Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỗi héc ta trồng hoa lan mang về cho nhà vườn 1 tỉ đồng

N.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tại TPHCM, so với các loại cây trồng khác, hoa lan mang lại giá trị cao cho nhà vườn khi doanh thu hàng năm vào khoảng 1 tỉ đồng trên một héc ta (ha), cao hơn nhiều lần so với nguồn thu từ trồng lúa hay hoa màu.

BTC Festival Hoa lan TPHCM 2023 nhận mẫu hoa lan từ nhà vườn tham gia cuộc thi về hoa lan. Festival Hoa lan TPHCM 2023 diễn ra tại công viên Tao Đàn, Q1, TPHCM từ từ 28- 4 đến 2- 5-2023, với chủ đề “Đậm đà hương sắc. Ảnh: Ngọc Ánh

Ngày 27-4, trong khuôn khổ sự kiện Festival Hoa lan TPHCM 2023 đã diễn ra hội thảo với chủ đề nâng cao năng lực sản xuất các giống hoa lan, cây kiểng phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM tổ chức.

Theo Sở NN&PTNT TPHCM, năm 2022, thành phố đã xuất khẩu được 200.000 cây kim ngân, lan mokara, dendrobium với kim ngạch xuất khẩu 500.000 đô la Mỹ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu Campuchia, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Canada. Hiện toàn thành phố đang có 2.325 ha trồng hoa, cây kiểng, trong đó, có 370 ha trồng hoa lan, chiếm gần 16% và mỗi héc ta mang về cho nông dân mỗi năm từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Đây là một con số khá lớn nếu so sánh với giá trị thu về so với cây lúa.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã áp dụng mô hình trồng rau ăn lá theo quy trình GAP (thực hành nông nghiệp tốt) đối với cải xanh mỡ và rau mồng tơi, trong đó, nông dân trồng cải xanh mỡ có lợi nhuận 45 triệu đồng/ha/năm, còn rau mồng tơi là 460 triệu đồng. Như vậy, đối với một địa phương như TPHCM, nơi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp thì mô hình trồng hoa lan mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho người nông dân so với các loại cây trồng khác.

Theo Sở NN&PTNT TPHCM, 20 năm trước diện tích trồng hoa lan của thành phố chỉ có 20 ha thì nay đã tăng lên gần 19 lần và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nông nghiệp thành phố. Một trong những lý do là do đời sống kinh tế của người dân tăng nên nhu cầu tiêu thụ lan cắt cành, lan trồng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các công ty, nhà vườn đã mở rộng thị trường nhờ tìm kiếm những đơn hàng xuất khẩu.

Theo Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, những loại lan đang được ưa chuộng trong thời gian qua là lan mokara khi mỗi năm bán ra thị trường lên đến 63,5 triệu cành, tiếp đến lan dendrobium với mức tiêu thụ 38,4 triệu cành. Hoa lan tiếp tục được xem là một trong những cây cảnh chủ lực của nông nghiệp công nghệ cao thành phố trong những năm tới và dự kiến diện tích trồng lan tiếp tục tăng và ước đạt 500 ha vào 2030.

Theo các số liệu thống kê, khu vực Liên minh châu Âu (EU) tuy chỉ chiếm 12% tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh của thế giới nhưng tạo ra 42% giá trị tổng sản lượng, là khu vực có trình độ thâm canh cao nhất. Công nghệ nhà kính là yếu tố quan trọng tạo ra hiệu quả sản xuất cao trong ngành hàng hoa, cây cảnh thế giới. Giá trị sản lượng trên một ha của từng nước tương ứng với tỷ lệ diện tích sản xuất trong nhà kính. Cụ thể, Đan Mạch và Thụy Điển với tỷ lệ diện tích sản xuất hoa, cây cảnh trong nhà kính tương ứng là 65% và 92% tạo ra năng suất hàng hóa trên 600.000 euro/ha/năm. Hà Lan với tỷ lệ nhà kính 69%, sản xuất 430.000 euro/ha/năm. Tính trung bình cho toàn EU, tỷ lệ hoa, cây cảnh sản xuất trong nhà kính là 31% và năng suất trung bình là 120.000 euro/ha/năm. Đối với các nước châu Á, theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, Trung Quốc và Nhật Bản có tỷ lệ hoa, cây cảnh trong nhà kính tương ứng là 17% và 51%, năng suất trung bình tương ứng là 10.000 và 140.000 euro/ha/năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới