Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một hành động cho nhiều đòi hỏi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một hành động cho nhiều đòi hỏi

Ngọc Lan

Một hành động cho nhiều đòi hỏi
Minh họa: Khều.

(TBKTSG Online) – Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề liên quan đến nợ công, nợ Chính phủ, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến các cân đối vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn.

Ngay từ khi mới chuẩn bị nội dung cho kỳ họp khai mạc ngày 20-10, Văn phòng Quốc hội đã tập hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội và thống nhất đưa vào chương trình, yêu cầu Chính phủ báo cáo thêm một loạt vấn đề ngoài những nội dung thông thường.

Những nội dung như nợ nước ngoài, nợ trong nước, nợ của DNNN vốn ít khi được nhắc đến một cách tập trung. Hệ thống báo cáo mà Quốc hội yêu cầu khiến cho Quốc hội dễ hình dung và hình dung đầy đủ, chính xác hơn về tình hình nợ nần của quốc gia.

Ví dụ, từ kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cách đây 2 năm về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo kết quả điều tra, xử lý với những sai phạm của Vinashin, người ta có thể dễ đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay nợ nước ngoài của Chính phủ, việc cho vay lại, nợ của doanh nghiệp và nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh đến hết tháng 6 năm nay.

Tập hợp của cả ba khoản mục này là có thể tính được con số nợ nước ngoài của quốc gia và hiệu quả trả nợ của doanh nghiệp ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia thế nào vì phần doanh nghiệp tự đi vay và được Chính phủ bảo lãnh vay thường chiếm khoàng 40% số nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm.

Cũng tại kỳ họp này, việc Quốc hội thực hiện việc đánh giá kết quả và hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2005-2010 thành một báo cáo riêng và đã được Ủy ban tài chính- ngân sách thẩm tra rất kỹ lưỡng trước khi đưa chương trình chính thức sẽ cho thấy thêm tình hình nợ trong nước của Chính phủ, kể cả đến thời điểm hiện tại vốn trái phiếu vẫn chưa được đưa vào hệ thống thống kê tài chính hiện hành theo Luật ngân sách. Cần nhắc thêm là mức chi thực tế qua kênh trái phiếu mà Chính phủ phát hành từ năm 2003-2010 đã vượt gấp 3,75 lần dự toán, còn nhu cầu cùng thời gian đã gấp 10,17 lần.

Nói  tóm lại, sự xuất hiện cùng một kỳ họp của hàng loạt các báo cáo về nợ nước ngoài, nợ trong nước của Chính phủ, nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và hiệu quả kinh doanh, thậm chí cả những sai phạm đang được xử lý ở một vài địa chỉ mà Quốc hội yêu cầu không chỉ cho công luận thấy những nét quan trọng nhất trong bức tranh toàn cảnh về nợ công và quản lý nợ công ở Việt Nam mà từ đó nó sẽ giúp Quốc hội có những đánh giá chính xác trước khi thông qua những chỉ tiêu cân đối vĩ mô rất quan trọng cho năm tới và 5 năm tới và kèm theo nó là những hành động quyết liệt để khống chế việc thực hiện những cân đối này một cách rất nghiêm túc, thay cho chuyện thường xuyên “xé rào” như thông lệ.

Lấy ví dụ, ngay tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu: “đề nghị phải tính toán lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, trong đó phải tính cả nợ trái phiếu ”.

Bởi chỉ cần thẩm tra kết quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 7 năm qua và kế hoạch sử dụng vốn cho 5 năm tới, ủy ban của ông đã thấy rằng: “Nếu tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn trái phiếu như ước tính của Chính phủ là vượt quá khả năng của nền kinh tế, không thể cân đối đủ nguồn lực thực hiện, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô và đe dọa an ninh tài chính quốc gia”.

Vai trò của Quốc hội hay các đại biểu Quốc hội không phải là chỉ nêu ra những cảnh báo cho tình hình nợ công hay nợ quốc gia và đưa những yêu cầu riêng rẽ trong từng báo cáo của mỗi ủy ban gửi cho Chính phủ. Ví dụ, không thể để tách riêng hai kiến nghị của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính- Ngân sách về cùng một vấn đề: “đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, bắt đầu từ năm 2013” khi một ủy ban thì thẩm tra về mục tiêu kinh tế-xã hội 5 năm tới, một ủy ban thì thẩm tra riêng về tình hình vốn trái phiếu.

Hoặc vấn đề mà Ủy ban Kinh tế nêu ra là buộc Chính phủ phải xác định trần chi tiêu ngân sách trong 5 năm tới, khống chế trần chi tiêu không vượt quá 28,5% GDP (bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu và tăng chi cho dự trữ tài chính) và xây dựng một trật tự ưu tiên trong chi ngân sách thì không thể tách với kiến nghị về đầu tư công mà Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề xuất. Theo đó, để đảm bảo an ninh tài chính 2011-2015, phải giảm tổng mức đầu tư toàn xã hội từ 42,6% GDP xuống  còn 33,5%, tỷ trọng đầu tư công từ ngân sách nhà nước trên tổng đầu tư toàn xã hội cũng giảm dần từ 27% xuống 22%.

Những đòi hỏi này cần thiết phải được cụ thể thành hành động của một nghị quyết riêng, ngay từ kỳ họp lần này.

Giám sát tình hình và hiệu quả sử dụng vốn vay nợ và bảo lãnh vay nợ của DNNN phải trở thành yêu cầu số một khi Quốc hội thông qua chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2012, thay cho đề nghị giám sát đầu tư công với quá nhiều lĩnh vực mà đến nay Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất được.

Việc giám sát tình hình và hiệu quả vốn vay nợ ở DNNN là rất cần thiết vì chỉ tính con số cũ mà Chính phủ báo cáo Quốc hội hồi tháng 11/2010 thì tính đến cuối năm 2009, cho dù chưa có báo cáo của 9 /91 tập đoàn, tổng công ty thì số nợ của khối này đã lên đến 54,2% GDP năm 2009.

Cho dù theo định nghĩa về nợ công hiện hành thì nợ của DNNN mà Chính phủ không bảo lãnh hiện không được tính vào nợ công vì doanh nghiệp tự vay, tự trả như phát biểu mới đây của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tại một cuộc hội thảo hôm 17-10 về nợ công nhưng ông cũng thừa nhận việc này là không theo thông lệ quốc tế.

Bởi thực tế, có nhiều khoản DNNN đi vay mà Chính phủ không bảo lãnh như khoản vay 300 triệu đô la Mỹ của Vinashin ở Ngân hàng Naxitis nhưng đến năm 2010, Chính phủ đã phải trích gần 1/3 số tiền phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỉ đô la Mỹ năm đó để trả nợ thay cho tập đoàn này.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới