Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Môi trường kinh doanh: Các quốc gia lân cận đã cải cách và vượt xa Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Môi trường kinh doanh: Các quốc gia lân cận đã cải cách và vượt xa Việt Nam

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Dù chỉ số môi trường kinh doanh có thăng hạng, vị trí của Việt Nam về năng lực cạnh tranh tăng lên nhưng sự thay đổi lại không đồng đều giữa các bộ ngành, các lĩnh vực. Nguy hiểm là, các quốc gia lân cận đã cải cách và vượt xa Việt Nam. Vì vậy, thách thức lớn hiện tại là “tương lai không tiên đoán được của cải cách”. Hậu quả là tất cả các bên đều rất mệt mỏi.

Môi trường kinh doanh: Các quốc gia lân cận đã cải cách và vượt xa Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm minh bạch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Tâm

Đây là bức tranh vừa được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và doanh nghiệp vẽ ra tại hội thảo có chủ đề “Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh: cải cách điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành và thủ tục hành chính tư pháp” diễn ra hôm nay, 19-4 tại TPHCM.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM bình luận, thách thức lớn hiện nay là tương lai bất định không tiên đoán được trong cải cách hành chính. Điều nguy hiểm là các nước đã cải cách rất quyết liệt trong một thời hạn xác định, đạt được mục tiêu đề ra. Còn Việt Nam thì đã qua bốn nghị quyết 19 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) năm 2014, 2015, 2016, 2017 và chuẩn bị có nghị quyết 19 năm 2018 nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, câu chuyện lúc này là làm thế nào chấm dứt nghị quyết 19 để sang năm 2019, mọi thứ hoàn toàn mới.

“Quan trọng là tổ chức đúng thời gian, đúng yêu cầu và thực thi nghiêm túc. Nếu không, đến khi chị Nguyễn Minh Thảo về hưu mà vẫn thực hiện nghị quyết 19 mà mục tiêu cải cách vẫn là bằng ASEAN – 4”, ông Hiếu nói.

Bình luận kể trên của ông Hiếu được đưa ra sau khi nghe phần trình bày của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, CIEM với chủ đề “Cải thiện môi trường kinh doanh: kết quả, vấn đề và các giải pháp”.

Theo bà Thảo, nghị quyết 19 đã thành một "thương hiệu" về môi trường kinh doanh. Với nghị quyết này, từ năm 2014 đến 2017, các chỉ số môi trường kinh doanh có sự cải thiện về điểm tuyệt đối và thứ hạng. Trong đó, năm 2017 là cao nhất khi Việt Nam xếp hạng 68, tăng 14 bậc so với năm trước. Nhiều chỉ số như  tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư và nộp thuế đã tăng mạnh. Nhưng, ngược lại, có hai chỉ số không có sự thay đổi nào là đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản và giải quyết phá sản. Việt Nam vẫn đứng cuối bảng xếp hạng.

“Đứng sau 100 thì nghĩa là đứng cuối bảng vì trong 190 quốc gia được đánh giá thì có rất nhiều nền kinh tế rất nhỏ”, bà Thảo nói.

Nhìn sâu vào từng chỉ số, bà Thảo đưa ra những con số, thông tin từ trải nghiệm thực tế. Ví dụ, chỉ số về giao dịch thương mại qua biên giới liên quan tới 13 bộ ngành nhưng hiện chỉ mới Bộ Tài chính thay đổi mạnh mẽ còn các bộ khác thì rất chậm. Kết quả là thứ hạng của Việt Nam thì lên xuống trong khi các nước khác đi nhanh hơn. Vấn đề là nếu tiết kiệm được một ngày trong giao dịch xuyên biên giới thì có thể giảm chi phí một triệu đô la Mỹ. Và chỉ số này rất có ý nghĩa trong cải thiện kinh doanh và thu hút đầu tư.

Một chỉ số quan trọng khác là khởi sự kinh doanh. Như lời ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thì đây là chỉ số “đáng xấu hổ” bởi có rất nhiều thay đổi về chính sách như Luật Doanh nghiệp mới nhưng thứ hạng của Việt Nam lại thấp (xếp 123/190) và liên tục giảm bậc từ 2014 đến 2017. Bản thân bà Thảo khi tiếp xúc các địa phương thì thấy rằng tỉnh, thành muốn tích cực cắt giảm các bước nhưng trung ương lại chưa có những động thái.

Riêng với chỉ số đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản thì 5 năm nay, mọi thứ không đổi theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Khi quyền sở hữu và sử dụng tài sản không đảm bảo, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn là nói là bất ổn. 

Trong khi đó, nhìn về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành thì bà Thảo cho rằng, đạt được một số kết quả, có chuyển động nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt. Các bộ, ngành đã thống kê bãi bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh (ví dụ như Bộ Công Thương là hơn 650) nhưng thực tế là các bộ gộp số bãi bỏ và số sửa đổi (nhiều khi chỉ là viết lại một câu trong quy định cho gọn, rõ nghĩa) hoặc bãi bỏ nhưng thực ra là chuyển sang phương thức thực hiện khác hay một điều kiện nhưng có nhiều điều kiện nhỏ bên trong. Các bộ ngành cũng có nhiều cách đối phó về cách làm luật như chuyển sang quy chuẩn tiêu chuẩn hay nói rằng sẽ quản lý mặt hàng này bằng pháp luật khác…

Đặc biệt, việc cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vẫn đang thuộc về các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành. Chưa hết, có những quy định rất vô lý với thực tế, những đòi hỏi về trang thiết bị, nhà xưởng còn rất phổ biến. Ví dụ trường học đòi có khu thể thao với đầy đủ trang thiết bị, tường rào; thành lập trường quốc tế phải thuê đất nhà nước, không được thuê đất tư nhân…

Hay ở lĩnh vực thông quan hàng hóa, thực tế là không có bất kỳ khâu nào ở hải quan không có chi phí không chính thức, dù rằng con số không nhiều. Đó là chưa kể làm các tờ khai cùng thời điểm nhưng phải nộp chi phí không chính thức cho từng tờ. Bà Thảo ước lượng, nếu chỉ tính tối thiểu một tờ khai “hết” khoảng 300.000 đồng thì một năm, các doanh nghiệp đã mất 10.000 tỉ đồng vào túi cán bộ hải quan.

“Nếu nhìn theo nhóm ASEAN – 4 thì Việt Nam vẫn còn kém hơn rất nhiều. Indonesia họ từng sang Việt Nam học kinh nghiệm để cải cách nhưng họ đi nhanh hơn và thực chất hơn. Chúng tôi đề ra mục tiêu cao nhưng khả thi nếu các bộ ngành, địa phương vào cuộc một cách thực chất. Lãnh đạo Chính phủ thời gian qua đã chỉ đạo liên tục”, bà Thảo nhận định.

Chia sẻ của bà Thảo được nhiều doanh nghiệp bổ sung bằng những trải nghiệm thực tế.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, việc rối loạn của hệ thống văn bản pháp luật dẫn đến thực tế là trao quyền lớn cho hải quan. Vì vậy, sẽ kiểm tra hay không kiểm tra chuyên ngành tùy vào sự “biết điều” của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nhập chục tấn vỏ trai, sò về làm hàng thủ công mỹ nghệ bị đòi “chung” 30 triệu đồng để không phải kiểm tra chuyên ngành với lý do đây là “một bộ phận của động vật”. Doanh nghiệp không chịu và đề nghị thú y kiểm tra nhưng năn nỉ mà cơ quan này không làm. Kết quả là lô hàng không được thông quan, tiền lưu kho còn cao hơn giá trị hàng.

Hay như phong trào làm "một cửa" đang rất phát triển hiện tại. Một cửa nhưng không giảm được chi phí không chính thức cũng như thời gian. Ví dụ như chuyện mã hóa ngành khi doanh nghiệp đăng ký thành lập. Mất rất nhiều thời gian cho cả hai bên nhưng cuối cùng việc này chỉ để thống kê nhưng lại không thể sử dụng. Như tại TPHCM, 335.000 doanh nghiệp được thành lập có số liệu thống kê về mã ngành nhưng kết quả này không sử dụng làm kế hoạch phát triển kinh tế vì chỉ 200.000 đơn vị đang hoạt động. Khi cần vẫn phải điều tra lại.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm minh bạch thì cho rằng, Nghị định 15 mới được ban hành về kiểm tra an toàn thực phẩm dù giải quyết được bức xúc của doanh nghiệp nhưng khi thực hiện đã phát sinh một vấn đề lớn. Trước đây, cơ quan quản lý đòi hỏi rất nhiều các vấn đề ngoài an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp đã đấu tranh và nay Nghị định 15 chỉ yêu cầu về chỉ tiêu an toàn và không kiểm soát về chất lượng. Vấn đề là an toàn thực phẩm không chỉ liên quan đến bệnh tật mà còn là dinh dưỡng cho nòi giống.

Về điều kiện kinh doanh, bà Minh cho rằng, muốn cắt giảm thì các bộ phải giảm bớt các dịch vụ thu tiền. “Các bộ, ngành càng kinh doanh nhiều thì doanh nghiệp càng không có cơ hội ngóc đầu lên”, bà Minh nói. Vấn đề bất cập là hiện tại có quá nhiều cơ quan kiểm nghiệm thuộc các bộ, do bộ ngành chỉ định. Các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài, đạt các chứng nhận quốc tế không thể tham gia, chen chân. Vì vậy, Nhà nước chỉ cần ban hành chính sách và kiểm soát, để việc kinh doanh cho thị trường, biến các trung tâm thành doanh nghiệp và cổ phần hóa. Có như vậy mới bình đẳng cho tất cả.

Các đại diện nhận định, hiện tại, việc cải cách môi trường kinh doanh đang “nóng ở trên, nóng ở dưới nhưng ở giữa lạnh”. Nghĩa là Chính phủ rất quyết liệt; các địa phương cũng rất mong muốn nhưng các bộ ngành tham mưu chính sách không kịp với thực tế và quyết tâm bên trên.

Và với tình hình hiện tại thì câu chuyện về cải cách môi trường kinh doanh vốn đã được nói 20 năm nay có thể còn được nói tiếp trong 10 năm tới và vẫn là ưu tiên.

Xem thêm:

Mỏi mòn chờ sửa quy định kiểm tra chuyên ngành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới