Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Môi trường TP.HCM: không khí ít ô nhiễm hơn nguồn nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Môi trường TP.HCM: không khí ít ô nhiễm hơn nguồn nước

Chính Phong

Môi trường TP.HCM: không khí ít ô nhiễm hơn nguồn nước
Đất đá công trình xây dựng là nguyên nhân gây ra bụi lơ lửng ở TP.HCM. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Hôm nay 24-2, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM công bố báo cáo tóm tắt hiện trạng chất lượng môi trường TP.HCM năm 2015 qua theo dõi số liệu từ hệ thống các điểm quan trắc chất lượng môi trường. Báo cáo cho thấy chất lượng không khí chưa đến mức báo động, nhưng chất lượng nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Số liệu từ 15 điểm quan trắc chất lượng không khí (9 điểm tự động và 6 điểm bán tự động) cho thấy ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và tiếng ồn do các hoạt động giao thông gây ra.

Hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng quan trắc được trong năm 2015 tại 15 vị trí dao động từ 172,30 – 560,88 μg/m3, trong đó 42,94% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn Việt Nam QCVN 05:2013/BTNMT (nồng độ bụi lơ lửng trung bình 1 giờ: 300 μg/m3). Về mức ồn, 60,18% số liệu quan trắc không đạt quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT.

Các số liệu đo nồng độ khí CO, NO2, SO2 ghi được từ các trạm quan trắc đều đạt gần 100% quy chuẩn Việt Nam, tức là mối lo về các loại khí độc này gần như không có. Hoạt động của các nguyên tố phóng xạ (tự nhiên và nhân tạo) thu được trong quá trình quan trắc môi trường không khí (son khí và rơi lắng) năm 2015 chưa gây nguy hại đến môi trường.

Với kết quả từ 26 trạm quan trắc nước mặt và thủy văn sông Sài Gòn – Đồng Nai khu vực TP.HCM, báo cáo đi đến những nhận định chính: Nguồn nước cấp trên sông Sài Gòn do ảnh hưởng dải đất phèn ven sông, có độ pH thấp, gây khó khăn và tốn kém trong việc xử lý nước. Nguồn thải từ sông Thị Tính là một nguồn ô nhiễm đe dọa trực tiếp đến khu vực lấy nước của nhà máy nước Tân Hiệp.

Khu vực cấp nước của sông Sài Gòn có chất lượng nước thuộc loại B1, và bị đe dọa bởi nhiều nguồn gây ô nhiễm. Các dạng ô nhiễm chính hiện nay trên các sông Sài Gòn và Đồng Nai chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh.

Trong năm 2015, tình hình thiếu nước trên các lưu vực sông là nguyên nhân tăng mạnh của các hàm lượng dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh. Nói chung, sông Sài Gòn đoạn chảy qua nội thành có chất lượng nước thuộc loại B2 theo QCVN 08:2008/BTNMT. Song các thành phần ô nhiễm kim loại nặng, tổng dầu mỡ đều chưa vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 08:2008/BTNMT loại B2.

Từ kết quả quan trắc trên, báo cáo cho rằng, cần thiết phải có các giải pháp quản lý và bảo vệ nguồn cấp nước của sông Sài Gòn và Đồng Nai một cách hợp lý, bao gồm tăng cường giám sát xả thải, nâng cao tiêu chuẩn xả thải vào nguồn cấp nước; quy hoạch sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với khu vực tác động đến nguồn cấp nước; có các khung pháp lý, cơ chế kiểm soát, biện pháp xử phạt và chế tài thật nghiêm khắc với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Kết quả từ 15 vị trí quan trắc chất lượng nước kênh rạch nội thành và 15 trạm quan trắc nước ngầm TP.HCM cho thấy một điều đáng ngại là phần lớn nguồn nước bị ô nhiễm vi sinh vật, hàm lượng vi khuẩn Coliform cao, 100% giá trị mẫu phân tích vượt quy chuẩn cho phép QCVN 08:2008/BTNMT loại B2.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới