Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mở luồng cho tàu lớn vào sông Hậu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở luồng cho tàu lớn vào sông Hậu

Các chuyên gia ngành hàng hải đi khảo sát trên kênh Quan Chánh Bố vào đầu tháng 11-2008- Ảnh: Mai Vọng

(TBKTSG Online) – Xây dựng một luồng tàu biển mới cho các tàu lớn có tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn ra vào các cảng trên sông Hậu là phương án mà Cục Hàng hải Việt Nam chuẩn bị báo cáo lên Chính phủ, nhằm thúc đẩy vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, ngành hàng hải sẽ tiếp tục nạo vét luồng tàu qua cửa Định An hiện hữu, vốn đang bị bồi lấp bởi phù sa, để cho tàu 5.000 tấn có thể ra vào cho đến khi dự án luồng tàu mới được hoàn thành – dự kiến cần 4-5 năm.

Giải pháp trên được lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine) – trong vai trò chủ đầu tư dự án, trình bày tại hội thảo ngày 24-11 tại TPHCM, với sự tham gia góp ý của các chuyên gia khoa học.

Ông Vương Đình Lam, Cục trưởng Cục Hàng hải, nói rằng câu chuyện xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển tại khu vực ĐBSCL phải trung chuyển gần 70% qua các cảng tại TPHCM do luồng tàu từ của Định An vào sông Hậu bị bồi lắng, gây hạn chế tàu tải trọng trên 5.000 tấn đã kéo dài trong nhiều năm qua.

Mỗi năm, ngành hàng hải phải chi một ngân sách lớn cho việc nạo vét luồng nhưng hiệu quả không cao vì chỉ duy trì được độ sâu luồng tàu từ 1-2 tháng, trong khi mỗi đợt nạo vét kéo dài ít thì 3-5 tháng, nhiều thì 10-11 tháng.

Do đó, việc nghiên cứu xây dựng luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đã được tiến hànhtrong gần 20 nay, với hàng loạt nghiên cứu của các nhà tư vấn quốc tế như Haecon (Bỉ) trong năm 1998-2000, SNC-Lavalin (Canada) cùng Haskoning (Hà Lan) và Portcoast (Việt Nam) trong năm 2001-2004…

Từ những nghiên cứu trên, chủ đầu tư Vinamarine và tư vấn Portcoast đã đề xuất phương án xây dựng một luồng tránh nằm trên tỉnh Trà Vinh dài khoảng 40 km (bao gồm 6 km trên sông Hậu, 19 km kênh Quan Chánh Bố, 9 km kênh đào mới trên đất liền và 6 km kênh biển) với độ sâu luồng -6,5m, rộng 85-150 m cho tàu 10.000 tấn (đầy tải) ra vào sông Hậu.

Dự án này có chi phí đầu tư khoảng 198 triệu đô la Mỹ, và sau khi hoàn thành mỗi năm ngành hàng hải cần phải chi thêm 1,4 triệu đô la Mỹ cho việc quản lý và duy tu, nạo vét luồng hàng năm. Chính vì chi phí đầu tư cao, nên mặc dù dự án luồng tàu này cần thiết và cấp bách, nhưng chỉ có thể thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc viện trợ phát triển ODA.

Theo báo cáo, mục tiêu xây dựng luồng tàu mới nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 21-22 triệu tấn/năm và 450.000-500.000 TEU/năm hàng xuất nhập khẩu của 12 tỉnh và TP. Cần Thơ của vùng ĐBSCL trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020.

Góp ý cho dự án tại hội thảo, GS-TS Lương Phương Hậu, Phó chủ tịch Hội Cảng – Đường thủy và Thềm lục địa Việt Nam, cho rằng tồn tại lớn nhất trong nghiên cứu luồng tàu trọng tải lớn vào sông Hậu là số liệu cơ bản quá ít và không đồng bộ, chất lượng không cao. Các tài liệu đo đạc đều có số liệu quá ngắn, một số yếu tố thậm chí chỉ có một ngày đo.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, cho rằng dự án luồng tàu mới qua kênh Quan Chánh Bố này phải tồn tại lâu dài và có tính bền vững, do đó, báo cáo nghiên cứu khả thi phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, ông Trân đặt vấn đề chủ đầu tư phải trình Chính phủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (theo quy định) trước khi bắt đầu công tác chuẩn bị về mặt bằng.

Từ góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ông Nguyễn Ngọc Long, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo các công trình Giao thông vận tải, cho rằng trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà tư vấn phải xác định rõ những ưu điểm, hạn chế của phương án, trả lời những chất vấn mà các nhà khoa học đặt ra, đánh giá hết những rủi ro đồng thời hoàn chỉnh các báo cáo để gửi Chính phủ.

YẾN DUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới