Một cháu bé tử vong nghi do cúm gia cầm
![]() |
Giết mổ gia cầm tập trung bằng dây chuyền hiện đại, đảm bào an toàn thực phẩm là một biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Trong ảnh là cảnh giết mổ gia cầm tại một nhà máy của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn -Ảnh: HỒNG VĂN |
(TBKTSG Online)- Cháu bé 4 tuổi ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng viêm phổi nặng và đã tử vong với các triệu chứng nghi nhiễm cúm gia cầm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 25-12, Bộ Y tế cho biết, cháu bé nói trên đã được điều trị nhưng đã tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội. Điều tra dịch tễ cho thấy cháu có ăn thịt gà nhưng chưa rõ có phải gà bệnh hay không. Bệnh phẩm của cháu đang được xét nghiệm để tìm virus cúm H5N1.
Hơn nửa năm qua, Việt Nam không phát hiện thêm bệnh nhân H5N1 mới. Ca nhiễm H5N1 gần đây nhất là một bệnh nhân nam, 29 tuổi ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, nhập viện vào 15-5 năm nay và xét nghiệm dương tính với H5N1 nhưng đã được chữa khỏi. Ngoài ra, 17 tháng trước khi bệnh nhân này nhập viện, Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào nhiễm H5N1.
Đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo về loại virus H7N3 có độc lực cao đã xuất hiện trên thế giới và khả năng lây từ người sang người, đã gây tử vong cho một bác sĩ thú y ở Hà Lan. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, loại virus này chưa được phát hiện ở Việt Nam, và độc lực của nó yếu hơn rất nhiều so với virus H5N1. Mặt khác, Bộ Y tế cũng chưa từng nhận được khuyến cáo nào của Tổ chức Y tế Thế giới về việc H7N3 có thể lây từ người sang người.
Tính tới ngày 26-12, cả nước đã khống chế được dịch cúm gia cầm và hiện 63 trong 64 tỉnh, thành trong cả nước đang triển khai tiêm phòng vaccine phòng chống H5N1 cho gia cầm mũi thứ 2 năm 2007 với tổng số gia cầm đã được tiêm là 147 triệu con, trong đó có 83 triệu con gà, còn lại là vịt. Theo quy định, tiêm phòng cúm gia cầm mỗi năm 2 mũi.
Các năm trước, dịch cúm gia cầm thường tái xuất hiện vào tháng 11, tháng 12 hàng năm do khí hậu mát mẻ, virus dễ phát tán trong môi trường không khí.
HỒNG VĂN