Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Môi trường TPHCM tiếp tục suy thoái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Môi trường TPHCM tiếp tục suy thoái

Rác, nước thải chưa qua xử lý đang từng ngày hủy hoại cuộc sống của con người – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Chúng ta đang sử dụng nguồn tài nguyên từ môi trường để làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất, sau đó chất thải của nền kinh tế quay ngược trở lại gây ô nhiễm môi trường sinh thái.

“Thời gian gần đây, mặc dù nhà nước không ngừng tăng ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, xét về mặt tổng thể, chất lượng môi trường nói chung không những chưa được cải thiện mà còn tiếp tục suy thoái”. Ông Nguyễn Đinh Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM đã đặt vấn đề như trên tại buổi hội thảo về quản lý môi trường trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 20-8.

Ô nhiễm môi trường sẽ cải thiện sau 30 năm?

Dưa vào số liệu quan trắc các chỉ số về ô nhiễm môi trường và tốc độ phát triển kinh tế tại thành phố những năm gần đây cho thấy, bên cạnh sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của thành phố là hàng loạt những tác động bất lợi đến môi trường mà thành phố đang phải gánh chịu và luôn trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.

Ông Tuấn dẫn một kết quả nghiên cứu mới đây tại nhiều thành phố lớn trên thế giới để chứng minh rằng: sự phục hồi của chất lượng môi trường có xảy ra hay không, nhanh hay chậm tùy thuộc vào việc các nhà làm chính sách có đưa ra quyết sách đúng đắn về bảo vệ môi trường hay không.

Ngoài ra, các nhà làm chính sách cần chú ý đến ngưỡng phục hồi của môi trường sinh thái. Nếu tập trung phát triển kinh tế mà để ô nhiễm môi trường vượt ngưỡng phục hồi. Khi đó, chẳng những môi trường không thể phục hồi lại được, mà tác động tiêu cực trở lại sự phát triển kinh tế là rất lớn.

Theo ông Tuấn, các thành phố có mức thu nhập đầu người dưới 1.000 đô la Mỹ/năm thường có mức ô nhiễm rất cao và cơ hội cải thiện chất lượng môi trường là rất thấp.

Các thành phố nằm trong mức thu nhập đầu người từ 3.000 – 10.000 đô la Mỹ/năm đều có những cải thiện môi trường đáng kể, tiêu biểu như như BangKok của Thái Lan hay Seoul ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, các thành phố thuộc nhóm nước phát triển có mức thu nhập trên 10.000 đô la Mỹ/năm đều đã đạt được chất lượng không khí rất tốt như Luân Đôn ở Anh hay Los Angeles của Mỹ, nồng độ chất ô nhiễm không khí đều đã đạt tiêu chuẩn Tổ chức y tế thế giới (WHO).

Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, ngưỡng thu nhập đầu người là rất cao khi chất lượng môi trường bắt đầu được cải thiện, dao động từ 3.000 đến 15.000 đô la Mỹ. Nhiều nước phát triển phải mất 30 năm mới đạt được ngưỡng chuyển đổi này, tức mức độ suy thoái môi trường bắt đầu có dấu hiệu giảm dần.

“Hiện nay, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2008 mới chỉ đạt 960 đô la Mỹ/năm. Ngay cả TPHCM có tốc độ phát triển kinh tế cao cũng chỉ phấn đấu đạt mức 2.500 đô la Mỹ vào cuối năm nay. Như vậy, chúng ta còn cách quá xa ngưỡng chuyển đổi để có thể chứng kiến sự phục hồi của chất lượng môi trường”, ông Tuấn lập luận.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng mặc dù ô nhiễm tăng dần là điều không tránh khỏi trong giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế xu hướng giảm thiểu ô nhiễm vẫn có thể xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình đến thu nhập thấp do họ tận dụng tốt cơ hội của người đi sau. Cụ thể, đi sau là học tập kinh nghiệm của các nước đi trước để rút ngắn thời gian trước khi mức độ ô nhiễm chạm ngưỡng phục hồi.

Môi trường không cải thiện từ bàn họp 

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Anh Tuấn, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM rằng trước thực trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động mà các ngành chức năng cứ tổ chức quá nhiều hội thảo quanh đi quẩn lại chỉ để tìm giải pháp. “Theo tôi, chúng ta đừng “hội thảo” nữa mà hãy bắt tay “hội chẩn” cho căn bệnh ô nhiễm môi trường ngay từ bây giờ trước khi quá muộn”, ông Tuấn nói.

Ý thức con người về bảo vệ môi trường nhiều năm qua còn quá thấp khiến môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng – Ảnh: Văn Nam

Ông Tuấn nhớ lại hồi năm 1992, khi ông còn làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thành phố, danh sách đen những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khu vực nội thành khi đó mới có 100 doanh nghiệp, nay thì con số này đã lên đến hàng ngàn doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, trong lúc ý thức người dân và chủ doanh nghiệp về bảo vệ, gìn giữ môi trường còn quá thấp thì công tác quản lý nhà nước về ô nhiễm môi trường còn quá lỏng lẻo, xử lý nương nhẹ. Bên cạnh đó, các chương trình bảo vệ môi trường làm không đến nơi đến chốn.

Đồng tình với quan điểm trên, một cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên môi trường quận 6, TPHCM lại cho rằng, quận 6 có hệ thống kênh rạch dày đặc, nhưng thành phố chưa giữ gìn, bảo tồn những gì thiên nhiên đã ban tặng để làm đẹp cảnh quan thiên nhiên. Hiện tại, cứ kênh nào nhiều rác, ô nhiễm đến độ … quản lý không nổi thì các ngành chức năng lại tiến hành san lấp, làm cống hộp cho xong!       

“Cách đây vài năm, thành phố đề ra chủ trương lấy quận 6 làm thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn với kinh phí vài trăm triệu đồng, thế nhưng hiệu quả mang lại chỉ đạt không quá 20%. Người dân tốn công phân loại cả ngày, chiều đến người thu gom rác đổ gộp chung rác lại thì phân loại để làm gì?”, vị cán bộ này nói.

Vào năm 1991, khi thành phố bắt đầu quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, nhiều nhà khoa học đã đặt vấn đề các chủ đầu tư phải xây hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi các nhà máy hoạt động.

Thế nhưng cho đến nay, trong khi 15 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố đã hoạt động với hơn 1.000 doanh nghiệp mỗi ngày thải hàng chục ngàn mét khối nước thải ra môi trường, thì thành phố vẫn “lẽo đẽo” theo từng chủ đầu tư yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Chưa kể, nếu số liệu thống kê của các ngành chức năng chính xác thì tính đến ngày 30-7-2008, vẫn còn 222 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đấu nối để xả thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, và đến ngày 15-9 tới, bảy khu công nghiệp còn lại mới hoàn tất hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố, từ đầu tháng 10-2008 đến cuối tháng 3-2009, thành phố sẽ triển khai đợt tổng kiểm tra, rà soát lại tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Qua đó, sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ môi trường.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới