Groupon cũng không là ngoại lệ và nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi hoặc chấp nhận rời cuộc chơi sớm.

Được và chưa được

Theo các chuyên gia, cái được lớn nhất của mô hình Groupon tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại là “liều thuốc kích thích hữu hiệu” cho ngành thương mại điện tử phát triển, trong đó có cả dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Nhìn chung, công lao lớn nhất thuộc về các công ty đi tiên phong, khai phá thị trường Groupon. Thông qua đó, các doanh nghiệp định hướng đây là chính là kênh tiếp thị, bán hàng nhanh chóng nhất hiện nay. Còn đối với người tiêu dùng, mô hình này đã đem lại cho họ cơ hội sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ với mức giá hợp lý nhất.

Trong khi đó, bản thân thị trường mua theo nhóm cũng định hình và dần đi vào ổn định. Các phân khúc và thị phần đã được xác định rõ ràng hơn. Chính vì thế, chỉ sau hơn một năm hoạt động, doanh thu ngành thương mại điện tử đã lớn hơn nhiều lần so với trước khi có sự tham gia của mô hình Groupon. Theo trang web dealcuatui, tính đến nay đã có hơn 670 tỉ đồng và 4,6 triệu sản phẩm, dịch vụ được bán ra từ 15 trang dẫn đầu trong 100 trang web Groupon trong cả nước.

Tuy nhiên, cái chưa được, theo ông Trần Mạnh Tưởng, Giám đốc truyền thông và tiếp thị của Công ty KingBee Media, tham gia vào mô hình này phổ biến vẫn là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tập trung vào các nhóm chính như: chăm sóc sắc đẹp, ăn uống, du lịch, học hành hoặc sản phẩm ít tên tuổi.
Theo ông Tưởng, điều này cho thấy nhóm doanh nghiệp tương đối có uy tín chưa thực sự quan tâm tới hình thức tiếp thị này và điều này cũng ảnh hưởng tới tâm lý chưa thỏa mãn nhu cầu về sản phẩm đa dạng của người tiêu dùng đầu cuối.

Nhómmua.com: tiềm lực tài chính tốt, có- kinh nghiệm bài bản từ nước ngoài (rebate networks), sáng tạo nhanh, hợp tác được với những nhà cung cấp (merchant) tốt nhất. Đã có sáng tạo với mô hình flash sale (giảm giá mặt hàng cao cấp trong vòng 24 tiếng) .

Hotdeal.vn: có kinh nghiệm bảy năm làm thương mại điện tử theo mô hình B2C. Có kho bãi, đội ngũ vận hành, quy trình, kinh nghiệm giao nhận hàng. Đã có sáng tạo với mô hình kết hợp với siêu thị trực tuyến.

Muachung.vn: xuất thân là công ty công nghệ nên hướng được người tiêu dùng chấp nhận thanh toán điện tử. Hiện có 60% giao dịch trên MuaChung không dùng tiền mặt mà thanh toán trả trước qua SohaPay.

Cungmua.com: có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp và quản lý tài chính. Bám sát các đơn vị dẫn đầu (fast follower). Tối ưu hóa nguồn lực.

Theo ông Trần Tuấn Tài, chuyên viên đầu tư của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư FPT

Giải thích về điều này, một chuyên gia cho biết, do các doanh nghiệp Groupon chưa phát huy được lợi thế tiếp thị của mô hình này mà thay vào đó là tâm lý bán xả hàng tồn kho, hàng khuyến mãi khiến nhiều doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp Groupon) chuyển dần từ mô hình “tiếp thị” sang “bán hàng”, vì thế, phần lớn các trang Groupon “nhìn đâu cũng thấy các dịch vụ, sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao” kể trên.

Mặt khác, cũng chính vì tâm lý trọng bán hàng nên các doanh nghiệp Groupon hiện đang phải ôm đồm quá nhiều việc, từ tiếp thị, bán phiếu giảm giá (coupon) đến giao nhận, quản lý các dịch vụ, sản phẩm tham gia… trong khi thanh toán điện tử ở Việt Nam chưa được phổ biến khiến chi phí hoạt động tăng cao. Điều này cũng dẫn đến tình trạng phí huê hồng quá cao khiến nhiều doanh nghiệp tham gia phàn nàn trong thời gian qua.

Những xu hướng mới

Theo ông Trần Tuấn Tài, chuyên viên đầu tư của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư FPT, hiện nay người tiêu dùng cũng đã bớt háo hức hơn khi tham gia các trang Groupon, thay vào đó là tâm lý dè chừng, kiểm tra, tìm hiểu thật kỹ trước khi mua bất kỳ dịch vụ, sản phẩm nào. Đây là điều rất đỗi bình thường sau hàng loạt các vụ tai tiếng vừa qua.

Tuy nhiên, ông Tài cho rằng không vì thế mà mô hình này kém hấp dẫn bởi nó tác động trực tiếp vào quyền lợi của người tiêu dùng trong nước, cụ thể là bằng yếu tố giá cả, đặc biệt là trong bối cảnh giá hàng hóa đang có xu hướng tăng và tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Nhưng để có thể đứng vững trên thị trường thì lại là một vấn đề khác. Các doanh nghiệp Groupon phải có chiến lược quản trị được vận hành tốt, phù hợp với nguồn lực; phải biết sáng tạo, phát triển mô hình kinh doanh mới khi mô hình Groupon bị áp lực… Theo ông Tài, hiện chỉ có dưới 10 công ty Groupon trong nước đáp ứng những điều nói trên. “Có thể nói thị trường hiện nay không dành cho các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn”, ông Tài nhận định.

Một vấn đề đặt ra là sáng tạo như thế nào và mô hình Groupon trong thời gian tới sẽ ra sao. Ông Tưởng của KingBee Media dự đoán rằng trong thời gian tới sẽ có hai xu hướng được phổ biến rộng rãi, tiến dần đến việc thay thế mô hình Groupon hiện tại.

Xu hướng thứ nhất là sự kết hợp giữa mô hình Groupon, sàn thương mại điện tử và mô hình đấu giá. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp Groupon sẽ cung cấp gian hàng cho các doanh nghiệp tham gia, như mô hình chodientu, vatgia và họ có nhiệm vụ cập nhật nội dung, chương trình khuyến mãi theo số lượng và thời gian thực.

Điểm mạnh của mô hình này là doanh nghiệp Groupon sẽ bớt ôm đồm công việc như hiện tại, từ đó giảm thiểu các chi phí về nhân lực và chỉ tập trung vào việc tiếp thị, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia để tạo thành một chợ điện tử theo mô hình Groupon.

Phía doanh nghiệp tham gia sẽ dựa vào mô hình đấu giá để tạo các chiến dịch thu hút người tiêu dùng, tự chủ hơn trong các chương trình khuyến mãi nhằm đưa ra những dịch vụ, sản phẩm phù hợp với khả năng đáp ứng của mình. Bên cạnh đó, gian hàng, thương hiệu của họ sẽ vẫn được biết đến dù không có chương trình khuyến mãi.

Thứ hai là xu hướng đi sâu vào các thị trường ngách, theo đó sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Groupon chỉ cung cấp một sản phẩm, dịch vụ nhất định như muachung đang tập trung vào mảng du lịch hay trang học bổng của motibee với các khóa đào tạo… Việc tập trung như vậy sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn, đồng nghĩa với việc có nhiều dịch vụ, sản phẩm được khuyến mãi hơn so với mức bình quân năm dịch vụ, sản phẩm như hiện nay.

Theo ông Tưởng, điểm chung và cũng là điểm quan trọng nhất của hai mô hình này là người tiêu dùng đầu cuối luôn có cơ hội được chọn lựa sản phẩm một cách đa dạng với giá cả và chất lượng tốt nhất. Thêm vào đó, xu hướng nói trên còn cung cấp cho họ một kênh để so sánh, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ trong cùng một ngành nghề nhất định.

Trên thực tế, việc chuyển đổi mô hình không phải một sớm một chiều và hoàn toàn không dễ dàng. Tuy nhiên ông Tưởng cho rằng đối với mô hình kinh doanh trên Internet, các doanh nghiệp rất khó giữ được lòng trung thành của khách hàng nếu không đầu tư, đổi mới. “Họ phải liên tục phát triển hoặc chấp nhận rời cuộc sớm”, ông Tưởng nói.

Nghĩa vụ của nhà cung cấp, quyền lợi của người tiêu dùng

Theo một vị đại diện Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chi nhánh TPHCM, để lập một trang web bán hàng trực tuyến, cá nhân hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ hội đủ các điều kiện như sau:

Trước hết, doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh thành nơi khởi nghiệp kinh doanh. Trong trường hợp trang web bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp không cho phép khách hàng bình luận thông tin thì doanh nghiệp phải xin thêm một giấy phép từ  Sở Thông tin và Truyền thông sở tại. Ngược lại, nếu trang web có chuyên mục/đề mục cho phép người tiêu dùng bình luận về chất lượng hàng hóa, dịch vụ thì doanh nghiệp phải xin phép từ Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử.

Ngoài ra, cá nhân hoặc doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các điều kiện, hồ sơ xin cấp giấy phép tại Thông tư số 14 /2010/TT-BTTTT về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử đối với hoạt động quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, do Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 29-6-2010.

Trong trường hợp mua phải hàng hóa, dịch vụ chất lượng kém hoặc không đúng như lời quảng cáo của doanh nghiệp trên trang web, đầu tiên người tiêu dùng nên phản ánh, khiếu nại trực tiếp với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó. Nếu doanh nghiệp không giải quyết, người tiêu dùng nên đến một trong hai cơ quan là Sở Công Thương các tỉnh thành và Hội Bảo vệ người tiêu dùng để nhờ hỗ trợ giải quyết.

Các cơ quan này sau khi tiếp nhận sự khiếu nại của người tiêu dùng kèm theo các chứng cứ được cung cấp, sẽ giải quyết trong vòng 15 ngày bằng việc lập một tổ chức hòa giải, bảo đảm bí mật về thông tin cho cả hai bên. Nếu việc hòa giải không thành, một trong hai cơ quan nói trên sẽ đưa vụ việc ra tòa.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, khi vụ việc được đưa ra tòa, người tiêu dùng sẽ không phải đóng án phí và doanh nghiệp sẽ phải tự chứng minh là mình không có lỗi; đây là điểm ngược lại hoàn toàn so với trước kia là người tiêu dùng phải đóng án phí trước và tự tìm chứng cứ để buộc tội doanh nghiệp.

Văn Hòa

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới