Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mở shop không mặt bằng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mở shop không mặt bằng

Một cửa hàng thời trang rên 5giay.com

(TBKTSG Online) – Việc bán hàng trên mạng đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Trong khi kênh thương mại điện tử chính thống đang phải chờ đợi sự trưởng thành của doanh nghiệp trong tiếp thị trực tuyến thì kênh kinh doanh “bán thương mại điện tử” này đang ngày càng phổ biến và có sức hút đặc biệt trong cộng đồng trẻ.

Không chuyên, cũng chẳng phải tốn tiền

Nguyễn Trình Thùy Trang, nhân viên của FPT Mobile, ban đầu đến với diễn đàn mua bán 5giay.com để tìm mua vài món đồ điện tử. Nhưng rồi cô trở thành “chủ nhân” của một cửa hàng trên chợ thời trang của diễn đàn mua bán này. Chẳng cần vốn liếng mặt bằng, Trang sưu tầm những bộ thời trang hàng hiệu và chụp hình tải lên đó. Người mua xem, trả giá và sẽ có người giao hàng và nhận tiền, hoặc họ ghé tận nhà để nhận hàng. Cô cho biết mỗi ngày cô đếm được số người ghé vào chợ mình và những phản hồi nhất định. Mỗi tháng vừa làm vừa chơi, “doanh thu” từ cửa hàng khoảng 10 triệu đồng, xem như kha khá.

Trang cho biết, nếu mở cửa hàng ở “mặt tiền” – những vị trí VIP trên chợ 5giây – thì mỗi tháng chi vài trăm ngàn “phí mặt bằng”, cửa hàng sẽ có được một vị trí nổi bật để người vào truy cập. Tuy nhiên, vì là nghề tay trái, cô gửi lên những vị trí miễn phí, mỗi ngày chỉ cần tranh thủ vào chợ để đẩy cửa hàng lên trang đầu vì có hàng trăm thông tin mua bán được các thành viên đưa lên liên tục, nếu không chăm sóc, cửa hàng sẽ bị đẩy ra các trang phía sau, ít người quan tâm hơn.

Hàng ngàn thành viên như cô tham gia diễn đàn mua bán 5giây với đủ thứ chợ, từ chợ công nghệ, thời trang, mua bán xe cho tới lao động việc làm, nhà đất, thú nuôi, cây cảnh… Thử vào chợ ẩm thực, chỉ trên trang đầu tiên trong một ngày có thể tìm thấy vô số món hàng, từ khô mực, chà bông, nước mắm cho đến đủ loại bánh kẹo, rượu ngoại… Chưa kể những chợ “sầm uất” nhất trên 5giây như thời trang, hàng điện thoại, máy tính, chỉ tính riêng trên chợ điện thoại di động đã có đến gần 700.000 bài gửi liên quan tới hơn 35.000 đề tài.

Hơn 70.000 thành viên của diễn đàn này ngoài việc mua và bán như Trang, còn tham gia trao đổi, bàn luận đủ thứ đề tài như âm nhạc, phim ảnh cho tới cả chuyện gạo lên giá, gia đình thời đại mới… Theo Trang, cô làm vì thích là chủ yếu, nhưng nếu cố gắng vẫn có thể sống được với những cửa hàng như vậy. “Giới trẻ khi mua hàng trên chợ ảo, ngoài việc đỡ tốn thời gian lượn lờ các cửa hàng, còn muốn khẳng định sự tiến bộ về “tư duy hi-tech” của mình”, Trang nhận định.

Lấy ý tưởng từ cộng đồng

Vốn thích đọc sách, Nguyễn Xuân Cường lập một trang web về sách hay tại www.blogsach.com. Để củng cố cho ý tưởng chợ sách này, ban đầu Cường bỏ ra vài trăm ngàn mỗi tháng để đưa cửa hàng của mình lên “Chợ linh tinh” của 5giay.com để “đo lường” nhu cầu của cộng đồng. Mỗi ngày khoảng 20-30 người vào xem và đóng góp ý kiến. Chợ được hoàn thiện dần và sau đó Cường gửi phiên bản thử nghiệm lên mạng xã hội Cyvee.com. Trong vòng nửa năm qua blogsach đã thu hút được 30.000 lượt khách ghé thăm.

Từ những đóng góp tích cực của cộng đồng, dần dần “chợ” sách của Cường phát triển thành một trang giới thiệu sách hay trên các lĩnh vực, tư vấn về chọn sách và quan trọng là cửa hàng của Cường bán sách với mức giá khá cạnh tranh vì không phải qua trung gian và không tốn phí thuê mặt bằng. Để duy trì blogsach, hiện Cường bỏ “vốn đầu tư” khoảng 1 triệu đồng từ tiền lương tiết kiệm của mình. Nếu mỗi ngày bán được 100.000 đồng thì tiền lời của Cường khoảng 5.000, nếu trên 100.000 thì lời khoảng 15.000…

Tuy nhiên kinh doanh sách chưa phải là mục tiêu chính, Cường ấp ủ nuôi dưỡng blog này thành một trang thương mại điện tử chuyên về sách. “Sự đóng góp của cộng đồng là niềm khích lệ lớn nhất và là ý tưởng giúp tôi phát triển blogsach ngày càng chuyên nghiệp hơn”, Cường cho biết.

Theo Cường, mô hình kinh doanh ảo là dựa vào mô hình kinh doanh truyền thống mà đi lên. Nhưng kinh doanh truyền thống muốn bán một sản phẩm phải đầu tư nhiều cho việc tiếp thị, nhân lực, hệ thống phân phối và bán hàng… Trong khi kinh doanh trực tuyến thì chi phí đầu tư thấp, chỉ cần duy nhất một trang web. “Đây là mô hình kinh doanh phù hợp cho giới trẻ đang nuôi ý tưởng và có khả năng kinh doanh nhưng thiếu vốn. Chi phi đầu tư thấp, nhưng hiệu quả cao nếu có cách làm đúng”, Cường nói.

Đi lên nhờ cộng đồng

Con đường mà Cường đến với kinh doanh ảo cũng được đông đảo giới trẻ chọn lựa. Việc vận hành một trang web hiện không tốn nhiều chi phí. Họ tìm kiếm ý tưởng của cộng đồng để phát triển và quan trọng là qua đó xây dựng niềm tin và tìm cách đi lên từ sự thừa nhận của cộng đồng. Tại Việt Nam, nhiều trang web được giới trẻ chú ý thu hút đáng kể lượng thành viên cũng đã chọn cách này. Mô hình của 5giây là một ví dụ, được giới mua bán trên mạng đánh giá như là thành công điển hình của những cái chợ ảo kiểu này và phảng phất phong cách của ebay nhưng lại phù hợp với cách mua bán của người Việt Nam.

Công bằng mà đánh giá thì 5giây nổi tiếng trong cư dân mạng vì thách thức được các trang thương mại điện tử chuyên nghiệp hơn nhờ việc mua bán trên chợ này khá hiệu quả. Lưu Thanh Phương, chủ diễn đàn www.5giay.com, cho biết ban đầu chợ của họ cũng giống như diễn đàn “mọc lên như nấm” trên mạng. Trải qua nhiều “biến cố của thế giới ảo”, họ đã điều chỉnh dần và hiện trang web này được xem là chợ ảo C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng) lớn nhất Việt Nam. 5giây trở thành nơi người mua kẻ bán tự do ngắm nhìn, chọn lựa, trả giá theo đúng tâm lý tiêu dùng người Việt Nam và nhờ đó tránh được các rao vặt một chiều. Theo Phương, việc mở cửa hàng ảo được đông đảo giới trẻ quan tâm vì chi phí trong kinh doanh thực tế khá cao và nhiều rủi ro trong khi trên mạng thì được đơn giản hóa, và “hiệu ứng mạng” giúp việc tiếp thị có lợi thế lan nhanh hơn cửa hàng ở một địa điểm cố định.

Thông thường, hàng ngàn người vào 5giây trong một thời điểm. Kỷ lục gần đây nhất của 5giây là 5.299 thành viên trực tuyến vào lúc 3 giờ 32 ngày 23-4, con số mà bất cứ chợ ảo nào tại Việt Nam cũng đang mong muốn. Hiện 5giây cũng là một trong rất ít các trang web thương mại điện tử thu được kinh phí từ cộng đồng để tái đầu tư. Để thu lợi và lôi cuốn thành viên, họ thuê một công ty đại diện khai thác thương mại.

“Chúng tôi không đủ sức làm từ gốc đến ngọn mà phải thuê vừa để giảm nhân lực vừa để chuyên nghiệp hóa hoạt động của mình. Đây cũng là cách để tiếp xúc những khách hàng lớn hơn, để có sự pha trộn mới mẻ hơn đồng thời dành thời gian cho những chợ chuyên biệt khác”, Phương cho biết.

Thực tế kinh doanh qua mạng hiện nay có hai nhóm đối tượng chính: nhóm kinh doanh chuyên nghiệp và nhóm kinh doanh nhỏ lẻ, là các cá nhân mua bán trên các diễn đàn, weblog mà không có trang web riêng. Trong những trang web thương mại điện tử đang hướng đến chuyên nghiệp hiện nay, đa phần còn đang tập trung đầu tư và tiếp thị, thông thường chỉ có những doanh nghiệp có khả năng tài chính mạnh để “nuôi” dài hạn và chờ ngày hái quả mới có thể đi đường dài. Vì thực tế hiệu quả mang lại chưa cao do nhiều nguyên nhân như nhân lực, hạ tầng, môi trường thanh toán, quảng cáo trực tuyến… Còn những mô hình nhỏ lẻ, đa phần là tự phát triển, và khi được cộng đồng thừa nhận, họ bắt đầu huy động vốn để mở rộng kinh doanh.

Theo Nguyễn Xuân Cường, nhóm kinh doanh nhỏ lẻ với chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Và nhiều người trong giới trẻ đang nuôi tham vọng thành “ông lớn” từ những cửa hàng nhỏ này.

TUYẾT ÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới