Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một khu vực bị nghi ngờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một khu vực bị nghi ngờ

Nguyễn Ngọc Bích

Một khu vực bị nghi ngờ
Ảnh: THANH TAO

(TBKTSG) – Vì sao khu vực kinh tế tư nhân không được tin tưởng là làm ăn đàng hoàng với chính quyền và tốt lành đối với khách hàng? Bài viết này nhằm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hiện ta có ba khu vực kinh tế: quốc doanh, dân doanh và đầu tư nước ngoài. Ở đây ta nói về khu vực dân doanh. Trong phạm vi đó, theo thiển ý của tôi, nó là một khu vực “không được tin” là làm ăn đàng hoàng với chính quyền, và tốt lành đối với khách hàng. Sự nghi ngờ được thể hiện qua các quy định trong kinh doanh, thủ tục thuế, hải quan… đến nỗi cứ mỗi lần các cơ quan trung ương và địa phương gặp gỡ doanh nghiệp thì có không ít lời than vãn của doanh nhân.

Đi tìm cội nguồn của sự không tin tưởng này, ta xem nền kinh tế thị trường, môi trường hoạt động của các doanh nghiệp dân doanh. Ở các nước khác, nền kinh tế thị trường có trước, rồi luật pháp điều chỉnh nó mới ra đời. Kinh tế thị trường là sản phẩm tự nhiên của con người.

Xin dùng một thí dụ đơn giản cho dễ hiểu. A có bó rau đem bán cho B. Giá mua bán do hai người thỏa thuận. A có thể bán giá cao hơn nếu B cần. Đó là tâm lý tự nhiên của con người. Và đó là thực tế. Một ngày nào đó A và B cãi nhau. Sự tình được đưa lên chốn công quyền để phân xử. Chính quyền sẽ bảo ai đúng, ai sai. Đó là luật lệ của nhà nước và là “ý chí của giai cấp thống trị”. Vậy sự buôn bán có trước; luật pháp điều chỉnh sự buôn bán có sau. Vì ra đời sau nên luật pháp ấy điều chỉnh thực tế.

Ở ta thì ngược lại. Luật pháp có trước và kinh tế thị trường có sau. Thí dụ, năm 1990 mới có luật công ty, sau đó các loại công ty được thành lập. Vậy là ở ta luật pháp tạo ra thực tế. Cho nên khi chúng ta nói về kinh tế thị trường thì nội dung của nó được hiểu khác với nội dung mà một người Mỹ hay Singapore hiểu!
Khi luật pháp tạo ra thực tế thì nó phải có một quan niệm ngay từ đầu: thực tế ấy phải thế này, phải thế kia. Xin trở lại thí dụ trên. Trước kia A và B không được mua bán với nhau. Chỉ có hợp tác xã rau quả được làm. Sau năm 1990, luật pháp cho phép họ kinh doanh. Nó lập ra sự kinh doanh và quy định cách thức để hai người kia áp dụng. Do thành kiến bắt nguồn từ ý thức hệ, khi soạn luật những người phụ trách nghĩ rằng “loại con buôn thì hay lừa lọc nhau” vậy ta phải ngăn chặn việc này. Do vậy, sự đề phòng được đưa vào các quy phạm pháp luật. Luật pháp kinh doanh của ta mang tính đề phòng là như thế.

Ở ta thì ngược lại. Luật pháp có trước và kinh tế thị trường có sau. Vậy là ở ta luật pháp tạo ra thực tế. Cho nên khi chúng ta nói về kinh tế thị trường thì nội dung của nó được hiểu khác với nội dung mà một người Mỹ hay Singapore hiểu!

Thực ra, khi A và B buôn bán với nhau theo tự nhiên, họ không nghĩ đến chuyện lừa lọc nhau, vì làm thế thì sống với nhau sao được. Nay phải đi xin phép kinh doanh, họ bị nghi là có thể lừa lọc nhau. Và luật pháp đã đề phòng. Có khi luật đề phòng với giới này mà không với giới khác. Về mặt chính quyền làm như thế là đúng vì đáp ứng mối lo; nhưng đối với doanh nhân, rõ ràng chưa chi họ đã bị nghi ngờ. Sự lo ngại nêu trên có thể đã nhập tâm nên không nhận ra được. Thế nhưng nếu có nhận ra, thì cũng sẽ có ngay lý lẽ rằng luật pháp mang tính giai cấp.

Đấy là một mặt. Một mặt nữa là khi thiết lập nền kinh tế thị trường thì những người lập nên nó nhiều khi chỉ biết mà chưa am hiểu về nó. Vì vậy, thực tế được luật tạo nên thường bị sửa tới sửa lui và đi từ thái cực nảy sang thái cực kia.

Xin nêu một thí dụ về điểm này. Khi lập công ty, các cổ đông góp vốn. Mỗi phần vốn góp phải đều nhau để sau này chia đều cho nhau lãi và lỗ. Mỗi cổ phần có một mệnh giá, thí dụ, 1 đồng. Ấy là sự đều nhau. A mua 100 cổ phần thì trả 100 đồng; B mua 50, trả 50 đồng… Nếu chia cổ tức, mỗi người sẽ nhận được tiền theo số cổ phần mình có. Khi công ty giải thể sau này, họ cũng chia tài sản còn lại của công ty như thế. Vậy điều quan trọng giữa họ là đều nhau, chứ không phải là góp nhiều hay góp ít. Đều nhau (equity) mới là cốt lõi của vốn. Vì số lượng tiền không quan trọng, nên cổ phiếu có mệnh giá 10 đồng, 1 đồng hay 10 xu thì không có gì khác nhau. Bởi thế nếu chính phủ đánh thuế trên vốn góp thì thay vì cho mỗi cổ phần mệnh giá là 10 đồng, các cổ đông bảo nhau cho mỗi cái 1 xu thôi! Họ vui vẻ vì vẫn đều nhau, và sau này chia tài sản còn lại của công ty thì vẫn chia đều nhau. Vào lúc ấy số tiền ít hay nhiều đã góp lúc đầu không còn quan trọng, bởi vì bây giờ cái để mà chia đều cho nhau là số tài sản đang có trước mặt.

Luật công ty của các bang khác nhau ở Mỹ được xây dựng trên nền tảng này. Các cổ đông đồng ý sẽ góp tất cả bao nhiêu; sau đó góp dần. Thí dụ, sẽ góp tất cả là 100 đô la Mỹ, nhưng mới lập ra thì chỉ cần 50 đô la; vậy yêu cầu góp 50 đô la; khi nào cần thì góp nữa. Cần có 50 đô la mà góp 100 đô la; cuối năm phải trả cổ tức cho cả 100 đô la thì hao lắm. Luật dựa vào thực tế này nên đặt ra vốn được phép phát hành là 100 đô la (authorized capital); vốn đã góp là 50 đô la (paid in capital). Vậy nếu mới góp có 50 đô la mà công ty bị phá sản, khi ấy cổ đông nào chưa nộp tiền thì phải góp vào.

Luật Doanh nghiệp 2005 của ta lúc đầu cũng chấp nhận các khái niệm trên; nhưng năm năm sau thì đổi. Nghị định 102/2010 quy định vốn điều lệ là tiền đã góp (50 đồng) và gọi 100 đồng là số cổ phần được quyền phát hành. Do vậy, khi khai vốn điều lệ chỉ được nói 50 đồng; rồi mỗi lần góp thêm để đến 100 đồng thì khai thêm nữa. Số 100 đồng không có giá trị pháp lý gì. Du nhập đấy nhưng cải biên. Thành thử ở các nước khác cũng kinh tế thị trường, luật của người ta coi trọng giai đoạn cuối (chia đều), ta coi trọng giai đoạn đầu. Nói cách khác, họ nắm đuôi con rắn; ta nắm đầu đó. Cũng có lý do cho việc này. Trong năm năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, các công ty khai vốn nhiều quá. Khai 100 đồng vốn điều lệ nhưng góp thật (50 đồng) chẳng bao nhiêu.

Cho nên nói đi phải nói lại. Luật mang tính đề phòng; vì không ít doanh nhân tâm niệm rằng “kinh doanh là kinh doanh” tức là “kiếm tiền là kiếm tiền”. Nó che mờ đạo lý và luật pháp. Hậu quả là: bên đề phòng, bên lách qua, mỗi khi giao dịch với nhau. Hai bên căng thẳng thì có một nạn nhân tức tưởi. Ấy là… thời gian!

Cùng chuyên đề:

Đứa con bị hất hủi – Nguyễn Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới