Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mô hình tích trữ 60 năm qua bị ‘tổn thương’ vì đại dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mô hình tích trữ 60 năm qua bị ‘tổn thương’ vì đại dịch Covid-19

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) – Doanh nghiệp hiện đang thay đổi cách thức tích trữ sản phẩm vốn đã được tối ưu hóa trong hơn 60 năm qua. Cách thức này có thể giúp vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay khi nguồn cung khan hiếm đi kèm chuỗi cung ứng đứt gãy, nhưng cũng mang đến những tổn thương ngầm nhất định trong tương lai.

Mô hình tích trữ 60 năm qua bị 'tổn thương' vì đại dịch Covid-19
Theo nghiên cứu của HSBC, mô hình tích trữ hàng tồn được tinh gọn trong 60 năm qua đang thay đổi, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

Mô hình 60 năm phải thay đổi vì sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong báo cáo “Manufacturing and trade Economics Global: From Just-in-time to Just-in-case?” vừa công bố vào cuối tháng 6 của HSBC, đơn vị nghiên cứu này đặt vấn đề mô hình tích trữ hàng nguyên liệu được tinh gọn trong 60 năm qua đang thay đổi, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Một ví dụ điển hình là Toyota. Thay vì đợi đặt linh kiện theo từng đơn hàng như trước, hãng xe này chủ động tích trữ từ sớm những linh kiện quan trọng như bán dẫn. Trong báo cáo tài chính quí 3 (công bố đầu tháng 2), Toyota cho biết sẽ đảm bảo từ 1-4 tháng dự trữ cần thiết đối với mỗi loại linh kiện.

Theo HSBC, kết quả là Toyota đã ứng phó thành công với tình trạng thiếu hụt bộ vi xử lý, giảm thiểu tối đa mức độ gián đoạn sản xuất so với đối thủ. Kinh nghiệm “phản ứng nhanh” này cũng được cho là đến từ sự kiện động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, đã từng làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong năm nay, Toyota dự kiến tăng sản lượng xe bán từ 9,1 triệu đơn vị trong năm ngoái lên con số 9,6.

“Các nhà sản xuất xe hơi khác cũng bắt đầu học hỏi chiến lược của Toyota bằng cách tự đảm bảo nguồn cung của mình”, báo cáo của HSBC nhận định.

Ví dụ, GM và Ford đang lắp sẵn xe để có thể nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm ngay khi có bộ vi xử lý, còn Daimler và Porsche cũng cân nhắc giải pháp tăng tích trữ. Volkswagen hiện đang nhập bộ vi xử lý từ các hãng cung cấp linh kiện ô tô lớn (như Bosch và Continental) và xem xét giải pháp đặt mua linh kiện bán dẫn thẳng từ nhà sản xuất bộ vi xử lý.

Không chỉ có các nhà sản xuất ô tô, các nhà sản xuất máy tính lớn cũng bắt đầu tích trữ một số loại linh kiện. Ví dụ như HP tăng dự trữ bộ xử lý trung tâm (CPU), bộ điều khiển mạng và điều khiển màn hình.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, nhà sản xuất bộ vi xử lý lớn nhất thế giới, nhận định rằng khách hàng của họ đã bắt đầu chuẩn bị dần cho việc tăng cường tích trữ hàng trong năm so với mức cao điểm nhất trong lịch sử. Chưa hết, hãng cũng kỳ vọng khách hàng tiếp tục tích trữ hàng thêm một thời gian nữa “trong bối cảnh nhu cầu gối đầu của ngành để đảm bảo nguồn cung an toàn”.

Nguồn: IHS Markit, HSBC.

Theo HSBC, các nhà sản xuất hiện đang dịch chuyển từ mô hình “just-in-time” (JIT) sang mô hình “just-in-case" (JIC). Hoạt động sản xuất đã được tối ưu hóa rất nhiều trong vòng 60 năm qua nhờ sự ra đời của mô hình JIT, Toyota đã tiên phong áp dụng mô hình này nhằm giảm dư thừa hàng tồn.

Theo đó, nhà sản xuất chỉ đặt hàng lượng linh kiện họ cần tại một thời điểm nhất định theo đơn hàng, nhằm tối ưu hóa chi phí và cuối cùng là nâng cao hiệu suất. Ngày nay, mô hình sản xuất JIT được áp dụng trong nhiều ngành hàng từ ô tô tới điện tử và thời trang.

Tuy nhiên, mô hình JIT hiệu quả là nhờ sự vận chuyển liền mạch của linh kiện và vật liệu giữa nhà cung cấp và bên đặt mua trên toàn thế giới. Điều này đã thay đổi vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì khâu logistic và giãn cách xã hội trong vòng một năm qua, bất chấp nhu cầu tăng mạnh đối với một số ngành hàng như điện tử, ô tô và vật liệu xây dựng.

HSBC dẫn lại số liệu từ HIS Markit cho thấy, ngành logistic trên thế giới đối mặt với tình trạng thời gian giao hàng đã bị kéo dài, trong khi chi phí đầu vào lại tăng lên đáng kể trong năm tháng đầu năm nay.

Hãng vận chuyển lớn nhất thế giới Maersk đang chứng kiến xu hướng chuỗi cung ứng dịch chuyển sang mô hình tích trữ khi cần (JIC) diễn ra trong chính hoạt động của họ. Theo CEO của Maersk được HSBC dẫn lại, các khách hàng đang dịch chuyển từ trạng thái phụ thuộc vào một nhà cung cấp đơn lẻ sang nhập hàng từ nhiều nguồn cung khác nhau để tránh ảnh hưởng bị gián đoạn nguồn cung.

Nguồn: IHS Markit, HSBC.

Mối lo thương mại tương lai

Việc thay đổi mô hình tích trữ giúp doanh nghiệp thích ứng với tình trạng gián đoạn nguồn cung và đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc tăng tích trữ ở một số mặt hàng có thể gây “phản ứng phụ”.

“Nhìn về tương lai, sự mất cân bằng cung cầu có khả năng được điều chỉnh khi các quy định về giãn cách được dỡ bỏ, nhưng sự thiếu hụt các linh kiện quan trọng có thể sẽ vẫn xảy ra trong một thời gian nhất định và có thể còn trở nên nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp dự trữ hàng trong tương lai gần”, HSBC đánh giá.

Có hai lý do quan trọng cho câu chuyện này. Yếu tố đầu tiên là việc tích trữ sản phẩm cũng tăng sự cạnh tranh có thể xảy ra đối với linh kiện và vật liệu thô vốn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, khiến giá cả càng đắt đỏ hơn.

Thứ hai, nhu cầu tích trữ một số mặt hàng tăng mạnh đồng nghĩa với việc tích trữ ở một số ngành nghề khác sẽ giảm mạnh. Điều này hàm ý rằng trong tương lai khi nhu cầu phục hồi trở lại, doanh nghiệp vẫn sẽ phải ở trong tình trạng cạnh tranh mạnh hơn. Thống kê thực tế cũng cho thấy tỷ lệ hàng tồn kho trong ngành bán lẻ của Mỹ đang ở mức đặc biệt thấp, theo HSBC.

Nguồn: IHS Markit, HSBC.

Bên cạnh đó, việc tích trữ sản phẩm là rất tốn kém đối với doanh nghiệp. Đầu tiên là chi phí tích trữ, bao gồm chi phí thuê, cơ sở vật chất, dịch vụ kho bãi và bảo hiểm (thường chiếm khoảng 25% đến 55% tổng giá trị hàng tồn, theo Công ty quản lý hàng tồn eTurns). Một số ngành hàng như đồ nội thất chẳng hạn, cũng sẽ khó tích trữ hơn nhiều so với các ngành nghề như linh kiện bán dẫn.

Mặt khác, việc tăng hàng tích trữ có thể dẫn đến tổn thất khi doanh nghiệp dự đoán sai nhu cầu thị trường, cũng như ảnh hưởng tới thị trường chung trong tương lai khi nguồn cung dư thừa hoặc thiếu hụt quá mức.

Vì vậy, HSBC cho rằng xu hướng gia tăng tích trữ cao hơn mức bình thường có khả năng chỉ là tạm thời và diễn ra ở một số ngành nhất định thường xảy ra thiếu hụt nguồn cung như xây dựng, điện tử và ô tô.

“Tích trữ thêm hàng có thể không phải là chiến lược khả thi đối với doanh nghiệp nhỏ với nguồn vốn hạn hẹp trong bối cảnh đại dịch này. Mặc dù dịch bệnh đã cho thấy sự mong manh của sản xuất tinh gọn, đây vẫn chưa phải “cái kết” của sản xuất theo mô hình JIT”, HSBC đánh giá.

Thay thế cho phương án tăng hàng tích trữ, các doanh nghiệp cũng có thể xem xét phương án đa dạng hóa nhà cung cấp, tìm nguồn cung gần chính quốc (sản xuất cận quốc gia hoặc nội địa), tự sản xuất linh kiện chính (tích hợp dọc) và áp dụng công nghệ số để quản lý nguồn cung tốt hơn.

“Mặc dù thực hiện những chiến lược này có thể đắt đỏ, nhưng đó lại là khoản đầu tư có thể thu lời trong tương lai và sẽ đảm bảo các doanh nghiệp được định vị tốt hơn để đi qua những cú sốc trong tương lai”, HSBC nhận định.

Tình trạng thiếu hụt linh kiện sản xuất

Ngành sản xuất ô tô bị ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn cung bộ vi xử lý, thời gian giao hàng xe hơi tăng từ ba lên sáu tháng, và nhiều đơn hàng xe mới còn bị dời đến năm 2022.

Nissan đã tuyên bố tạm ngưng hoạt động tại ba nhà máy sản xuất ở Mexico trong tháng 6-2021 để đối phó với tình trạng thiếu bộ vi xử lý, trong khi đó, Daimler và Volkswagen cũng bắt đầu giảm giờ làm tại một số nhà máy vì nguyên nhân tương tự.

Auto Forecast Solutions ước tính việc thiếu hụt bộ vi xử lý có thể ảnh hưởng tới sản xuất của 4,7 triệu xe hơi và xe tải trên toàn thế giới. Dự báo của IHS Markit về tổng sản lượng phương tiện vận chuyển hạng nhẹ sẽ thiếu hụt tới 4 triệu đơn vị.

Công ty tư vấn Alix Partners ước tính tình trạng thiếu bị linh kiện bán dẫn có thể gây thiệt hại 110 tỉ đô la doanh thu cho các hãng sản xuất xe trong năm nay (ước tính trước đây là 61 tỉ).

Tình trạng thiếu hụt trong ngành linh kiện bán dẫn vốn luôn hiện hữu, nay lại càng trầm trọng hơn vì những khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác. Việc các công ty Trung Quốc tranh thủ tích trữ linh kiện công nghệ trước khi Mỹ áp dụng hạn chế thương mại (trước thời điểm xảy ra đại dịch), thời tiết khắc nghiệt ở Texas, ngập lụt ở Đài Loan, và sự kiện cháy nhà máy sản xuất bộ vi xử lý ở Nhật Bản đã khiến nguồn cung càng bị siết chặt hơn.

HSBC kỳ vọng nhiều khả năng áp lực về nguồn cung sẽ bắt đầu giảm bớt trong năm nay, khi các nước phương Tây gỡ bỏ giãn cách xã hội và tiêu dùng cá nhân sẽ dịch chuyển bớt từ hàng hóa sang dịch vụ.

Tuy nhiên, tình hình gián đoạn vận chuyển vẫn còn tiếp diễn ít nhất tới hết năm nay do phong tỏa cảng biển và gián đoạn ở Yantian, một cảng phía Nam Trung Quốc, cuộc cạnh tranh tích trữ sẽ càng khiến tình trạng thiếu hụt của những mặt hàng trọng yếu trở nên trầm trọng hơn trong tương lai gần.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới