Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mở luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu

Đá Bàn

Mở luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu
Khi tàu biển trọng tải lớn vào được các cảng trên sông Hậu thì hàng nông – thủy sản của vùng ĐBSCL có thể sẽ được xuất khẩu mà không cần phải thông quả các cảng ở TPHCM hay Bà Rịa – Vũng Tàu như hiện nay. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG Online) – Cuối năm 2015, hàng hóa nông – thủy sản của vùng ĐBSCL sẽ được xuất khẩu trực tiếp từ các cảng trên sông Hậu, chứ không cần thông qua các cảng tại TPHCM hay Bà Rịa – Vũng Tàu như hiện nay nếu dự án đầu tư xây dựng luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu thực hiện đúng tiến độ.

Ngày 22-1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nhanh dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào các cảng trên sông Hậu, một nguồn tin từ ban quản lý dự án hàng hải 3 cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.781,2 tỉ đồng này sẽ cho phép tàu biển trọng tải 10.000DWT đầy tải và tàu 20.000DWT giảm tải có thể dễ dàng ra – vào các cảng trên sông Hậu; đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 – 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 – 500.000 TEU/năm (cho giai đoạn đến năm 2020).

Theo yêu cầu của bộ trưởng, giai đoạn 2013 – 2015 dự án sẽ tập trung thông luồng kỹ thuật bao gồm triển khai thực hiện trước hạng mục đê phía Nam, đoạn luồng biển dùng chung, nạo vét kênh Quan Chánh Bố và luồng sông Hậu; giai đoạn 2016 – 2017 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại.

Ông Đỗ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết dự án bao gồm các hạng mục chính gồm đầu tư, cải tạo tuyến luồng có chiều dài 46,5km; xây dựng đê chắn sóng phía Nam dài 2,4km; kè bảo vệ bờ tại một số đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu và dọc hai bên kênh Tắt đào mới với tổng chiều dài 35,94km; các công trình cầu và đường dân sinh, bến phà kênh Tắt, bến sà lan, nhà trạm quản lý, hệ thống báo hiệu hàng hải…

Được biết, hiện nay UBND tỉnh Trà Vinh đã bàn giao mặt bằng đoạn luồng kênh Tắt và 11 khu đổ bùn; tạm giao 245,06ha diện tích mặt bằng đê chắn sóng phía Nam, luồng biển; và theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015 các hạng mục công việc của dự án sẽ được hoàn thành và thông luồng kỹ thuật.

Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua. Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long rất kỳ vọng vào dự án này.

Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, 15 bến cảng tại vùng ĐBSCL hiện nay chỉ mới khai thác từ 20% đến dưới 50% công suất, nhiều bến cảng hoạt động cầm chừng, lượng hàng hóa qua các cảng trọng điểm như Trà Nóc và Cái Cui (Cần Thơ) sụt giảm từ 1,4 triệu tấn năm 2011 xuống còn 773.000 tấn năm 2012. Nguyên nhân chính là do luồng “mắc cạn” và các tàu biển trọng tải lớn không vào được.

Các cảng trên sông Hậu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. Thế nhưng tuyến luồng từ Định An dẫn vào cảng Cần Thơ thường xuyên bị bồi cạn nên tàu trọng tải lớn không vào được. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư tuyến luồng tàu biển vào hệ thống cảng trên sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.

Dự án xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn (10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải) vào sông Hậu được Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Trà Vinh khởi công cuối tháng 12-2009. Toàn bộ luồng tàu tính từ sông Hậu ra đến cửa biển dài khoảng 40km, trong đó, đoạn luồng sông dài 6km, đoạn qua kênh Quan Chánh Bố dài 19km, đoạn kênh tắt qua đất liền dài 9km và đoạn luồng biển dài 6km.

Dự kiến thời gian thi công của dự án này trong vòng 3 năm nhưng, theo công văn trả lời đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội 9/13 tỉnh, thành Tây Nam bộ về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng mới đây thì dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ đến sau năm 2015.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang đề xuất vốn bổ sung phát hành trái phiếu Chính phủ tăng thêm cuối năm 2013 hoặc nguồn ngân sách khác để tiếp tục triển khai dự án. Cũng theo bộ này, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 3.200 tỉ đồng, đã triển khai thi công gần 1.000 tỉ đồng, nhưng theo khảo sát, đánh giá của Cục Hàng hải thì đến thời điểm này dự án đã đội giá lên gần 10.000 tỉ đồng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới