Thứ Sáu, 11/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mở rộng quyền mua nhà của Việt kiều: còn nhiều ý kiến trái chiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở rộng quyền mua nhà của Việt kiều: còn nhiều ý kiến trái chiều

Ngọc Lan

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật nhà ở và điều 121 của Luật đất đai. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 2-6 về quy định liên quan đến việc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài được mua nhà trong nước, có hai luồng ý kiến ngược chiều nhau.   

Dự tính của Quốc hội là cần phải sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai liên quan đến quy định về việc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài (Việt kiều) được mua căn hộ, nhà ở tại Việt Nam, có gắn liền với quyền sử dụng đất.

Phía đồng tình với việc sửa luật, như đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình), cho rằng cần cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền mua nhà như công dân trong nước với lý do chính sách với người Việt ở trong hay ngoài nước phải nhất quán, không phân biệt, Luật Quốc tịch, Hiến pháp đã quy định những điều này.

Lý do khác là thực tế 3 năm thực thi Luật Nhà ở, mới có 148 trường hợp mua nhà là rất ít và chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, vì vậy cần cho phép mở rộng để tác động tích cực nhất định đến thị trường bất động sản.

Có điều, ông Thường không đồng ý với quy định chỉ sử dụng cho bản thân và gia đình như dự thảo Luật sửa đổi vì thiếu tính khả thi: “Chúng ta không thể buộc công dân của chúng ta có nhà không ở thì bán cho người khác hoặc bị tịch thu”.

Nhân nói về vấn đề kiểm soát việc sử dụng quyền sở hữu nhà, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Quốc hội cần sớm thông qua Luật Thuế nhà đất để hạn chế tối đa việc đầu cơ, mua đi bán lại nhà ở hiện nay.

Đồng quan điểm ủng hộ việc nới rộng điều kiện cho Việt kiều mua nhà như tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết là đoàn TPHCM đã mời Hiệp hội bất động sản, các nhà kinh doanh, quản lý tham vấn ý kiến và những người này cho rằng không có gì lo ngại. “Có mở thế này cũng không ai mua nhiều đâu”, ông Lịch nói. “Vì nếu chỉ mua để ở cho bản thân và gia đình, một năm về vài tháng thì chi phí bảo dưỡng đắt hơn tiền thuê khách sạn. Do đó phải cho thuê nhà vì nếu không cho thuê thì không ai mua”.

Ông Lịch cũng cho rằng việc sửa luật này có thể giúp hợp thức hóa nhiều trường hợp mua không hợp pháp đang diễn ra ở TPHCM, mà chính việc mua không hợp pháp mới khó quản lý.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng nếu không nghiên cứu kỹ, đặc biệt là quy định cư trú ở Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì được mua, việc nới lỏng quy định đối tượng và điều kiện mua nhà sẽ không giúp phân biệt được những Việt kiều yêu nước với các đối tượng ra đi bất hợp pháp nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong nước.

Có ý kiến cho rằng không thể coi Việt kiều có các quyền như công dân trong nước, kể cả việc mua nhà, bởi công dân sinh sống tại chỗ phải chấp hành liên tục các quy định về luật pháp, thuế so với Việt kiều về nước thời hạn ít.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề nghị Quốc hội có thể chưa thông qua sửa đổi lần này vì phải đối mặt với sự lựa chọn vừa mang tính chính trị xã hội, vừa mang tính pháp lý. Nghĩa là nếu không phân biệt 3 triệu người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời thì không có quyền hạn chế, phân biệt đối xử với họ, kể cả trong việc sở hữu nhà. Hoặc hạn chế họ thì vi phạm điều trên.

Tuy nhiên, ông Đào không phủ nhận tính tính cực của việc sửa đổi các luật này vì sửa đổi sẽ huy động được nguồn lực của người Việt ở nước ngoài.

Các đóng góp này sẽ được Quốc hội tổng hợp lại để Chính phủ chuẩn bị báo cáo giải trình, trình Quốc hội thông qua cuối kỳ họp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới