Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một doanh nghiệp Việt Nam xây hai nhà máy tại Cuba

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một doanh nghiệp Việt Nam xây hai nhà máy tại Cuba

Hồng Phúc

Một doanh nghiệp Việt Nam xây hai nhà máy tại Cuba
Tổng lãnh sự Cuba tại TPHCM, ông Bernabe Garcia Valido chia sẻ với các doanh nghiệp về thị trường Cuba ngày 24-4 tại TPHCM. (Ảnh: Đức Nam)

(TBKTSG Online) – Một doanh nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng hai nhà máy sản xuất bột giặt và tã giấy với tổng vốn đầu tư 23 triệu đô la Mỹ tại Cuba, trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tư vào nước này nhằm đón đầu những cơ hội mới sẽ đến một khi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba.

Thông tin này được ông Trần Thanh Tú, chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thái Bình, công bố tại hội nghị nhà cung ứng của công ty hôm 24-4 tại TP.HCM. Thái Bình là công ty Việt Nam xuất khẩu lớn nhất và lâu đời nhất vào thị trường Cuba từ hơn 20 năm qua. Thái Bình cũng là công ty Việt Nam duy nhất trong lĩnh vực xuất khẩu có văn phòng đại diện tại Cuba.

Ông Tú cho biết, tại châu Mỹ Latinh, văn phòng đại diện giao dịch thương mại Thái Bình đã và đang hoạt động ổn định từ năm 1998, và hiện một nửa nhân viên văn phòng là người bản xứ.

Thái Bình hiện phân phối 12 nhóm ngành hàng vào Cuba và có mặt ở 16 tỉnh thành đất nước này. Ông Tú cho rằng đây là thị trường đầy hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam khi Mỹ chính  thức bình thường hóa quan hệ với Cuba bằng hàng loạt biện pháp tháo dỡ những rào cản thương mại. Người Cuba rất tin dùng hàng Việt Nam và vì thế song song với việc đưa hàng Việt xuất khẩu vào Cuba công ty muốn sản xuất chủ động nguồn cung hàng hóa cho thị trường này.

Hai nhà máy của Thái Bình sẽ được đặt tại Đặc khu kinh tế Mariel cách thủ đô Havana 43 km. Nhà máy bột giặt có công suất 50.000 tấn/năm cung cấp cho thị trường Cuba và xuất khẩu sang các nước thuộc châu Mỹ. Vốn đầu tư cho nhà máy 18 triệu đô la Mỹ, do liên doanh giữa 3 đối tác gồm Thái Bình, Công ty TNHH Vico và Công ty Suchel (công ty Cuba). Nhà máy được xây dựng trên diện tích đất 40.000 m2, dự kiến đi vào hoạt động vào quý 2-2017.

Nhà máy tã lót, băng vệ sinh có vốn đầu tư 5 triệu đô la Mỹ, công suất 120- 180 triệu sản phẩm/năm với chủ đầu tư là Thái Bình và Công ty cổ phần Kywy. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 10.000 m2, dự kiến đi vào hoạt động vào quý 1-2017.

“Khi chúng tôi sản xuất được hàng hóa tại Cuba thì hàng Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn và giá thành giảm đi do được hưởng các ưu đãi thuế quan,” theo bà Nguyễn Thị Kim Thảo, Phó chủ tịch Công ty Thái Bình, cho biết.

“Bên cạnh hai nhà máy trên, công ty còn có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất và xây dựng dự án bất động sản tại Havana với mô hình khu phức hợp gồm nhà ở, khu thương mại và văn phòng cho thuê. Thái Bình cũng đang triển khai việc tham gia thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp tại Cuba và tham gia chuỗi phân phối như cửa hàng tiện ích,” bà Thảo cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị này, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty GIBC, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, cho biết kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Cuba còn khá thấp, chỉ đạt 206 triệu đô la Mỹ năm 2014 và còn nhiều tiềm năng đẩy mạnh. Thị trường Cuba hiện tương tự thị trường Việt Nam cách đây hơn 30 năm và sau khi được mở cửa họ sẽ kêu gọi đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ. Các công ty Việt Nam nên tranh thủ chính sách ưu ái trong quan hệ hai nước dành cho nhau.

Ông cũng cho biết sản phẩm thế mạnh của Cuba là khoáng sản, nông sản và dược phẩm, đường, thuốc lá. Cuba có nhu cầu cao với thiết bị sản xuất công nghiệp và lương thực thực phẩm, thiết bị cơ khí, thiết bị điện, xe cộ, ngũ cốc. Cuba đang mở ra nhiều cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam: chính phủ miễn thuế lợi tức cho nhà đầu tư trong vòng 8-10 năm đầu, miễn giảm thuế sử dụng lao động, miễn thuế thu nhập cá nhân cho đối tác nước ngoài, miễn thuế quan trong khi xây dựng dự án, miễn thuế bán hàng và cung ứng dịch vụ năm đầu tiên…

Đại diện một doanh nghiệp khác cũng xuất khẩu vào thị trường Cuba, ông Phạm Đức Nguyên – Tổng giám đốc công ty cổ phần gạch men Ý Mỹ, cho biết ông “rất ấn tượng với mức tăng doanh số liên tục của sản phẩm gạch men xuất sang Cuba, dự kiến năm 2015 sẽ tăng đến 240%, đạt con số 2.000 container một năm. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu phương án xây dựng nhà máy gạch tại Cuba trong thời gian sắp tới”, ông Nguyên nói.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Tổng lãnh sự Cuba tại TPHCM, ông Bernabe Garcia Valido, cho biết Cuba đang khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, sản xuất, công nghiệp, công nghệ, hàng hóa cơ bản, hạ tầng… để có nguồn thay thế hàng hóa nhập khẩu trong thời gian ngắn nhất.

Đặc khu kinh tế mở Mariel với diện tích 465 km2 kết nối với 32 cảng lớn ở vùng Caribe và châu Mỹ bắt  đầu hoạt động từ 11-2013. Hiện đặc khu cũng đã nhận được sự quan tâm của hơn 300 doanh nghiệp từ 30 nước trong đó có 2 dự án của công ty Thái Bình đang được trình phê duyệt. Ông Valido nói rằng Tổng lãnh sự quán luôn chào đón các doanh nghiệp Việt Nam tới tìm hiểu về cơ hội làm ăn tại Cuba.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới