Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỗi ngày có 8.000 người tị nạn đến, châu Âu cần giải pháp lâu dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỗi ngày có 8.000 người tị nạn đến, châu Âu cần giải pháp lâu dài

Phúc Minh

Mỗi ngày có 8.000 người tị nạn đến, châu Âu cần giải pháp lâu dài
Trung bình mỗi ngày có 8.000 người tị nạn Syria và Iraq đến châu Âu. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Liên hiệp quốc (LHQ) cảnh báo trung bình mỗi ngày đang có khoảng 8.000 người tị nạn từ Syria và Iraq đến châu Âu và con số sẽ còn tiếp tục tăng lên – theo Reuters.

LHQ cho rằng thế giới đã chần chừ quá lâu để ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn gây ra do cuộc chiến tại Syria, và đây cũng là lý do khiến vấn đề ngày càng trầm trọng.

Cao ủy LHQ về người tị nạn Antonio Guterres nói: “Điều tồi tệ nhất là xung đột vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, cuộc sống của người tị nạn ngày càng tồi tệ và phần lớn sống dưới mức đói nghèo, hơn hết là họ không có hy vọng vào tương lai. Vì thế, nếu không có hòa bình tại Syria và không có sự hỗ trợ lớn dành các nước láng giềng của Syria, chúng ta sẽ phải đối mặt với làn sóng di dân nguy hiểm mà không ai có thể lường trước sẽ diễn ra như thế nào”.

EU cần giải pháp lâu dài

Mới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cung cấp cho các cơ quan LHQ 1 tỉ euro để hỗ trợ khoảng 4 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống tại các nước láng giềng ở Trung Đông, trong đó có Li-băng – một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất khu vực sau khi tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn Syria.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nhà lãnh đạo EU đã đạt được “bước đầu tiên” trong việc giải quết vấn đề người tị nạn nhưng không đủ. Các nước thành viên EU cần kế hoạch phân bổ người tị nạn công bằng và lâu dài.

Chừng nào chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, dù các nước EU có rót hàng tỉ đô la Mỹ hỗ trợ người tị nạn hay tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới, dòng người tị nạn  vẫn không thể giảm – theo LHQ.

Các nhà lãnh đạo EU nhất trí tiếp tục triệu tập hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10-2015 để thảo luận về vấn đề di dân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này.

Dòng người tị nạn tiếp tục vào châu Âu

Bộ Nội vụ Croatia cho biết chỉ riêng ngày 25-9, đã có gần 10.000 người tị nạn vào nước này – kỷ lục trong ngày. Tổng cộng 65.000 người tị nạn, trong đó phần lớn là người tị nạn chạy trốn xung đột tại Trung Đông, đã vào Croatia trong 10 ngày qua. Số liệu cho thấy mức độ báo động của cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay.

Sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia, Croatia trở thành điểm trung chuyển lớn của người tị nạn để vào các nước giàu có tại Tây và Bắc Âu. Hầu hết người tị nạn vào Croatia sau đó đều tìm cách sang Hungary để từ đây sang Áo rồi đến Đức. Dù chính phủ Croatia khẳng định tình hình vẫn nằm dưới sự kiểm soát nhưng theo các nhà phân tích, dòng người tị nạn chưa thể chấm dứt.

Ngày 27-9, lực lượng bảo vệ bờ biển Ý cho biết đã giải cứu khoảng 500 người di cư tại Địa Trung Hải cuối tuần qua. Những người di cư này chủ yếu đến từ các nước châu Phi như Nigeria, Ghana, Senegal, Sierra Leone. Hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển Ý nằm trong khuôn khổ chiến dịch Navfor Med – chiến dịch quân sự do Liên minh châu Âu (EU) triển khai từ cuối tháng 6-2015 nhằm xác định, bắt giữ và xử lý các con tàu, cũng như giải cứu những người di cư lao vào các hành trình vượt biển nguy hiểm nhằm chạy trốn khỏi Syria và những điểm nóng khác để đến châu Âu. Lực lượng tham gia chiến dịch Navfor Med được trang bị 4 tàu, trong đó có một tàu sân bay của Ý, và 4 máy bay, với sự tham gia của 1.318 binh sĩ đến từ 22 nước châu Âu.

Cùng ngày, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin 17 người tị nạn Syria, trong đó có 5 trẻ em, đã thiệt mạng do chiếc thuyền chở họ bị chìm trên lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ khi đang trên đường đến Hy Lạp. Khoảng 20 người khác được lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới