Một bước ngoặt quản lý nợ công
Ngọc Lan
![]() |
Việc bảo lãnh cho vay, vay về cho vay lại có quá nhiều rủi ro trả nợ thay khiến ngân sách nhà nước không thể kham được mãi. Ảnh: THÀNH HOA |
(TBKTSG) – Nếu Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 23-11 với những nội dung như trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc quản lý nợ công sẽ có bước ngoặt tiến bộ đáng kể, như chuyện từ nay không phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trên thị trường vốn quốc tế hay vay thương mại nước ngoài để cho vay lại.
Siết chặt để tránh rủi ro
Nhiều người chưa quên được cơn khủng hoảng bắt đầu từ năm 2014 khi khoản TPCP 1 tỉ đô la Mỹ phát hành trên thị trường vốn quốc tế từ năm 2005 chuẩn bị đến hạn và Vinashin – bên được cho vay lại khoản tiền này – ở trên bờ vực phá sản, khiến Chính phủ phải sắp xếp đứng ra trả thay. Tiếp đó, Chính phủ phải bảo lãnh cho Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế đảo nợ khoản vay tới 600 triệu đô la Mỹ đến hạn cũng không trả được. Trong khi đó, một khoản TPCP khác nữa, trị giá 750 triệu đô la Mỹ, được vay về để cho bốn tập đoàn kinh tế nhà nước vay lại cũng không hiệu quả. Việc bảo lãnh cho vay, vay về cho vay lại có quá nhiều rủi ro trả nợ thay khiến ngân sách nhà nước không thể kham được mãi và phải dừng cấp mới bảo lãnh Chính phủ từ năm 2017.
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, xuất phát từ tình hình thực tế không mấy sáng sủa của cung cách quản lý nợ công dễ dãi trong suốt cả thập kỷ qua.
Thứ nhất là Chính phủ chỉ cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài mà không phát hành TPCP trên thị trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại. Từ nay, Chính phủ chỉ bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường vốn trong nước. Đồng thời, sẽ thu hẹp đối tượng được vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (loại các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế) .
Thứ hai, Chính phủ (chứ không phải Thủ tướng Chính phủ) có thẩm quyền quyết định hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm. Trước đây, nếu hạn mức bảo lãnh chính phủ được phê duyệt trong năm đã được cấp hết mà vẫn có đề nghị cấp cho một số dự án trọng điểm, ngoài kế hoạch thì Thủ tướng có quyền điều chỉnh hạn mức bảo lãnh năm đó trên cơ sở đảm bảo an toàn nợ quốc gia. Nay, việc bảo lãnh cho vay được cân đối theo từng năm trên cơ sở xem xét tỉ mỉ từng dự án chứ không phải là quyết định của cá nhân Thủ tướng và mang tính đột xuất.
Với các quy định mang tính giám sát “hai lớp”, trách nhiệm về cho vay lại và cấp bảo lãnh Chính phủ ràng buộc cả Quốc hội chứ không riêng gì Chính phủ. |
Các điều kiện để được cấp bảo lãnh Chính phủ cũng bị siết chặt. Chính phủ sẽ chỉ bảo lãnh đối với các dự án mà mức bảo lãnh không quá 70% tổng mức đầu tư được phê duyệt (trước đây bảo lãnh 80% tổng mức đầu tư dự án). Cụ thể, chỉ những dự án được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh mới được như trên. Các dự án được Thủ tướng phê duyệt thì mức bảo lãnh tối đa chỉ 60%. Mức phí bảo lãnh mới sẽ là 2%/năm (thay vì 0,5% như trước) trên khoản vay nhằm gia tăng độ khó của việc xin cấp bảo lãnh.
Đề phòng “vỡ” Quỹ tích lũy trả nợ
Quỹ tích lũy trả nợ do Bộ Tài chính quản lý là một trong những tấm gương soi chiếu tình hình trả nợ và bảo lãnh vay nợ của ngân sách vì các khoản thu hồi nợ được hay không đều phản ánh qua đây. Theo quy định hiện hành, trong trường hợp phát sinh nhu cầu trả thay các khoản được Chính phủ bảo lãnh quá lớn, vượt quá khả năng cân đối quỹ, thì ngân sách tạm ứng trả thay và quỹ sẽ có trách nhiệm hoàn lại cho ngân sách ngay khi đủ nguồn.
Thực tế thời gian qua cho thấy tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn từ các khoản vay nước ngoài về cho vay lại có xu hướng tăng, trong đó chủ yếu phát sinh từ các khoản vay Chính phủ chịu rủi ro tín dụng. Dù Chính phủ yêu cầu tăng dần vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài (hướng đến tỷ lệ vay nước ngoài 30%) nhưng đến hết năm 2016, dư nợ các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh vẫn chiếm tới 55% tổng dư nợ bảo lãnh của Chính phủ. Trong khi đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ) đã đến 20,6% tổng thu ngân sách. Đây là một tỷ lệ là khá cao, gây áp lực lên bố trí nguồn trả nợ, theo Báo cáo về tình hình nợ công năm 2016 của Chính phủ gửi Quốc hội.
Do đó, Chính phủ đã phải áp dụng các biện pháp cơ cấu tài chính, gia hạn nợ, khoanh nợ, chuyển sang đầu tư nhà nước hoặc ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả thay cho các dự án. Trường hợp cơ cấu tài chính lại 12 dự án ngàn tỉ thua lỗ hay chuyển khoản phát hành TPCP trong nước của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) sang khoản đầu tư nhà nước là những ví dụ cụ thể.
Nay Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ không cho phép Chính phủ toàn quyền quyết định và xử lý các trường hợp trả nợ thay thông qua Quỹ Tích lũy trả nợ nữa. Luật bổ sung quy định nếu Quỹ Tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của luật thì Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân quỹ không đủ nguồn để trả và phương án xử lý, trình Quốc hội quyết định bố trí nguồn để chi trả.
Với các quy định mang tính giám sát “hai lớp” (chỉ cấp bảo lãnh cho các dự án trong tổng hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm năm đã được Quốc hội quyết định và việc xử lý nợ xấu tại Quỹ Tích lũy trả nợ phải thông qua Quốc hội), trách nhiệm về cho vay lại và cấp bảo lãnh Chính phủ ràng buộc cả Quốc hội chứ không riêng gì Chính phủ. Vấn đề là làm sao thật sự siết chặt được “đầu vào” cho vay lại và bảo lãnh, tránh tình trạng như Quốc hội quyết chỉ tiêu bội chi ngân sách từ năm trước nhưng năm nào Chính phủ cũng vượt hạn mức rồi cuối cùng vẫn được quyết toán, cho qua.