Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Moody’s: giá dầu giảm không tác động lớn đến kiều hối của VN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Moody’s: giá dầu giảm không tác động lớn đến kiều hối của VN

T.Thu

Moody’s: giá dầu giảm không tác động lớn đến kiều hối của VN
Kiều hối vào Việt Nam tăng trưởng chậm trong năm 2015. Ảnh minh họa: TL TBKTSG

(TBKTSG Online) – Sự sụt giảm kéo dài của giá dầu cùng với việc thắt chặt tài khóa tại nhiều nước xuất khẩu dầu sẽ làm giảm lượng kiều hối chảy về các nước châu Á, nhưng ảnh hưởng không lớn đến kiều hối của Việt Nam vốn chủ yếu đến từ Mỹ, theo một báo cáo của Moody’s được công bố hôm nay 13-4.

Cụ thể, theo báo cáo này, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đang chiếm hơn 40% tổng lượng kiều hối toàn cầu, và là khu vực có lợi nhất trên thế giới từ kiều hối. Tuy nhiên, phần lớn lượng kiều hối này lại đến từ các nước sản xuất dầu thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) vốn đang chịu thiệt hại do giá dầu liên tiếp giảm. Việc này đã làm giảm kiều hối của một số nước châu Á.

Bản báo cáo này phân tích 6 nước phụ thuộc nhiều vào kiều hối là Bangladesh (Ba3, ổn định), India (Baa3, khả quan), Pakistan (B3, ổn định), the Philippines (Baa2 ổn định), Sri Lanka (B1 ổn định) và Việt Nam (B1 ổn định). Đối với 6 nền kinh tế này, kiều hối chiếm khoảng 3-10% GDP, và tương đương khoảng 22% đến 188% dự trữ ngoại hối.

Theo báo cáo, những đợt giá dầu giảm trước đây có tác động rất ít và ngắn hạn lên kiều hối của các nước châu Á. Tuy nhiên, lần này, sự sụt giảm mạnh và kéo dài của giá dầu cùng với việc thắt chặt tài khóa ở nhiều nước xuất khẩu dầu có thể ảnh hưởng xấu đến thu nhập của những người lao động nhập cư, từ đó tác động đến dòng kiều hối.

Riêng đối với Philippines và Việt Nam, nguồn kiều hối của hai nước này khá đa dạng, đến từ nhiều nước khác nhau, do đó mức giảm kiều hối (từ lao động đang làm việc tại các nước GCC – PV) có thể cũng sẽ nhẹ hơn.

Vùng GCC là nguồn kiều hối cơ bản cho Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, và Sri Lanka. Trong khi đó, Philippines nhận kiều hối từ GCC và Mỹ với tỷ lệ gần bằng nhau, lần lượt là 31,7% và 34%. Không giống như những nước này, Việt Nam nhận kiều hối chủ yếu từ Mỹ (57% kiều hối của Việt Nam được gửi về từ Mỹ). Với hai nước này, kiều hối từ Mỹ có thể giúp giảm bớt phần nào sự sụt giảm kiều hối từ GCC, nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi.

Lượng kiều hối hàng năm vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đạt 250,2 tỉ đô la Mỹ tính đến cuối năm 2015, báo cáo trích dẫn một ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết. Theo đó, trong 10 năm qua, tỷ lệ kiều hối của khu vực này so với toàn cầu đã tăng thêm hơn 10 điểm phần trăm, nhờ lượng lao động xuất khẩu ngày càng nhiều, cũng như việc giảm phí chuyển ngoại hối.

Tuy nhiên, trong năm 2016, WB dự báo mức tăng trưởng kiều hối của khu vực này sẽ giảm nhẹ xuống dưới mức tăng trưởng trung bình toàn cầu, chủ yếu do giá dầu giảm. Kiều hối ít đi sẽ ngay lập tức tác động đến đánh giá tín dụng của các nước nhận kiều hối thông qua tình hình cán cân thanh toán.

Theo báo cáo của Moody’s, 6 nước kể trên hầu hết đều có mức thu nhập bình quân trên đầu người thấp và lao động xuất khẩu chủ yếu không có kỹ năng hoặc kỹ năng không cao. Mức tăng trưởng kiều hối vào 6 nước này đã chậm lại đáng kể, từ mức tăng trưởng hai con số vào năm 2014, xuống còn một con số vào năm 2015, thậm chí giảm đối với Ấn Độ và Sri Lanka.

Theo báo cáo của Moody’s, kiều hối vào Việt Nam trong năm 2011 tăng 10% so với năm trước đó và giảm vào năm 2012, nhưng tăng 15% trong năm 2013, sau đó xuống dưới 10% trong năm 2014 và chỉ còn tăng 2% trong năm 2015.

Xem thêm:

WB: Kiều hối năm 2015 đạt 12,25 tỉ đô la Mỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới