Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một diện mạo khác của du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một diện mạo khác của du lịch

Tấn Lộc

Không còn chỗ nào mà con người từng đặt chân đến lại không có bóng dáng của du khách. Trong ảnh là một địa điểm du lịch tại Pêru.

(TBKTSG) – Với doanh số, cả trực tiếp và gián tiếp, lên đến trên 7.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2008, ngành du lịch chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Nhưng chính vì phát triển không kiểm soát được mà du lịch đang đặt ra những vấn đề về mặt xã hội và môi trường ngày càng gay gắt.

Thế giới đang thu nhỏ và du lịch trở thành làn sóng nhấn chìm mọi thứ. Toàn cầu hóa và các hình thức di chuyển rẻ tiền khiến không còn chỗ nào mà con người có thể đặt chân đến lại không có bóng dáng của du khách, cả những nơi trước đây không ai nghĩ ra.

Rất nhiều người trở lại một địa điểm quen thuộc rồi than phiền rằng mọi thứ không còn như xưa, và rất bất bình khi phải chia sẻ với hàng ngàn du khách lăm lăm máy ảnh và hỏi đủ thứ bằng nhiều ngôn ngữ mà người dân bản xứ chẳng hiểu được. Hiện tượng đang trở nên phổ biến này phản ảnh một vấn đề khác: những nơi mà chúng ta yêu thích đang biến mất với nhịp độ nhanh hơn.

Du lịch đe dọa hành tinh

Ngày nay, du lịch không chỉ là một ngành quan trọng, mà còn là mối đe dọa đối với hành tinh. Nó làm ô nhiễm mặt đất và đại dương, tàn phá cuộc sống hoang dã, làm cạn kiệt các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Tại Campuchia chẳng hạn, theo số liệu của Washington Post, khu đền Angkor mỗi năm thu hút khoảng 856.000 du khách, gấp 10 lần dân số của thành phố Siem Reap cạnh đó. Đất nền của khu đền nổi tiếng này có nguy cơ bị sụp vì túi nước ngầm đang bị khô cạn do du khách tiêu thụ quá nhiều nước.

Tình trạng xuống cấp của những địa điểm du lịch, cùng với những bất bình đẳng xã hội mà nó gây ra, có phần “đóng góp” của giới truyền thông. Người ta ca ngợi nó hết lời, hiếm có ai nghiên cứu những tác động của du lịch đại chúng.

Bà Nancy Newhouse, cựu biên tập viên du lịch của tờ New York Times, từng nói: “Chúng ta (tức các nhà báo) chỉ thông tin 10 địa điểm du lịch tốt nhất chứ chẳng hề viết về 10 địa điểm tệ nhất”. Vì vậy, thật khó để nhiều người hình dung ra rằng du lịch có thể là mối đe dọa trên thế giới.

Trong nhiều thế kỷ, từ khi xuất hiện những du khách đầu tiên đi theo kiểu hành hương, du lịch đồng nghĩa với thám hiểm, khám phá và thoát khỏi những áp lực cuộc sống thường nhật. Nhưng phải đến cuối thế kỷ 20, du lịch mới có tên trong danh sách những ngành góp phần tạo nên GDP của Mỹ, với phần đóng góp rất đáng nể: 1.200 tỉ trong tổng số 13.000 tỉ đô la của cả nền kinh tế Mỹ.

Du lịch trở thành công nghiệp “ẩn mình” của thời toàn cầu hóa. Theo Liên hiệp quốc, năm 1960, vào thời điểm bắt đầu kỷ nguyên hiện đại của vận chuyển hàng không, thị trường du lịch thế giới chỉ đạt doanh số 25 triệu đô la. Năm 1970, con số này tăng lên 165 triệu. Và năm ngoái, 898 triệu người đi du lịch trên khắp thế giới giúp tạo ra trên 7.000 tỉ đô la doanh số (con số này không tính đến thu nhập phát sinh từ những người chỉ đi du lịch nội địa).

Cách đây sáu năm, Liên hiệp quốc đã lập ra Tổ chức Du lịch thế giới để theo dõi sự phát triển của ngành này và tìm ra các biện pháp để các nước nghèo có thể tận dụng sự phát triển của du lịch mà không gây tổn hại cho chính mình. “Du lịch chắc chắn là lĩnh vực công nghiệp có mức độ tập trung cao nhất thế giới”, Phó tổng thư ký Geoffrey Lipman của tổ chức này nói. Theo ông, du lịch phải hiện diện trong mọi cuộc tranh luận quốc tế về xóa nghèo và bảo vệ môi trường. Nếu được quản lý tốt bằng cách tôn trọng môi trường và văn hóa của các quốc gia và cung cấp việc làm cho người dân và thị trường cho sản phẩm địa phương, du lịch có thể là phương thức tốt nhất để một nước nghèo kiếm được ngoại tệ.

Hai mặt sáng-tối

Trong thực tế, có rất nhiều ứng dụng thành công triết lý này. British National Trust, một tổ chức phi vụ lợi, đề nghị cho thuê các căn nhà nhỏ được cải tạo và sử dụng tiền thu được để mua đất đai và bất động sản khác cần bảo tồn. Ở châu Phi, Namibia đang tiến hành kiểu “du lịch hướng đến cộng đồng địa phương” trên 10 triệu héc ta khu bảo tồn tự nhiên. Một phần lớn vùng đất này mở ra cho du lịch – săn bắn, chụp ảnh safari, xem chim chóc và vượt thác – giúp người dân địa phương có công ăn việc làm và giảm đáng kể nạn săn trộm.

Nhưng các công ty du lịch đa số chọn hướng ngược lại. Theo một nghiên cứu mới đây, du lịch chịu 5% trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm trên thế giới. Du lịch tàu biển là một trong những thủ phạm chính. Các khách sạn nổi này gây ô nhiễm tính theo tỷ lệ hành khách/ki lô mét cao gấp ba lần máy bay. Theo Liên hiệp quốc, vùng biển Caribê đang bị bẩn do hứng chịu phân nửa lượng chất thải được thải ra trên các đại dương. Ngày nay, những du thuyền này đã chạy tới những vùng biển đã bị đe dọa của vùng cực. Năm ngoái, Na Uy đã cấm những chiếc tàu này vào vùng biển thuộc Bắc cực của mình.

Quá trình xâm thực các bãi biển đang diễn ra ngày càng mạnh. Sau cơn sóng thần tàn phá vùng Nam Á năm 2004, các ngư dân được khuyến cáo rời các bãi biển, nhường chỗ cho các hệ thống khách sạn cao cấp. Tại các quốc gia nghèo nhất, do không có quy định về quy hoạch du lịch nên các nguồn tài nguyên còm cõi, đặc biệt là nước, đang gặp rủi ro cao. Những du khách hạng sang dùng nước phục vụ vệ sinh cá nhân chỉ trong một ngày bằng cả lượng nước nhiều gia đình địa phương tiêu thụ trong một tháng.

Những điểm đến du lịch nổi tiếng có thể biến thành những thành phố ma. Mùa xuân năm 2008, cư dân ở Venise đã đình công để phản đối việc cấp thêm giấy phép mở khách sạn. Đời sống ở thành phố kênh đào này đắt đỏ đến mức nhiều người phải ra đi và dân số thường xuyên giảm còn phân nửa. Theo một báo cáo về đời sống nông thôn công bố vào mùa hè 2008, Chính phủ Anh đã cảnh báo việc mua ồ ạt nhà nghỉ ở đồng quê của dân giàu có ở nơi khác vì điều đó khiến cho dân làng không có đủ phương tiện để sống tại nơi của mình. Nhưng trong số những tai họa mà du lịch đại chúng mang đến, ghê tởm nhất có lẽ là du lịch tình dục đã không còn ẩn nấp như trước đây. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, du lịch tình dục chiếm từ 2-14% GDP của các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Thời khủng hoảng, không đi chơi xa

Người Mỹ, người châu Âu và Nhật là ba nhóm người đi du lịch nhiều nhất trên thế giới và cũng bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khi lâm vào cảnh thất nghiệp và không đảm bảo tương lai, người ta buộc phải xem lại kế hoạch đi chơi xa, hoặc bằng lòng với những chuyến du lịch nội địa. Một nghiên cứu mới đây của World Travel Monitor tiến hành tại 58 quốc gia cho biết khi lựa chọn đi du lịch gần nhà, du khách Trung Quốc đã giúp hoạt động vận chuyển ở châu Á tăng 10% trong một năm.

Tại châu Âu, gần 40% số người dân đã thay đổi kế hoạch du lịch do khủng hoảng kinh tế. Cơ quan du lịch Anh, Visit Britain, ước tính có gần 5 triệu người Anh sẽ không đi ra khỏi biên giới trong năm 2009. “Đây là hiện tượng toàn cầu”, Giáo sư Dimitrios Diamantis thuộc Đại học Hallam ở Sheffield nói. “Chúng ta từng chứng kiến du lịch sụt giảm sau sự kiện 11-9-2001, dịch cúm gia cầm và những vụ khủng bố ở Bali hoặc Luxor, nhưng chưa hề đạt đến tầm mức như hiện nay”.

Để khuyến khích công dân của mình không đi du lịch trong năm nay, nhiều nước lao vào một cuộc chiến thương mại kiểu mới, tăng cường các chiến dịch quảng cáo. Visit Britain bỏ ra hàng triệu bảng Anh để kêu gọi người dân du lịch trong nước. Úc giảm trừ 900 đô la tiền thuế cho bất cứ công dân nào đi du lịch tại chỗ. Những điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới bắt đầu cảm nhận hệ quả của khủng hoảng, khi người dân được khuyến khích chi tiêu trong nước thay vì đi bơm tiền cho các nền kinh tế khác.

(Tổng hợp)

Du lịch sinh thái cũng có mặt trái

Cách đây hơn 15 năm, những người đấu tranh bảo vệ môi trường bị quyến rũ bởi du lịch sinh thái với những hứa hẹn tạo việc làm cho các nước đang phát triển và tôn trọng thiên nhiên.

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch sinh thái (TIES), lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 20 – 34% kể từ 1990.

Nhưng thành công nào cũng có mặt trái của nó. Tại một số vùng, du khách yêu thiên nhiên ồ ạt kéo đến làm hệ sinh thái xuống cấp ngày càng nhanh hơn thay vì phải bảo vệ nó. Họ dẫm đạp mặt đất, gây ô nhiễm và ngấu nghiến những tài nguyên hiếm hoi của môi trường sống mong manh này. Hiện tượng trên gây lo ngại vì “các hoạt động du lịch phát triển xung quanh những khu bảo tồn thiên nhiên cuối cùng của hành tinh”, theo cảnh báo của Chương trình Liên hiệp quốc vì môi trường (PNUE).

Quần đảo Galapagos đang là nạn nhân của chính sự thành công.

Quần đảo Galapagos, điểm đến hàng đầu của du khách sinh thái, là nạn nhân của chính sự thành công này. Năm 2007, quần đảo nằm ở ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ nổi tiếng nhờ những công trình nghiên cứu của Darwin được Unesco xếp hạng di sản thế giới, bắt đầu gặp nguy hiểm. Lượng tàu qua lại ngày càng tăng giữa 19 hòn đảo là nguyên nhân làm xuất hiện những loài xâm lăng có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái này. Sự phát triển của du lịch tàu biển ở các vùng cực cũng là một nỗi lo tương tự. Theo TIES, du lịch sinh thái là “một hình thức du lịch có trách nhiệm nhằm bảo vệ môi trường đồng thời cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng địa phương”. Điều đó có nghĩa là phải hạn chế số lượng du khách.

T.L  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới