Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mới giải ngân 16% của 350.000 tỉ đồng chương trình phục hồi kinh tế sau 8 tháng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các cơ quan chức năng mới giải ngân 55.000 tỉ đồng trong tổng số gần 350.000 tỉ dồng (gần 16%) thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau gần 8 tháng triển khai, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT).

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng 6-9, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT, cho biết có 55.000 tỉ đồng trong số gần 350.000 tỉ đồng thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được giải ngân tính tới 2-9-2022. Cụ thể, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân được hơn 10.000 tỉ đồng.

Chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà giải ngân được 3.045 tỉ đồng với khoảng 4,54 triệu lao động trên cả nước được nhận hỗ trợ. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giải ngân được 13,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, các chính sách gồm giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với nhiên liệu bay và xăng đã hỗ trợ giảm 34.970 tỉ đồng chi phí thuế tính tới 26-8-2022.

Khoản chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6-2022 là 7.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022. Ảnh: Nhật Bắc

Với kết quả trên, người đứng đầu Bộ KHĐT đánh giá việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…

Trước đó, Nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường diễn ra đầu tháng 1-2022.

Tới kỳ họp Quốc hội thứ 3 vào tháng 5, 6-2022, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sốt ruột khi gói phục hồi kinh tế giải ngân chậm.

Phản hồi, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình rằng cần làm “thận trọng để tránh sơ suất” và tránh những trách nhiệm sau này khi tổ chức thực hiện vì số tiền rất lớn”.

Đầu tháng 7, Chính phủ lập Ban chỉ đạo do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban, giúp Thủ tướng triển khai gói phục hồi kinh tế.

Về tình tình 8 tháng đầu năm 2022, ông Nguyễn Chí Dũng đánh giá nền kinh tế đối mặt với một số thách thức, gồm: giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng, qua đó tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Những yếu tố này, theo ông Dũng, chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn, trong khi tình hình hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới, khu vực trong ngắn hạn.

Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.

Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.

Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm, tồn kho gia tăng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Còn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Những khó khăn, thách thức phải đối mặt rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước. Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân”, ông Dũng nhấn mạnh.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới