Môi trường kinh doanh nông nghiệp dưới mức trung bình
Thùy Dung
![]() |
Phải mất hơn 900 ngày mới hoàn tất thủ tục nhập khẩu giống hoa mới – Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nhưng thủ tục hành chính đang cản trở doanh nghiệp. Kết quả điều tra của WB cho rằng môi trường kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam nằm dưới mức trung bình của thế giới và điều tra trong nước cũng cho thấy, có tới gần 80% doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn thủ tục hành chính “thông thoáng” hơn.
Theo báo cáo nghiên cứu mới công bố của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), có đến gần 80% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản (DNNLTS) được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới cho thấy môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Cambodia và Myanmar. Theo báo cáo, Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải.
Môi trường kinh doanh giống cây trồng của Việt Nam được đánh giá ở mức 62,5/100 điểm, thấp hơn cả Cambodia (68,8 điểm), Bangladesh (70,8 điểm) và Philipines (83,0 điểm). Nguyên nhân chính là do tại Việt Nam, việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng có nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới lâu: ước tính Việt Nam mất 901 ngày để cấp giấy chứng nhận cho giống mới, quá lâu so với Philippines và Myanmar lần lượt chỉ là 571 và 306 ngày, chi phí để đăng ký giống mới cũng cao.
Thủ tục nhập khẩu giống cây trồng còn khó khăn, yêu cầu phức tạp, cấp phép chậm chạp. Để nhập khẩu các giống hoa mới chẳng hạn, doanh nghiệp phải yêu cầu các nước xuất khẩu cung cấp bảng phân tích nguy cơ dịch hại, đầy đủ các số liệu kinh doanh, sản lượng sản xuất, các nước xuất khẩu đến… Điều này liên quan đến bí mật kinh doanh nên đối tác nước ngoài không cung cấp…
Thực tế, vấn đề giống cây trồng đã được phản ánh tại nhiều hội thảo nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, một doanh nghiệp FDI đầu tư trong lĩnh vực giống cây trồng trong một hội thảo giữa năm ngoái nói rằng, để một giống cây mới được trồng ở Việt Nam thì giống cây đó đã “lỗi thời” do tiến bộ khoa học đang thay đổi từng ngày.
Cũng theo báo cáo trên, Việt Nam xếp hạng rất thấp (thứ 37/40 quốc gia được đánh giá) về môi trường cho kinh doanh máy móc nông nghiệp (chỉ đạt 24,4/100), chỉ hơn Lào, Nepal và Myanmar.
Môi trường hoạt động kinh doanh vận tải phục vụ nông nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực và quốc tế, chỉ đạt 54,8/100 điểm, xếp thứ 35/40 nước được đánh giá. Mặc dù việc cấp phép cho hoạt động vận tải được thực hiện khá tốt (81/100 điểm, xếp thứ 8), nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều quy định thắt chặt việc vận chuyển xuyên biên giới (28,6 điểm, xếp thứ 38) trong khi Lào và Philippines đạt điểm số ở mục này khá cao (với 71,4 điểm). Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu hệ thống xử lý điện tử cho cấp phép và gia hạn giấy phép vận tải.
Thủ tục và quy định cho phép doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập; chẳng hạn như các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn của doanh nghiệp.
Việc hoàn trả thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu nộp thừa) cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ dần. Các doanh nghiệp cung cấp nông sản (ví dụ gạo) có thương hiệu, chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoặc thương lái thông thường không phải chịu thuế này…
Đọc thêm: