Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Mổ xẻ” gói kích cầu để nhìn về tương lai – Phần 1: Kích cầu kiểu Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Mổ xẻ” gói kích cầu để nhìn về tương lai – Phần 1: Kích cầu kiểu Việt Nam

Trần Ngọc Thơ (*) – Hồ Quốc Tuấn (**)

Gói hỗ trợ lãi suất 4% để kích thích kinh tế trong năm 2009 đã gây nhiều tranh luận của các chuyên gia kinh tế. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – LTS: Nhìn lại và phân tích các gói kích thích kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ để thấy rõ hơn ta đã làm gì, nước khác làm khác ta ra sao và mục tiêu dài hạn của giải pháp này là gì. Liệu Việt Nam đã tính hết những rủi ro từ chính sách chưa và giải pháp tiếp theo ra sao? TBKTSG xin giới thiệu bài phân tích của GS.TS. Trần Ngọc Thơ và ông Hồ Quốc Tuấn (nghiên cứu sinh tiến sĩ) để giải đáp vấn đề đặt ra.

Trong năm 2009, nhiều “gói kích thích kinh tế” (economic stimulus package), hay như báo chí trong nước gọi là các gói kích cầu, được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới để giúp nền kinh tế khỏi rơi vào suy thoái nặng nề do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỗi một nước, do đặc thù của mình và do mức độ ảnh hưởng, đã lựa chọn cách thức và đối tượng để “cứu giúp” khác nhau. Việt Nam, tất nhiên là không ngoại lệ.

Điểm qua những kiểu kích cầu của Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam

Đặc điểm của gói kích cầu của khối Anh-Mỹ là ra đời sau một gói cứu trợ ngành ngân hàng. Do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ khu vực các nước phát triển, tác động đặc biệt to lớn lên những thị trường tài chính Anh – Mỹ, nên các nước này phải lựa chọn giải pháp ứng cứu ngành kinh doanh bị tổn thất nặng nề trước và hy vọng giảm nhẹ tác động lây lan của nó. Sau khi tạm thời bình thường hóa được hoạt động của khối ngân hàng, các nước này mới đưa ra chương trình kích thích kinh tế của mình. Đặc điểm của gói kích thích này là nhắm vào kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, chú trọng vào giảm các dòng thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp…).

Nhìn chung, các gói kích thích kinh tế kiểu Mỹ và châu Âu nhắm vào duy trì vào tái tạo việc làm – thị trường bị tác động nặng nề trong khủng hoảng và làm ảnh hưởng đến tổng cầu xã hội, cố gắng kích cầu cá nhân. Các khoản hỗ trợ thuế trực tiếp cho doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong gói kích thích kinh tế này. Có thể gọi, đây là trường phái kích cầu tiêu dùng cá nhân trực tiếp (trước gói kích cầu này Mỹ đã từng đưa ra một chương trình kích cầu là đập xe cũ mua xe mới – clash for clunkers).

Kích cầu kiểu Trung Quốc là một chương trình tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng khổng lồ. Phần lớn nhất chương trình kích cầu được Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính khoảng 586 tỉ đô la Mỹ (khoảng 12% GDP năm 2009 của Trung Quốc) nhắm vào xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông (trong đó các chương trình xây dựng các tuyến xe lửa rất gây ấn tượng với các nước phương Tây), xây dựng hạ tầng nông thôn, tái thiết sau động đất. Phần còn lại của gói kích cầu này nhắm vào cải thiện công nghệ, xây dựng nhà ở, cải thiện hệ thống y tế, năng lượng và môi trường. Gói kích cầu này không đi trực tiếp vào hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cũng không đi trực tiếp vào nâng sức cầu nội địa, mà là nhắm vào chi tiêu cho các dự án hạ tầng lớn và lợi ích sẽ chuyển vào các doanh nghiệp nhanh hơn.

Đặc điểm nổi bật của gói kích cầu của Việt Nam nằm ở hai gói hỗ trợ lãi suất. Gói kích cầu của Việt Nam cũng có điểm tương đồng với gói kích cầu phương Tây là hỗ trợ thuế (theo ước tính của WB gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp trị giá 9.900 tỉ đồng, cao gấp đôi so với hỗ trợ cho thuế thu nhập cá nhân). Mặc dù không được chỉ ra rõ ràng, nhiều khoản mục hỗ trợ kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 cũng nhắm vào một số loại cơ sở hạ tầng, như tạm ứng ngân sách 2010 cho một số dự án, chuyển nguồn đầu tư từ kế hoạch 2008 sang 2009. Tuy nhiên nổi bật nhất và có tác động lớn nhất đến kinh tế Việt Nam vẫn là hai gói hỗ trợ lãi suất của Việt Nam, trong đó câu chuyện 17.000 tỉ đồng hỗ trợ 4% cho lãi suất ngắn hạn (mà theo ước tính khi ban hành là sẽ tạo ra một lượng tín dụng 600.000 tỉ đồng cho nền kinh tế) thu hút nhiều tranh luận của các chuyên gia kinh tế của Việt Nam, trong đó có ý kiến cho rằng đây là kích cung chứ không phải kích cầu. Đây là kích cầu qua hỗ trợ lãi suất hay trợ giá lãi suất (WB dùng từ “interest rate subsidy” để nói về chương trình này). Đặc điểm đáng chú ý của gói kích cầu này là kết hợp chi tiêu tài khóa (để trợ giá) với chính sách tiền tệ – vì xem như đã giảm lãi suất thực hiệu lực của các khoản vay từ doanh nghiệp đi một mức 4% nữa, một chính sách giảm lãi suất trong khu vực kinh doanh chứ không cho toàn nền kinh tế – đồng thời tiền hỗ trợ lãi suất lấy từ dự trữ ngoại hối chứ không phải ngân sách.

Mô hình kích cầu của Việt Nam còn có một đặc điểm đáng chú ý nữa là việc Chính phủ vay nợ thương mại 1 tỉ đô la Mỹ thông qua phát hành trái phiếu quốc tế và sau đó phân bổ lại cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Biện pháp này đã tạo ra hai hệ lụy là hỗ trợ lãi suất nhiều tầng cho DNNN (vừa dẫn đến kìm hãm hệ thống tài chính và vừa dẫn đến tâm lý ỷ lại của khu vực DNNN) và tạo ra hiệu ứng chèn lấn (crowding out) đối với khu vực tư nhân.

Kết quả của chính sách này là khu vực kinh tế tư nhân sẽ bị chèn lấn văng ra khỏi một số lĩnh vực đầu tư do họ phải nhận mức lãi suất cao hơn khu vực DNNN. Hơn nữa, kênh phát hành trái phiếu quốc tế lại là kênh hỗ trợ vốn và lãi suất dài hạn nên hiệu ứng chèn lấn này mới đáng lo ngại. Khi nền kinh tế phục hồi, khu vực tư nhân vẫn bị hiệu ứng chèn lấn này ảnh hưởng nên sẽ khiến chi tiêu và đầu tư tư nhân phục hồi chậm ở một số lĩnh vực.

Những khác biệt: chọn chiến thuật theo thực lực

Mô hình kích cầu của khối Anh – Mỹ diễn ra sau một gói cứu trợ hệ thống ngân hàng, trong đó gói cứu trợ ngành ngân hàng của Mỹ lên đến 700 tỉ đô la. Sau đó, hệ thống này mới tiến hành gói kích cầu kinh tế. Trong khi đó, mô hình của nhóm Việt Nam – Trung Quốc là không có gói hỗ trợ ngân hàng. Nguyên nhân là vì khủng hoảng tài chính không tác động trực tiếp đến nhóm ngân hàng ở Việt Nam và Trung Quốc, ngân hàng không bị thua lỗ do các khoản nợ thứ cấp và các khoản đầu tư tài chính. Khủng hoảng ở Mỹ tác động trước tiên là đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, góp phần làm bất ổn kinh tế nên Mỹ phải giải quyết vấn đề này trước. Tiếp theo họ phải gia tăng tổng cầu nội địa và tạo ra việc làm mới vì tổng cầu sụt giảm là nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ suy yếu.

Trung Quốc lựa chọn đầu tư vào cơ sở hạ tầng làm thế mạnh kích cầu vì nước này chọn dựa vào nguồn cầu nội địa để vượt khủng hoảng chứ không chọn dựa vào nguồn cầu nước ngoài quá nhiều để kích thích tăng trưởng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thế giới đang xấu đi. Theo số liệu của WB, nguồn cầu nội địa đã góp phần lớn nâng đỡ kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2009, trong đó đầu tư vào dự án hạ tầng của chính phủ đóng vai trò chính để thúc đẩy tăng trưởng. Số liệu của Trung Quốc cho thấy trong khi tình hình việc làm tiếp tục xấu đi trong khu vực xuất khẩu và cũng ảm đạm trong khu vực công nghiệp (do một số ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, nhôm có dấu hiệu dư thừa công suất và buộc chính phủ phải “can thiệp”), việc làm mới được tạo ra nhiều trong khu vực dịch vụ, xây dựng và khu vực nhà nước. Rõ ràng trong năm 2009, Trung Quốc dùng phương thức kích thích kinh tế hướng vào chi tiêu rất lớn cho các dự án hạ tầng để tạo ra việc làm và nâng đỡ tăng trưởng. Ở góc độ tạo ra việc làm mới một cách trực tiếp thông qua các chương trình chi tiêu của chính phủ, chúng ta tìm thấy sự tương đồng ở Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, mô hình tăng trưởng của Việt Nam lại bị ảnh hưởng nhiều bởi tổng cầu nước ngoài do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, do đó bản thân Việt Nam không lựa chọn tăng tổng cầu nội địa mà chọn duy trì nhân tố được chính phủ đánh giá là quan trọng của nền kinh tế là các doanh nghiệp sản xuất trong nước (mà phần không nhỏ là các DNNN) và doanh nghiệp nhắm về xuất khẩu.

Việt Nam vì vậy đã thực hiện việc duy trì một thị trường việc làm ổn định thông qua hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Có kích cung hay không thì có thể cần bàn nhưng rõ ràng duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu phá sản và thất nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì qua cơn nguy khó chờ sức cầu tăng lại là một quyết định tạm cho là thành công cho đến lúc này. Một cách nào đó, chúng ta đã đặt cược vào khả năng khôi phục của sức cầu từ bên ngoài hơn là tự tạo ra sức cầu mới bên trong nền kinh tế. Đây có thể nói là một lựa chọn phòng thủ thay vì tấn công như trong bóng đá. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế giống như kiểu một trận đấu đang bế tắc, Trung Quốc và Mỹ lựa chọn tìm kiếm giải pháp tấn công mới, mô hình hỗ trợ (tạo tăng trưởng GDP mới), khai thông thế trận mới, trong khi Việt Nam lựa chọn phòng thủ và duy trì lối chơi truyền thống (mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào xuất khẩu), chờ đợi cơ hội. Khó có thể nói là lựa chọn nào là hoàn toàn đúng, vì vấn đề còn phụ thuộc vào thực lực của từng đội. Liệu rằng ngân sách của Việt Nam có thể bền vững nếu lựa chọn giải pháp như Mỹ và Trung Quốc? Trong bóng đá phải dựa vào thực lực của cầu thủ mình để lựa chọn chiến thuật. Thể lực không đủ thì sao có thể thực hiện bóng đá tổng lực? Nhưng thực lực đủ mà không dám đá tổng lực thì sẽ bỏ qua nhiều cơ hội đáng tiếc.

(Còn tiếp phần 2: Lựa chọn chính sách và hệ lụy)

________________________________

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

(**) Đại học Manchester, Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới