Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mổ xẻ giá điện: Rất cần sự minh bạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mổ xẻ giá điện: Rất cần sự minh bạch

Tấn Đức

Công nhân vận hành hệ thống điện của Nhà máy Điện Phú Mỹ. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Giá điện đã bắt đầu tăng, với mức tăng bình quân 15,28% kể từ đầu tháng 3-2011. Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định thay đổi chính sách bán điện cho nhu cầu sinh hoạt.

>> Đi tìm giá thành điện: quá khó!

>> Tác động của tăng giá điện, xăng dầu

>> Thiếu công bằng trong tăng giá điện

Điểm đáng ghi nhận của quyết định này là loại bỏ cơ chế bù giá cho 50 kWh đầu tiên theo kiểu cào bằng tồn tại từ nhiều năm nay. Nay, chỉ những gia đình thực sự nghèo mới được mua 50 kWh đầu tiên với giá thấp.

Thế nhưng, chính sách mới này lại chẳng giúp ích gì cho những người nghèo không được mua điện trực tiếp từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – đó là hàng trăm ngàn công nhân đang sống trong những khu nhà trọ. Trái lại, nó còn làm gánh nặng chi phí tiền điện trở nên “oằn lưng” hơn đối với họ, nhất là khi việc tăng giá điện chưa thấy điểm dừng.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết bộ đã trình Chính phủ cơ chế về giá điện và khi được áp dụng thì trong vài năm tới, điện sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường. Cũng theo Bộ Công Thương, để có thể thu hút nhà đầu tư, thì điện phải tăng giá trên 60%, chứ không chỉ có 15,28% như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với giá bán điện phải lên đến 8 xu Mỹ/kWh. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao lại là con số 8 xu Mỹ, mà không phải thấp hơn?

Cho đến nay, chi phí sản xuất, kinh doanh của ngành điện Việt Nam chưa được minh bạch và công bố công khai. Con số 8 xu Mỹ EVN đề xuất là dựa trên mức giá bình quân 7 xu Mỹ mà các công ty sản xuất điện thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) muốn bán cho EVN. Chắc chắn rằng, các đề xuất về giá điện sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được người tiêu dùng khi mà ngành điện vẫn chưa công khai chi phí sản xuất.

Trong gần 21.000 MW nguồn điện của Việt Nam hiện nay, thủy điện chiếm khoảng 35%, điện sản xuất từ khí đốt hơn 40%, còn lại là nhiệt điện than và tỷ lệ rất nhỏ nhiệt điện chạy bằng dầu. Trong ba loại trên, thủy điện là rẻ nhất, với giá thành (do các công ty công bố) khoảng 3-3,4 xu Mỹ/kWh. Điện sản xuất từ khí đốt rẻ thứ nhì, rồi đến nhiệt điện chạy bằng than và dầu.

Không rõ giá thành điện chạy than và khí đốt là bao nhiêu, nhưng qua thông tin trên báo chí, chúng ta được biết năm 2008 (là năm giá dầu thế giới đạt kỷ lục) EVN mua điện sản xuất từ Nhà máy Điện Cà Mau của PVN với giá 6,5 xu Mỹ/kWh. Với giá này, PVN cho biết chỉ lãi 7%, trong khi lẽ ra nhà sản xuất phải được lãi ít nhất 10% thì mới đầu tư vào điện. Tương tự, giá điện EVN mua của TKV (sản xuất từ than) dù xấp xỉ 7 xu Mỹ/kWh, nhưng TKV vẫn chê thấp.

Nhìn vào cơ cấu kể trên, lẽ ra điện của Việt Nam sản xuất phải rẻ hơn điện ở Trung Quốc, nước có tới 80% sản lượng điện là từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Thế nhưng, cũng năm 2008, EVN lại mua được điện của Trung Quốc chỉ với giá 4,5 xu Mỹ/kWh. Cũng cần nói thêm, đây là giá tại biên giới, nghĩa là nó đã bao gồm cả chi phí tổn thất trong quá trình truyền tải bên phía Trung Quốc. Còn điện mua của PVN, TKV là tại nguồn sản xuất, gần như không có thất thoát.

Một lãnh đạo của Viện Năng lượng cho rằng Trung Quốc sản xuất được điện giá rẻ (dù là từ than) là do họ tự chế tạo được thiết bị, nên chi phí đầu tư thấp. Rõ ràng lập luận này không thuyết phục. Các công ty Việt Nam vẫn có thể mua thiết bị giá rẻ của Trung Quốc và thực tế một số doanh nghiệp điện Việt Nam đã làm như vậy. Nhưng vì sao Trung Quốc có thể bán điện cho EVN với giá rẻ hơn công ty trong nước đến 50%? Điều này cho thấy giá thành điện ở Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều bất hợp lý; đây là vấn đề Bộ Công Thương cần làm sáng tỏ và giải quyết triệt để.

Những bất hợp lý đó có thể là tình trạng tham nhũng, thất thoát trong quá trình chuẩn bị và xây dựng, làm cho suất đầu tư tăng cao; lựa chọn công nghệ sai, làm tăng chi phí vận hành và giảm hiệu suất của nhà máy; chọn nhà thầu không thích hợp, dẫn đến thi công kéo dài và gây ra bao nhiêu là thiệt hại. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết những công trình do công ty Trung Quốc làm tổng thầu. Đó là yếu kém trong khâu quản lý, vận hành, điều độ hệ thống điện…

Hiện nay, EVN đang bị lỗ hàng ngàn tỉ đồng và một trong những nguyên nhân thua lỗ, theo Bộ Công Thương, là do giá dầu thế giới tăng cao. Điều này không sai, nhưng cũng không hẳn như vậy. Tiến sĩ Đặng Đình Cung, chuyên gia tư vấn ở Pháp, căn cứ theo cơ cấu giá thành sản xuất điện của tập đoàn Điện lực Pháp, cho biết biến động giá năng lượng đầu vào (than, khí đốt…) ảnh hưởng chưa tới 45% giá thành điện. Đó là trong trường hợp mọi chi phí đầu vào phải theo giá thị trường. Nhưng ở Việt Nam thì chưa như vậy.

Cho đến nay, các công ty sản xuất điện vẫn được mua than theo giá của Nhà nước quy định và giá này vẫn chưa thay đổi kể từ đầu năm ngoái đến nay. Khí đốt cũng gần như thế. Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, nơi cung cấp gần một phần tư tổng sản lượng điện quốc gia, hiện vẫn áp dụng cơ chế giá mua khí đốt được ký kết từ cách nay hơn 10 năm và cơ chế này không phụ thuộc vào biến động giá của thị trường. Riêng thủy điện thì chẳng có liên quan gì đến giá dầu.

Những thông tin trên cho thấy, ngành điện Việt Nam ít nhiều vẫn thuận lợi nhờ còn được bao cấp một phần chi phí nhiên liệu đầu vào. Chính vì thế, yêu cầu được bán điện hoàn toàn theo giá thị trường là khó chấp nhận, nhất là khi mọi chi phí đầu vào không minh bạch như hiện nay.

Chủ trương của Chính phủ, tiến tới thực hiện cơ chế thị trường cho ngành điện là đúng, nhưng tiến tới cơ chế thị trường không chỉ là xây dựng và thực hiện lộ trình tăng giá, mà điều quan trọng không kém là phải tạo ra một thị trường điện cạnh tranh thực sự và khiến cho chi phí sản xuất điện trở nên minh bạch và hợp lý.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế:

Không nên cứ đòi tăng mà không cải thiện

Tôi vẫn băn khoăn khi trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, có đoạn nói rằng “Năm 2011 thực hiện điều chỉnh một bước giá điện; Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quí 1-2011 cơ chế điều hành giá điện theo cơ chế thị trường”.

Giá thì theo cơ chế thị trường nhưng người quyết định giá đó lại là Nhà nước thông qua doanh nghiệp độc quyền như EVN. Vậy thì làm sao theo cơ chế thị trường được? Thị trường ắt phải có cạnh tranh và giá cả cũng phải được hình thành trên cơ sở cạnh tranh. Trong khi giá lại hình thành trên cơ sở một đơn vị duy nhất báo cáo, trình bộ nọ, bộ kia thẩm định rồi Chính phủ phê chuẩn thì đâu còn là thị trường?

Nếu trong điều kiện ta chưa tạo ra được cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thì ít nhất cũng phải có một cơ chế kiểm tra, giám sát EVN như thế nào để đánh giá thực chất giá thành điện hiện nay là bao nhiêu. Chẳng lẽ họ báo cáo ra giá thành bao nhiêu thì buộc phải chấp nhận giá thành đó bấy nhiêu?

Ngoài ra, bên cạnh đề xuất tăng giá điện thì ngành điện cũng phải có kế hoạch giảm thất thoát điện bao nhiêu, cắt giảm chi phí quản lý ra sao, cắt giảm chi phí nhân sự thế nào. Đây là những yếu tố đẩy giá thành điện ở Việt Nam tăng lên khá cao so với các nước. Cho nên, sẽ rất là phi lý khi một mặt ngành điện cứ đòi xã hội trả thêm tiền cho mình nhưng mặt khác những yếu tố này vẫn được giữ nguyên.

Hoặc một vấn đề tương tự là cải thiện chất lượng đầu tư. Các dự án đầu tư đều đưa cho doanh nghiệp Trung Quốc làm, làm xong lại đóng cửa để sửa chữa, tiền đầu tư theo đó cứ đội lên mãi. Ngành điện sẽ giải quyết những vấn đề này ra sao?

(N.T ghi lại tại cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp-BSA ngày 24-2-2011)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới