Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mối lo đầu năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mối lo đầu năm

(TBKTSG) – Nguy cơ lạm phát cao tái diễn đang trở thành một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế bàn luận trong những tuần lễ đầu năm nay, cho dù người đứng đầu Bộ Tài chính là Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã khẳng định có đủ cơ sở để giữ chỉ số này không tăng quá 7% trong 2010. Sự lo ngại trên không phải là không có cơ sở, khi mà chỉ trong hai tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng đến 3,35% và nhiều yếu tố khác hỗ trợ cho lạm phát đang hiển hiện trước mắt.

Ngày 21-2 vừa qua, các công ty xăng dầu đã đồng loạt tăng giá xăng thêm 550-590 đồng/lít. Trong tình hình giá dầu trên thế giới đang có chiều hướng tăng, có lẽ đây chưa phải là đợt tăng giá cuối cùng của năm. Bên cạnh đó, các loại năng lượng khác như điện, than cũng đã được lên kế hoạch điều chỉnh.

Khác với năm ngoái, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, than trong năm 2010 này trong bối cảnh mặt bằng giá các loại vật tư, nguyên liệu trên thị trường thế giới đang tăng mạnh, nên nó sẽ có tác động cộng hưởng tới mặt bằng giá các loại hàng hóa, dịch vụ ở Việt Nam, làm cho nỗ lực duy trì việc tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp của Chính phủ càng trở nên khó khăn hơn.

Dù sao, việc điều chỉnh giá xăng dầu, và sắp tới có thể là than và điện cũng là yếu tố khách quan, phù hợp với xu hướng giá cả chung của thế giới. Điều đáng ngại hơn cả là những bất lợi tồn tại từ lâu trong bản thân nền kinh tế Việt Nam, đó là sự thiếu hiệu quả trong đầu tư và khả năng cạnh tranh kém của khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam đã sớm thoát khỏi suy thoái và phục hồi khá mạnh mẽ. Nhưng cách để đạt được thành quả trên chưa thực sự làm các chuyên gia kinh tế yên tâm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội năm ngoái tương đương tới 41% tổng sản phẩm trong nước (GDP), nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp hơn khá nhiều so với năm trước đó, chỉ đạt 5,32%.

Cũng trong năm ngoái, tổng phương tiện thanh toán tăng tới 25%, nhiều hơn so với lượng hàng hóa sản xuất ra. Việc mất cân đối này chính là nguyên nhân gây nên lạm phát cao vào năm 2007. Tiến sĩ Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, cho rằng nguy cơ lạm phát cao trong năm nay là điều khó tránh.

Trong năm 2010, những mục tiêu quan trọng hàng đầu của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ lạm phát cao và duy trì tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát cao, Chính phủ đã đưa ra chỉ tiêu hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 25%, thấp hơn so với tỷ lệ 37,7% của năm ngoái. Đây là biện pháp cổ điển để giải quyết mất cân đối giữa phương tiện thanh toán và lượng hàng hóa, dịch vụ sản xuất ra.

Nhưng nó cũng có thể làm cho chi phí sử dụng vốn tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng phát triển của công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Có thể thấy, đạt được những mục tiêu kể trên không dễ. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể thực hiện được.

Lời giải cho bài toán khó này chính là ở khả năng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, và nó đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Chính phủ mà cả ở cộng đồng doanh nghiệp. Chừng nào vốn đầu tư còn bị thất thoát, việc sử dụng các nguồn lực còn lãng phí, thì nguy cơ lạm phát cao còn tiếp tục đe dọa cả nền kinh tế.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới