(KTSG Online)- Bối cảnh của việc tắc biên đang diễn ra trên tất cả các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc hiện nay khiến cho lượng hàng hóa nông, thủy sản, hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Trung Quốc và ngược lại thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Đề xuất về việc thiết lập mô hình “vùng đệm” tại các cửa khẩu giáp biên giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp giải tỏa hàng hóa và tránh đóng biên đột ngột.
Riêng rau quả đã thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng
Tính đến ngày 21-12, theo Tổng cục Hải quan và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), hiện ở 6/21 cửa khẩu Việt Nam bị kẹt 6300 xe hàng hóa và chiều ngược lại kẹt hơn 3000 xe hàng hóa chưa thể thông quan. Tình hình mỗi lúc một khó khăn thì phía Trung Quốc lại ban hành quyết định: không cho tài xế Việt Nam và tài xế nước ngoài nói chung nhập cảnh vào Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn tới việc thay đổi quy trình đối với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như sau: (1) Lái xe Việt Nam đánh xe hàng xuất khẩu Việt Nam theo đường hàng hóa tới bãi chờ giữa biên giới hai nước, đỗ xe tại bãi và xuống xe về nước; (2) Công ty khử khuẩn được phía Trung Quốc chỉ định sẽ tới xe tiến hành phun khử trùng cabin và lấy mẫu xét nghiệm; (3) Sau khi phun khử trùng xong, tài đệm Trung Quốc sẽ đánh xe vào bàn cân để tiến hành các bước kế tiếp. Quy trình này tương đối khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể tiến hành giao hàng, khai báo và thực hiện các thủ tục với phía bạn.

Hiện nay, mặt hàng tồn chủ yếu (chiếm tới 80-90%) tại các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là hàng nông sản và thủy sản. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 1,58 tỉ đô la Mỹ, chiếm 34% trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này sang Trung Quốc (4,9 tỉ đô la). Với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hỏng, dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ.
Thiệt hại về tiền hàng, theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lên đến 2 nghìn tỉ đồng (trung bình 500 triệu đồng/1 xe nhân với khoảng 4000 xe hàng), chưa kể chi phí vận chuyển (trung bình 100 triệu/1 xe với tình hình ách tắc hiện tại).
Với bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, là vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, tình trạng quá tải ở mọi bến bãi, cửa khẩu cộng với tốc độ thông quan chậm còn ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu khác, đặc biệt là hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước (như lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ với ván bóc, gỗ bóc…), mà hiện các doanh nghiệp đang rất cần để gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký dịp cuối năm.
Theo thông tin mà KTSG Online có được, một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử quy mô hàng đầu tại Việt Nam cho biết linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch, doanh nghiệp lại không thể dừng dây chuyền sản xuất nên phải ứng phó bằng cách chuyển sang các phương thức vận chuyển khác tốn kém hơn như đường hàng không với chi phí cao hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%). Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng biện pháp tạm thời này thì mức độ rủi ro bị chậm hàng, dừng hàng vẫn là rất cao, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại lớn nếu phải dừng dây chuyền sản xuất.
Tình trạng ùn tắc dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới do khả năng thông quan đã giảm tới mức tối thiểu và phía bạn không có kế hoạch mở lại các cửa khẩu trong thời gian ngắn tới đây, trong khi số xe hàng hóa dồn về các cửa khẩu tiếp tục tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán. Chính sách “đóng biên tức thời” nếu phát hiện ra bất cứ trường hợp nào là lái xe hay các nhân viên giao dịch tại các khu vực cửa khẩu của một trong hai nước bị nhiễm virus Sars-CoV-2 đang được thực hiện ráo riết.
Cần một “vùng đệm” trao đổi hàng hóa với Trung Quốc
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã gửi văn bản lên Thủ tướng hôm 23/12, khẩn thiết đề xuất một số biện pháp nhằm cải thiện ách tắc tại các cửa khẩu giáp biên. Ban này dẫn thông tin từ Nhóm doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam- ASEAN tỉnh Lạng Sơn đề xuất Chính phủ xem xét giao các địa phương có các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid tại khu vực đệm này nhằm phát hiện sớm và cách ly người/vật mắc covid ngay tại đầu vùng đệm.
Theo Hiệp hội kinh doanh hàng quá cảnh, từ thành phố Bằng Tường đến cửa khẩu Youyiguan của Trung Quốc khoảng 20 km, có 5 bãi xe chờ thông quan. Các xe hàng vào bãi đều lấy số tự động để được làm thủ tục hải quan. Khi xe đến bãi cuối cùng (bãi ngoại quan) thì tài xế sẽ giao xe cho lái xe “vùng đệm” để lái vào bãi Xuân Cương, cửa khẩu Hữu Nghị của Việt Nam (trường hợp xe không bị dừng để kiểm hóa thực tế).
Tất cả các lái xe Trung Quốc khi bắt đầu vào bãi trung chuyển đều phải xét nghiệm Covid, và sau khi giao xe cho lái xe chuyên trách thì sẽ được yêu cầu đảm bảo giãn cách tại các khu vực dành riêng cho lái xe chờ phương tiện quay lại.
Tại khu vực trung chuyển, tài xế Việt Nam lái xe sang trả hàng (hiện tại đã bị dừng) không được xuống xe, nếu có các nhu cầu riêng thì phải báo cho quản lý bãi và sẽ có taxi đến tận nơi đón đi và trả về. Trong suốt quá trình, phải đảm bảo mặc đồ bảo hộ y tế và không được di chuyển ngoài lộ trình đăng ký. Xe Trung Quốc sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, sẽ do lái xe chuyên trách của Trung Quốc lái vào Việt Nam – trên xe có dán tem vỡ, vào bãi Xuân Cương và phải giao/nhận xong hàng, quay trở về (qua thanh chắn barie) trước 18:00. Trường hợp về sau 18:00, dù 1 phút, cũng phải chịu cách ly 21 ngày.
Toàn bộ công chức hải quan, biên phòng, kiểm dịch, nhân viên phục vụ, lái xe, công nhân bốc vác của Trung Quốc đều phải ở trong khu vực vùng đệm, không được ra ngoài, không được về nhà. Mỗi lần ra/vào vùng đệm đều phải thực hiện xét nghiệm và cách ly. Mọi quy định đều được thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh. Người trong vùng đệm được đảm bảo điều kiện ăn uống, sinh hoạt.
Phía Trung Quốc có kế hoạch điều tiết xe trước một ngày với danh sách (được lập từ 16:00 ngày hôm trước) với các xe kèm biển kiểm soát rõ ràng sẽ sang Việt Nam để giao/nhận hàng, xe Việt Nam đã trả xong hàng từ trước mà chưa về Việt Nam. Kế hoạch này thường chỉ sai số 10-15%.
Các bên cũng đề xuất lãnh đạo Chính phủ đàm phán cấp cao với phía Trung Quốc để bố trí cửa khẩu thông quan riêng cho hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước so với hàng nông, thủy sản. Đồng thời |phối hợp lực lượng chuyên môn hai nước để bàn giao theo đợt, giải phóng hàng hóa đang kẹt ở cửa khẩu hai bên. Mặt khác Chính phủ phải yêu cầu các địa phương không đưa thêm hàng hóa lên biên giới để giảm thiểu thiệt hại.