Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một góc nhìn về quản lý thuế thương mại điện tử

Huỳnh Trung Hiếu (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Quản lý thuế thương mại điện tử (TMĐT) gặp khó khăn từ sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý và chủ thể thương mại nhưng đó không phải tất cả.

Bài toán khó?

Ai cũng biết, kinh doanh thông qua môi trường số, Internet gắn chặt với nền tảng kỹ thuật do cá nhân, tổ chức chủ sở hữu quản lý. Kể cả web bán hàng không có chức năng đặt hàng, giao dịch trực tuyến hay bán hàng qua hệ thống viễn thông thì cũng phải kết nối với hệ thống máy chủ hoặc giao thức thông tin được quản lý bởi các nhà mạng.

Chỉ trừ các hoạt động trao đổi, mua bán, thanh toán diễn ra trực tiếp hoặc kinh doanh bằng uy tín cá nhân, không kết nối với nền tảng kỹ thuật nào, thì cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn trong việc truy tìm chủ thể. Tuy nhiên, chỉ cần một manh mối xuất hiện thì việc xác minh đối tượng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nó kéo theo một tất yếu là yêu cầu quản lý thuế tại nguồn là hết sức thực tế. Không quan sát những phức tạp trong quản lý định danh, nguồn gốc giao dịch trên môi trường số mà lúc nào cũng hiện hữu thì sẽ không thấy được. Môi trường số không phải cơ học, ít ranh giới và sự ràng buộc. Quản lý tốt có thể làm được nhưng cần có điều kiện và thời gian.

Nhiều người cảm thấy sốc khi có những cá nhân thu nhập lên đến hàng trăm tỉ đồng qua Facebook nay mới bị phát hiện. Do bối cảnh số hóa phát triển, những đòi hỏi nhận biết “nhanh, gọn, lẹ” là không có gì quá đáng.

Nói thế thì dễ nhầm tưởng là do quản lý Nhà nước tất cả, nhưng thực ra vẫn là yếu tố công nghệ, một phần tốc độ phát triển quá nhanh, một phần cơ chế chưa đồng bộ để theo kịp tốc độ phát triển đó, rồi không có cơ sở dữ liệu theo dõi đối tượng thông qua các nhà cung cấp dịch vụ (quyền tiếp cận).

Quản lý không theo kịp, đó cũng là một thực tế, nhưng nếu giải thích ra có thể sẽ có không ít lý do khác. Chẳng hạn, khi Bộ Tài chính đề xuất “bổ sung” đối tượng quản lý các sàn TMĐT vào Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hẳn nhiều người không khỏi bất ngờ.

Quản lý thuế thương mại điện tử là ta đang vận hành một hệ thống chưa có tiền lệ, và đích chung là một nền kinh tế số sẽ hoạt động có trật tự như thế nào về nội dung và công nghệ.

Thực ra, tại thời điểm ban hành Luật Quản lý thuế 2019, luật này đã nhắc tới quản lý thuế đối với đối tượng hoạt động TMĐT rồi, đó là khoản 4, điều 42, song trong tờ trình của Bộ Tài chính(1) nói rằng việc sửa đổi, bổ sung khoản 5 điều 7 Nghị định 126 là dựa trên quy định mới về hình thức sàn TMĐT của Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25-9-2021.

Hoạt động quản lý thuế vốn không bị dẫn dắt, lệ thuộc, nhất là trong ban hành chính sách, và tương đối nhạy cảm với các đối tượng thuế luôn thay đổi (công khai hoặc ẩn mình), hơn hết vì nhiệm vụ quản lý và thu thuế là “rất cấp thiết”.

Không có Nghị định số 85, liệu ngành thuế có “dám” bỏ qua những đối tượng cơ bản này không. “Nói sao nghe vậy” không còn thích hợp, nó là kiểu nhận thức thụ động, cần có lý do thuyết phục hơn. Nhìn từ cơ chế phân cấp, phối hợp, lấy ý kiến xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật thì những đòi hỏi này là hoàn toàn chính đáng.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021 ngày 1-6-2021 theo hướng sàn TMĐT chỉ khai và thu thuế trên cơ sở ủy quyền của cá nhân kinh doanh(2), tức là các sàn TMĐT không còn mặc nhiên khai và khấu trừ thuế thay cho cá nhân kinh doanh nữa(3).

Trước hết, đây hẳn là câu chuyện không hiếm gặp, văn bản vừa mới ban hành đã bị sửa đổi, điều chỉnh, nhưng dù sao những sửa đổi của chính ngành mình đề xuất xem ra hợp lý, đáng chờ đợi hơn cái cách mà ngành này hay ngành kia lệ thuộc lẫn nhau.

Đề xuất ủy quyền thu thuế này về bản chất là thông tư tái xác nhận đối tượng quản lý là các sàn TMĐT mà nghị định không quy định. Thông tư “chữa cháy” cho nghị định, hơi lộn xộn chút, nhưng “làm luật giữa một rừng luật” thì không thể tránh khỏi những hạn chế.

Từ câu chuyện xây dựng văn bản, có thể thấy những khó khăn trong quản lý chính sách độc lập vốn đã được dự báo, song những bất thành văn hay “lệ làng” về quan hệ, trách nhiệm, sự phụ thuộc tràn lan giữa các bộ ngành, nếu có, là điều cần tránh, nhất là trong mảng xây dựng thể chế.

Một là nó không khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo phù hợp, một sự cạnh tranh, phản biện cần thiết giữa các chủ thể, hai là nó không có lợi trong tư duy khi đứng trước những chủ trương, vấn đề quản lý hóc búa, hậu quả là không làm được ắt hẳn sẽ có cấm đoán hay hạn chế.

Không chỉ có hệ thống, đồng bộ dữ liệu

Như đã nói, tồn tại hiện nay của các ngành để quản lý các chủ thể thương mại trên không gian mạng là quản lý định danh và nguồn gốc giao dịch, quản lý có hệ thống và đồng bộ dữ liệu.

Quản lý hệ thống là trên cơ sở đầu mối, ví dụ như cơ quan thuế. Thông qua cơ quan này, thông tin ngành sẽ đồng bộ với thông tin của các chủ thể trên nền tảng kỹ thuật của các ngành nghề liên quan như sàn TMĐT, chủ thể quản lý ứng dụng công nghệ, nhà mạng, cơ sở máy chủ, ngân hàng, cơ quan hải quan, logictics, vận chuyển – là những ngành gián tiếp, trực tiếp có quản lý từng khâu của một giao dịch TMĐT.

Lấy ví dụ, trên cơ sở Thông tư 40 có hiệu lực từ 1-8-2021, ngành thuế đã đưa ra các bước của việc triển khai cung cấp thông tin, khai thay, nộp thay của sàn TMĐT cho cá nhân kinh doanh sẽ thực hiện theo lộ trình bao gồm: xây dựng chuẩn dữ liệu và lấy ý kiến các sàn, hoàn thiện, ban hành chuẩn kết nối trước khi hai bên triển khai nâng cấp ứng dụng, sau cùng là sàn TMĐT thực hiện việc ráp nối thông tin với cơ quan thuế theo chuẩn dữ liệu đã thông qua(4).

Trong số các vấn đề, xây dựng chuẩn dữ liệu được chú ý hơn cả. Đối tượng quản lý vừa có giao dịch và dữ liệu khách hàng thì riêng dữ liệu khách hàng vốn nhạy cảm. Do vậy để tránh nhầm lẫn, trọng tâm của việc quản lý là quản lý giao dịch có phát sinh chứ không phải dữ liệu khách hàng. Và để tránh nguy cơ rò rỉ thông tin thì dữ liệu khách hàng nên được mã hóa trước và chỉ giải mã sau khi đã xác định giao dịch chịu thuế cần xử lý.

Việc này phải chuyên nghiệp từ khâu ký kết các giao ước pháp lý và kỹ thuật giữa các chủ thể truyền và trao đổi thông tin, nhất là trách nhiệm của cơ quan đầu mối. Cuối cùng là các quy định về cấp độ chia sẽ dữ liệu tự nguyện và bắt buộc là quan trọng nhất.

Lưu ý thêm, đồng bộ dữ liệu là vấn đề cơ bản với mục tiêu là quản lý tổng thể, có hệ thống hơn là việc nên làm; chủ thể này (các sàn TMĐT) mà không làm thì ngành kia, chủ thể kia dễ phát sinh phản ánh của ngành, của chủ thể đã làm, vì rõ ràng cơ quan thuế được quản lý nhiều vấn đề cốt tử như thông tin giao dịch, khách hàng, số liệu doanh thu của họ.

Chi li ra như vậy không có nghĩa là bởi ngành thuế không nhận ra những góc khuất quản lý. Các quy định hiện nay đã rất nhiều, song những khó khăn với tư cách là cơ quan đứng mũi chịu sào thì vẫn còn.

Cực chẳng đã chứ thời đại 4.0 rồi mà vẫn có giải pháp mua dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế như quy định tại điều 40, Nghị định 126. Hay quản lý thuế của các chủ thể thương mại nước ngoài thông qua cá nhân, tổ chức trong nước trong khi chưa có kết nối hệ thống dữ liệu. Như khoản 2, điều 81, Thông tư 80 ngày 29-9-2021 thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 30 Nghị định 126.

Quy định này gây ra thắc mắc, sao không phải là hải quan, vận chuyển, logictics, bưu điện tất cả đều liên quan đến giao dịch của chủ thể TMĐT mà lại là ngân hàng, phải chăng ngân hàng là đơn vị trực tiếp thu tiền? Cho là vậy nhưng nếu không có số liệu giao dịch ngân hàng (không thanh toán qua ngân hàng chẳng hạn) thì có thể tìm phương pháp khác như ước tính doanh thu và lấy số liệu từ các ngành liên quan (như đã nói) để phân tích thì có được không?

Nói ra một vài ví dụ để thấy dường như khẩu hiệu “thu thuế là một nhiệm vụ” của ngành thuế nghe có vẻ lúc nào cũng rõ ràng, trong khi lẽ ra là phải xây dựng nâng cao bộ máy thuế hiệu quả, cấu trúc quản lý uy tín, công bằng rồi mới tính tới chuyện thu ra sao.

Quản lý thuế TMĐT là ta đang vận hành một hệ thống chưa có tiền lệ, và đích chung là một nền kinh tế số sẽ hoạt động có trật tự như thế nào về nội dung và công nghệ.

Người dân và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn và hy vọng rằng nó sẽ được thực hiện tốt hơn so với quản lý thuế truyền thống và làm chắc chắn cho những mục tiêu lâu dài.

Bài học, giải pháp nào được rút ra, xin dành câu trả lời này cho các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia độc lập.

————

(*) Contracts-vn
(1) http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-quy-dinh-ve-quan-ly-thue-va-hoa-don-chung-tu?download=yes
(2) Điểm đ, khoản 1 điều 8
(3) https://laodong.vn/kinh-te/de-xuat-khong-bat-buoc-san-thuong-mai-dien-tu-nop-thue-thay-nguoi-ban-954912.ldo
(4) https://baochinhphu.vn/thu-thue-qua-san-giao-dich-tmdt-la-tao-thuan-loi-cho-nguoi-nop-thue-102295315.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới