Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỗi năm nhiệt điện than “ăn” vào môi trường gần 4,5 tỉ đô la

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỗi năm nhiệt điện than “ăn” vào môi trường gần 4,5 tỉ đô la

Nguyễn Đăng Anh Thi (*)

(TBKTSG) – Trong khi Quy hoạch điện 8 đề xuất tiếp tục xây thêm gấp đôi công suất nhiệt điện than trong vòng 10 năm tới thì vẫn tồn tại một nghịch lý song hành là số thu thuế bảo vệ môi trường ngày càng tăng, chất lượng môi trường càng đi xuống. Sự thật nào đang ẩn giấu đằng sau những tiếng nói ủng hộ phát triển nhiệt điện than tại Việt Nam?

 

Mỗi năm nhiệt điện than “ăn” vào môi trường gần 4,5 tỉ đô la
Than đá chính là “thủ phạm” trong việc gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Các nhà máy nhiệt điện than là đối tượng chủ chốt trong việc tiêu thụ than đá. Ảnh minh hoa: TTXVN

Nhiệt điện than gây ra thiệt hại gần 4,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm do ô nhiễm không khí

Tính đến hết năm 2019, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng gần 54.880 MW, trong đó nhiệt điện than đóng góp 19.812 MW, tương đương 36%. Dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) đề xuất tiếp tục xây thêm hơn 33.000 MW công suất nhiệt điện than đến năm 2045. Đáng chú ý, dự kiến công suất nhiệt điện than năm 2030 là 38.123 MW. Nghĩa là, công suất nhiệt điện than sẽ tăng gấp đôi chỉ trong 10 năm tới.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2019 ước tính là 63.075 tỉ đồng, năm 2015 là 27.020 tỉ đồng, nghĩa là số thu tăng gấp 2,3 lần chỉ trong vòng bốn năm. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tình hình ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian. Đặc biệt, tại thủ đô Hà Nội và TPHCM trong một số ngày đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Hãy nhìn vào số liệu tiêu thụ nhiên liệu trong năm năm vừa qua để tìm câu trả lời (hình 1). Theo BP(1) Statistical Review of World Energy 2020, tiêu thụ than đá tại Việt Nam tăng 88% trong vòng năm năm qua, trong khi tiêu thụ xăng dầu chỉ tăng 18% và tiêu thụ khí giảm 4%. Năm 2019, tiêu thụ than đá nhiều gấp đôi so với xăng dầu, và gấp gần 6 lần so với khí thiên nhiên.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ riêng năm 2019, Việt Nam đã chi một số tiền kỷ lục là 3,8 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu một lượng than đá kỷ lục là 43,9 triệu tấn. So với năm 2018, kim ngạch nhập khẩu tăng 48% nhưng lượng nhập khẩu tăng đến 92%.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)(2), lượng phát thải khí nhà kính từ đốt nhiên liệu của Việt Nam đã tăng 117% chỉ trong vòng 10 năm qua, so với mức tăng trung bình của thế giới chỉ là 10%. Tổng phát thải từ đốt nhiên liệu của Việt Nam năm 2019 là 275 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, phát thải từ đốt than đá đóng góp lớn nhất, chiếm đến 71%, trong khi phát thải từ xăng dầu chỉ chiếm 22% và từ khí chỉ chiếm 7% (hình 2).

Cũng theo số liệu của IEA, ngành sản xuất điện năng là đối tượng chính tạo ra phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, vì đóng góp đến 48% lượng phát thải. Trong khi đó, khối công nghiệp và xây dựng đóng góp 28%, giao thông đóng góp 16%, còn lại thương mại và dân dụng chỉ chiếm 8% lượng phát thải (hình 3).

Trong vòng 10 năm qua, tăng trưởng công suất nguồn điện được đóng góp chủ yếu bởi nhiệt điện than (hình 4). Tăng trưởng công suất toàn hệ thống là 2,5 lần, nhưng tăng trưởng công suất nhiệt điện than đến 7,2 lần. Từ việc chỉ chiếm 12,7% tổng công suất nguồn điện năm 2010, nhiệt điện than đã chiếm đến 36% tổng công suất nguồn điện năm 2019. Đó là kết quả của việc chọn nhiệt điện than làm trụ cột trong Quy hoạch điện 7 (gốc và hiệu chỉnh).

Chừng đó thông tin đã cho thấy than đá chính là “thủ phạm” trong việc gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Các nhà máy nhiệt điện than là đối tượng chủ chốt trong việc tiêu thụ than đá.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam khoảng 5% GDP mỗi năm(3). Với GDP năm 2019 là 262 tỉ đô la Mỹ(4), thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam lên đến 13 tỉ đô la Mỹ.

Theo tỷ lệ lượng than được tiêu thụ như trên, các nhà máy nhiệt điện than gây ra thiệt hại do ô nhiễm không khí đến gần 4,5 tỉ đô la Mỹ, tương đương 104.000 tỉ đồng trong năm 2019.

Trợ thuế BVMT 4,4 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho nhiệt điện than

Xét về bản chất thành phần hóa học, than đá rõ ràng “bẩn” hơn xăng dầu nhiều lần. Hãy so sánh giữa than đá và dầu diesel, hai loại nhiên liệu hóa thạch đang dùng trong phát điện sẽ thấy cụ thể. Loại than đá nội địa đang dùng phát điện tại Việt Nam là than antraxit dạng hạt không lớn hơn 25 mi li mét nên gọi là than cám, phổ biến là loại than cám 6A, 6B, 5A, 5B. Loại than đá nhập khẩu đang dùng phát điện tại Việt Nam là than bitum (than mỡ) và than sub-bitum, chủ yếu từ Indonesia và Úc.

Hàm lượng lưu huỳnh trong các loại than cám nội địa là 0,65% (theo TCVN 8910:2015), trung bình trong than nhập khẩu là 0,5%. Độ tro trong các loại than cám nội địa là 29-42,5%, trung bình trong than nhập khẩu là 15%. Trong khi đó, với dầu diesel (DO 0.05S), hàm lượng lưu huỳnh là 0,05% và độ tro là 0,01% (theo QCVN 1:2015/BKHCN).

Như vậy, hàm lượng lưu huỳnh trong than đá cao hơn từ 10-13 lần so với trong dầu diesel, hàm lượng tro trong than đá cao hơn từ 1.500-4.250 lần so với trong dầu diesel. Điều này giải thích vì sao đốt than gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng vượt bậc so với đốt dầu.

Luật Thuế BVMT năm 2010 đã quy định rõ: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”. Oái ăm thay, dù than đá có “mức độ gây tác động xấu đến môi trường” cao hơn xăng dầu như đã chỉ ra, Luật Thuế BVMT lại cho phép than đá được áp dụng một mức thuế thấp đến kỳ lạ!

Cụ thể, mức thuế BVMT hiện hành của xăng là 4.000 đồng/lít, của dầu diesel là 2.000 đồng/lít, trong khi của than đá là 30 đồng/ki lô gam (than antraxit) hoặc 15 đồng/ki lô gam (các loại than đá khác). Nếu quy về theo khối lượng, thì mức thuế BVMT của xăng là 5.400 đồng/ki lô gam, của dầu diesel là 2.380 đồng/ki lô gam. Nghĩa là, dù sạch hơn than đá, xăng đang bị áp thuế BVMT cao gấp 180-360 lần và dầu diesel đang bị áp thuế BVMT cao gấp 80-160 lần so với than đá.

Vì được áp dụng một mức thuế rất thấp gọi là “cho có”, dù đóng góp đến 71% nguồn gây ô nhiễm không khí, số thu thuế BVMT từ than đá chiếm chưa đến 2% tổng thu thuế BVMT năm 2016. Và dù lượng sử dụng than đá tăng đột biến trong vài năm gần đây, ước tính số thu thuế BVMT từ than đá vẫn chưa vượt quá 5% tổng thu thuế BVMT hàng năm. Trong khi đó, dù chỉ đóng góp 22% vào ô nhiễm không khí, xăng dầu phải gánh đến 95-98% nguồn thu thuế BVMT.

Vậy vì sao than đá lại được áp dụng một mức thuế BVMT đầy nghịch lý như trên? Chỉ có thể giải thích rằng nếu tính đúng theo “mức độ gây tác động xấu đến môi trường”, giá điện từ nhiệt điện than sẽ tăng cao tương ứng.

Nếu dùng biểu thuế BVMT và hệ số phát thải CO2 của dầu diesel làm định mức tính thuế, thì biểu thuế BVMT của than antraxit phải là 2.100 đồng/ki lô gam, các loại than đá khác phải là 1.500 đồng/ki lô gam. Trường hợp dùng biểu thuế BVMT của xăng làm định mức tính thuế, các con số này sẽ tăng gần gấp đôi.

Theo hiện trạng sử dụng than của ngành điện và cách phân chia mức thuế BVMT, lẽ ra than nội địa phải chịu biểu thuế 2.100 đồng/ki lô gam, than nhập khẩu phải chịu biểu thuế 1.500 đồng/ki lô gam. Vì vậy, thực chất Nhà nước đang trợ thuế cho than nội địa là 2.070 đồng/ki lô gam, than nhập khẩu là 1.485 đồng/ki lô gam để phát điện (hình 5).

Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan và tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy tổng tiêu thụ than của Việt Nam năm 2019 là 84,4 triệu tấn, gồm 40,5 triệu tấn từ nội địa và 43,9 triệu tấn từ nhập khẩu. Trong đó, chỉ riêng than cho sản xuất điện là 54,3 triệu tấn, gồm 36 triệu tấn than nội địa và 18,3 triệu tấn than nhập khẩu.

Với lượng than đá tiêu thụ như trên, Việt Nam hiện đang trợ thuế cho than đá lên đến gần 149.000 tỉ đồng (6,4 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2019. Nghĩa là, tiền trợ thuế BVMT cho than đá nhiều gấp 2,4 lần so với tiền thuế BVMT thu được năm 2019. Trong đó, chỉ tính riêng tiền trợ thuế BVMT cho than đá dùng trong nhiệt điện đã lên đến gần 102.000 tỉ đồng, tương đương 4,4 tỉ đô la Mỹ (hình 6).

Nếu tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải sản xuất kinh doanh để tạo ra lợi nhuận ròng mỗi năm là 9.700 tỉ đồng(5) như năm 2019, thì phải cần đến 10,5 năm tích lũy số lợi nhuận này mới bằng số trợ thuế BVMT phát điện chỉ trong một năm! Nếu dùng số tiền trợ thuế BVMT phát điện than để xây các nhà máy điện khí, thì sẽ xây dựng được 4.700 MW công suất điện khí, tương đương 66% tổng công suất điện khí cả nước hiện nay!

Những con số trên cũng chứng minh rằng nếu thu đúng số tiền trợ thuế mà than đá đang được hưởng, Nhà nước sẽ có một ngân sách tương đương để bù đắp thiệt hại ô nhiễm không khí do nhiệt điện than gây ra.

(*) Chuyên gia năng lượng và môi trường

 

(1) https://www.bp.com/en/global/ corporate/energy-economics/statistical-review-of-world-energy.html

(2) http://data.iea.org/payment/products/115-co2-emissions-from-fuel-combustion.aspx

(3) http://www.monre.gov.vn/Pages/thiet-hai-ve-kinh-te-va-suc-khoe-do-o-nhiem-khong-khi.aspx

(4) https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp

(5) https://www.evn.com.vn/userfile/User/tcdl/files/CV3168CONGBO_TTDN_NN.PDF

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới