Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mở sân golf, cân nhắc đặc thù địa phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở sân golf, cân nhắc đặc thù địa phương

Việc phát triển sân golf còn tùy từng địa phương cân nhắc đặc thù kinh tế-xã hội, địa lý của địa phương mình. Trong ảnh là Sân golf Ocean Dunes ở Phan Thiết – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Phát triển ồ ạt các sân golf là lợi hay hại như chủ đề nêu ra trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận qua lại. Tuy các ý kiến có khác nhau – đồng tình và phản bác – nhưng có thể rút ra một điểm chung: phát triển sân golf là xu hướng bình thường khi đất nước phát triển; có điều cần quy hoạch sân golf dựa trên đặc thù địa lý, kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Chọn “mặt” đặt… sân golf

Trong khi tỉnh Long An đang phải xem lại việc cấp phép cho 13/19 dự án đầu tư sân golf thì Hòa Bình cũng đang cân nhắc đến hơn 20 dự án xin phép, và có thể chỉ 3 đến 5 dự án trong số này được chấp thuận. Cũng không riêng hai tỉnh này, có thể nói nhiều tỉnh khác cũng gặp tình trạng tương tự.

Rõ ràng, nhu cầu kinh doanh sân golf khá nở rộ. Tuy nhiên, vấn đề  “cho” hay là “không cho” sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của chính quyền mỗi tỉnh. Bởi, đằng sau chuyện cấp phép cho sân golf lại là bài toán quản lý trước những đặc thù về địa lý, về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.

Phát triển sân golf còn tùy vùng 

Việc dư luận lên tiếng về tình trạng cho phát triển quá nhiều các dự án sân golf ở tỉnh Long An có phần do người nông dân sẽ phải bị mất đất nông nghiệp quá nhiều. Chính bài toán về đời sống của người dân địa phương chưa được giải đáp cũng như những những quan điểm chưa rõ ràng về phát triển kinh tế của tỉnh này đã khiến nhiều người lo ngại.

Trường hợp của Long An đang trở thành một ví dụ “dè dặt” cho các địa phương khác.

Tại tỉnh Hòa Bình, chỉ trong năm 2007, nơi này nhận được hồ sơ xin cấp phép của 20 dự án sân golf. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo UBND tỉnh, hiện tại chỉ có 5 hồ sơ được đặt trên bàn thẩm định và 3 hồ sơ sẽ được cấp phép. Nếu con số này không thay đổi, Hòa Bình sẽ có đến 4 sân golf.

Theo đánh giá của vị lãnh đạo này, Hòa Bình có thể thuận lợi cho việc xây dựng sân golf hơn Long An do tính chất địa hình miền núi, đất đai thuần nông không phát triển so với các địa phương khác. Hơn nữa, Hòa Bình cũng chú trọng phát triển du lịch. Thế nhưng, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ xem xét các dự án ở những địa hình không ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp và an ninh lương thực địa phương” .

Thực ra, chính quyền tỉnh Hòa Bình không có văn bản nào để làm căn cứ từ chối nhà đầu tư.

Nhưng chính quyền tỉnh này vẫn thể hiện quan điểm riêng: chỉ chấp nhận cho đầu tư sân golf ở các khu vực bán sơn địa, đồi núi ít canh tác được và dân cư thưa thớt, rất xa trung tâm tỉnh lỵ. Ví dụ như sân Foenix hiện đã được sử dụng ở Lương Sơn, vốn trước đây là một vùng đồi núi hoang vắng và xơ xác.

Và cũng trên quan điểm như vậy, nhiều dự án khác bị từ chối. Các dự án bị từ chối nhiều nhất là xin đầu tư vào khu vực Láng- Hòa Lạc, vị trí đắc địa nhất khi Hà Nội mở rộng quy hoạch vùng thủ đô về hướng Tây. Ở nơi này đang diễn ra cơn sốt đất.

Tương tự tại một địa phương khác như là thành phố Hải Phòng. Dự án khác sân golf 54 lỗ hiện cũng đang được xây dựng ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Quan điểm cho chủ dự án sân golf được đầu tư vào đây là vì khu du lịch này nhiều năm qua đã xuống cấp, được đầu tư chưa nhiều nên không phát triển như mong muốn. Dự án đã nhanh chóng được lãnh đạo thành phố Hải Phòng thông qua do phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Một nhà đầu tư đã tham gia nhiều dự án kinh doanh sân golf nhận định, nếu tìm địa điểm đầu tư thật sự cho mục đích sân golf, hãy nghĩ đến các địa điểm phù hợp như vùng cần phát triển du lịch, vùng đồi núi (đỡ được kinh phí xây dựng địa hình cho golf).

Cũng theo nhà đầu tư này, cần tránh các khu vực có đông dân cư, các khu đất nông nghiệp. Sự nhạy cảm của các khu vực này quá lớn: giải phóng mặt bằng, đền bù  phức tạp dễ dẫn đến những xung đột không cần thiết về lợi ích các bên như đã xảy ra ở Long An, hay như ở Uy Nỗ (Hà Nội) khi xây dựng sân golf Vân Trì trước đây.

Giải quyết được bài toán đúng về địa điểm đầu tư sân golf sẽ đồng thời tránh được những tiếng kêu ca về ảnh hưởng môi trường. 

Không chỉ vấn đề quy hoạch

Với việc phát triển dự án sân golf như hiện nay, ngoài việc xem xét quy hoạch ở tầm vĩ mô, còn có bài toán về quản lý địa phương trong việc xem xét hài hòa các đặc điểm của địa phương mình.

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thừa nhận họ không có căn cứ trên giấy tờ để từ chối nhà đầu tư. Nhưng họ vẫn có thể nói không với các dự án nếu xét thấy không phù hợp với vị trí xin dự án hoặc các vấn đề nhạy cảm liên quan khác.

Điều đó có nghĩa là việc cấp hay không cấp phép dự án sân golf ở các nơi đều dựa trên cái nhìn của lãnh đạo địa phương.

Sự nhìn nhận này đối với việc phát triển sân golf nhiều khi có thể dẫn đến lúng túng trong việc “đối xử” với các dự án đầu tư: có nơi “vồ vập” quá, có nơi lại “dị ứng” dù đất đai và điều kiện ở địa phương đó không mang lại nhiều lợi nhuận cho nông nghiệp, công nghiệp hoặc nâng cao đời sống của nhân dân.

Chủ tịch một tập đoàn bất động sản lớn ở TPHCM, đồng thời là chủ đầu tư và cổ đông của nhiều sân golf ở Việt Nam hiện tại, mong muốn rằng các dự án sân golf được đối xử đúng mức: “Cấp phép cho sân golf nếu không cẩn thận sẽ lặp lại các cuộc đầu tư vào xi măng lò đứng hay mỗi địa phương có một vài nhà máy thép như trước kia”. Theo ông, các địa phương có thể tham vấn với các chuyên gia về golf ở nước ngoài hiện đang làm việc ở Việt Nam và các chuyên gia quy hoạch đất đai từ các bộ, ngành để đánh giá các tác động tổng thể trước khi cấp phép.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới