Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Moody’s nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Moody’s nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga

Phúc Minh

Moody's nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga
Đồng rúp Nga tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's ngày 28-5 dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 của Nga chỉ giảm 3% – thay vì giảm 5,5% theo dự báo trước đó, và sẽ tăng trưởng 0% trong năm 2016 – thay vì giảm 3% như dự báo trước đó.

Các chuyên gia của Moody's nhận định sau khi trải qua quí 4-2014 đầy khó khăn, kể từ cuối tháng 1-2015, thị trường tài chính Nga đã ổn định trở lại, tình trạng suy thoái không kéo dài và trầm trọng như đánh giá trước đó.

Moody's cho rằng tình hình kinh tế Nga được cải thiện chủ yếu nhờ Ngân hàng trung ương Nga giảm lãi suất cơ bản và sự hồi phục của thị trường dầu mỏ thế giới.

Moody's dự báo giá trung bình của dầu thô Brent sẽ ở mức 55 đô la Mỹ/thùng trong năm 2015 vào 65 đô la Mỹ/thùng vào năm 2016.

Theo dự báo của Moody's, lạm phát của Nga sẽ đạt 12% trong tháng 12-2015 (so với cùng kỳ năm trước đó) và còn 8,5% trong năm 2016.

Cùng ngày, hãng tin Bloomberg cho biết Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định mua vào khoảng 200 triệu đô la Mỹ/ngày nhằm lấp đầy kho dự trữ ngoại tệ của nước này để giúp kìm hãm đà tăng giá của đồng rúp.

Đồng rúp tăng giá mạnh cũng đem lại những hiệu ứng trái ngược. Lạm phát được kiềm chế nhưng hàng hóa xuất khẩu của Nga trở nên đắt đỏ hơn và các nhà sản xuất nội địa phải cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa nhập khẩu nước ngoài. Đây là điều không có lợi cho Nga, đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng nhất trong 5 năm qua do chi tiêu quân sự và dầu thô mất giá.

Nhà phân tích Gunter Deuber tại Raiffeisen Bank International AG nói: “Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định kiềm chế đà tăng giá đồng rúp. Dù khối lượng chưa đủ để xoay chuyển hoàn toàn giá trị đồng rúp trên thị trường tiền tệ nhưng phát đi tín hiệu mạnh mẽ với các thị trường rằng Nga đã thấy đồng rúp tăng giá đủ mạnh trong thời gian qua”.

Sau khi sụt giảm 2,2% trong quí 1-2015 (so với cùng kỳ năm ngoái), nền kinh tế Nga có dấu hiệu phục hồi và thoát đáy.

Hiện, EU đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga nếu các bên tuân thủ thỏa thuận Minsk đạt được trong tháng 2-2015 liên quan đến việc ngừng bắn tại Ukraine.

Chủ đề Hy Lạp bao trùm ngày đầu tiên Hội nghị bộ trưởng G7

Chiều ngày 28-5, Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã có các phiên họp chính thức tại thành phố Dresden (Đức) với một trong các nội dung quan trọng là vấn đề nợ của Hy Lạp.

Tại các cuộc trao đổi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew hối thúc các bên liên quan sớm thống nhất hướng xử lý cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp nhằm góp phần vào sự ổn định chung của nền kinh tế thế giới.

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde đánh giá bộ ba chủ nợ quốc tế gồm IMF, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Hy Lạp đã tiến rất gần tới giải pháp cuối cùng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng nợ của HY Lạp nhưng cho rằng Hy Lạp cần chứng tỏ quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Tại các cuộc thảo luận trong ngày đầu tiên, lãnh đạo ECB và EC tiếp tục yêu cầu Hy Lạp thực hiện ngay những cải cách quyết liệt nếu muốn nhận khoản cứu trợ bổ sung, điều mà chính phủ cánh tả của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras  vẫn kiên quyết từ chối.

Ngoài ra, trong ngày họp đầu tiên, lãnh đạo ngành tài chính G7 cũng thảo luận việc xây dựng bộ quy chuẩn đối phó với nạn chuyển giá và trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, thống nhất kể hoạch góp vốn hỗ trợ tài chính cho chính quyền Ukraine và những biện pháp ngăn chặn dòng tiền tài trợ cho các tổ chức khủng bố quốc tế.

Về tình hình kinh tế thế giới, lãnh đạo tài chính G7 cho rằng nền kinh tế toàn cầu cần sớm hướng tới sự tăng trưởng bền vững. Nước chủ nhà Đức đưa ra hai khuyến nghị là: nhiều nước trên thế giới cần nhanh chóng cắt giảm nợ công và từng bước hạn chế chính sách nới lỏng tiền tệ, song song đó cần tiến hành cải cách kinh tế. Đức cũng đề xuất đưa ra mức trần đối với các ngân hàng trong thu mua trái phiếu chính phủ, cũng như cần tiếp tục tăng cường kiểm soát hệ thống ngân hàng quốc tế.

Giới quan sát đang chờ đợi tuyên bố chung của G7 khi hội nghị kết thúc vào ngày 30-5 với những quyết sách mới giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới