Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Môi trường kinh doanh vẫn chỉ là “tạm được”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Môi trường kinh doanh vẫn chỉ là “tạm được”!

Tư Hoàng

Diễn đàn VBF là cơ hội đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh Getty

(TBKTSG Online) – Mức độ lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong năm nay đã gia tăng hơn so với hai năm khó khăn 2009 và 2008 vừa qua – đó là cảm nhận chung của 227 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong một báo cáo công bố tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân được tổ chức hôm nay 2/12 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh năm nay vẫn chỉ nằm ở ngưỡng “tạm được” trong mức thang 4 điểm là “rất tốt”, “tốt”, “tạm được, và “kém”. Cụ thể, xếp hạng của năm nay là 2,52 điểm so với 2,28 của năm 2009 và 1,9 của năm 2008.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện trong các năm tiếp theo, và tới 75% các doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong vòng 3 năm tới.

Bất chấp thực tế đó, rất nhiều các quan ngại đã được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nêu ra với Chính phủ tại diễn đàn.

Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu Alain Cany nói: “Các nhà đầu tư phải đợi từ năm đến sáu tháng để có được giấy phép đầu tư tại Việt Nam, trong khi các nước khác trong khu vục chỉ mất có năm hoặc sáu tuần. Điều đó không chỉ là sự mất thời gian, mà còn cả giá trị tiền bạc”.

Ông Cany cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu vui mừng với đề án 30, trong đó Chính phủ cam kết cắt giảm 258 thủ tục hành chính, song những thông tư ban hành gần đây lại đi ngược với tinh thần đó. Theo ông Cany, thông tư 24 về cấp phép nhập khẩu tự động, và thông tư 122 về bình ổn giá “làm tăng gánh nặng hành chính”, và “tạo thêm nhiều chi phí không rõ ràng” cho khu vực tư nhân tại Việt Nam.

Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ Hank Tomlinson bổ sung thêm, hai thông tư trên không giúp Việt Nam giải quyết được vấn đề thâm hụt cán cân thanh toán vốn là điểm yếu kinh niên của nền kinh tế.

Tuy vậy, thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Tuấn Anh có cách lý giải khác. Ông giải thích, cấp phép tự động không mâu thuẫn gì với các cam kết của WTO và không nhằm hạn chế số lượng sản phẩm nhập khẩu của các doanh nghiệp. Ông nói: “Cơ chế này chủ yếu giúp Bộ Công thương và các cơ quan chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuận lợi hơn về mặt thống kê”.

Bên cạnh đó, hàng loạt các thách thức khác trong môi trường kinh doanh cũng được các doanh nghiệp nêu ra, như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cam kết, Chính phủ sẽ quan tâm giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp nêu ra tại diễn đàn này.

VBF là diễn đàn được tổ chức thường niên giữa Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân, trước phiên đối thoại giữa Chính phủ và các nhà tài trợ (CG) nhằm tìm kiếm nguồn vốn ODA cho phát triển.

Hội nghị CG sẽ được tổ chức vào ngày 7-8 tới tại Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới