Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một nét phong cách Sáu Dân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một nét phong cách Sáu Dân

Trần Đức Nguyên (*) 

(TBKTSG) – LTS: Nhân ngày giỗ đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngày 8-5 Âm lịch, tức ngày 31-5-2009), chúng tôi giới thiệu hai bài viết của hai cán bộ từng gắn bó với ông trong nhiều năm.

Hơn 10 năm trước, trong nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng quy chế quản lý đối với xe ôm. Hồi đó, tôi đang làm việc ở Văn phòng Chính phủ, thường có dịp tiếp xúc với Thủ tướng mà chúng tôi quen gọi tên thân thương là anh Sáu Dân. Biết anh thích nghe chuyện đời thường, tôi đã kể câu chuyện liên quan đến xe ôm mà tôi là người trong cuộc.

Hôm ấy, tôi đến chơi nhà bạn ở trên phố. Khi về, tôi tìm xe ôm; thấy có người dựng xe đứng chờ, tôi hỏi có đi không thì anh ta tỏ ý khó chịu vì bị coi là xe ôm. Để tránh hỏi nhầm lần nữa, tôi nhờ ông thợ chữa xe đạp ở vỉa hè chỉ giúp ai là xe ôm.

Một biện pháp xuất phát từ thiện ý mà không phù hợp với thực tế đã là không tốt; một chính sách định ra từ bàn giấy, xa rời thực tế mà lại không xuất phát từ lợi ích chung, không quan tâm đến người nghèo thì còn tai hại hơn nữa.

Sau khi ngồi lên xe, tôi kể cho người lái xe chuyện vừa rồi tìm nhầm xe ôm, bị phản ứng, và nói: Có lẽ các bác nên bảo nhau thống nhất dùng một ký hiệu nào đấy cố định trên mũ, áo hoặc ở xe để người cần đi xe ôm dễ thấy, khỏi nhầm lẫn, tiện cho khách và lợi cho cả người chạy xe ôm.

Bác xe ôm liền trả lời tôi: Nghe theo ông thì chúng tôi có mà “ăn cám”. Vì có những người khách không muốn người khác biết là mình đi xe ôm. Tôi hỏi trường hợp nào như vậy, bác ta nói: xe ôm thường bị coi là “phương tiện hạ đẳng” nên một số người có địa vị khi phải dùng phương tiện này thì không muốn người khác biết; những người đi “đánh lẻ”, như đi thăm “bồ bịch” hoặc đến những nơi ăn chơi không lành mạnh, thường không dùng xe hơi (xe công phục vụ riêng hoặc xe riêng) hay xe gắn máy của mình mà dùng xe ôm thì lại càng không muốn người khác biết.

Bác xe ôm nói tiếp: cũng có những người đang làm việc ở cơ quan, xí nghiệp nhà nước hoặc trong quân đội chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập nhưng vì sĩ diện nên không muốn người khác biết. Thế mà ông lại bảo chúng tôi dùng ký hiệu để chứng tỏ mình là xe ôm thì có phải bất lợi cho chúng tôi hay không?

Tôi kết thúc câu chuyện kể bằng một lời tự phán: tôi cứ nghĩ là “sáng kiến” của mình có lợi cho cả người lái xe ôm và khách muốn đi xe ôm, hóa ra lại là “tối kiến” vì không sát với thực tế nhiều màu vẻ. Anh Sáu Dân cười và tiếp lời: lái xe ôm cũng là một nghề kiếm sống chính đáng, tạo không ít việc làm và đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện giao thông hiện nay; biện pháp quản lý trước hết phải phù hợp với lợi ích và tạo thuận tiện cho những người hành nghề.

Một biện pháp xuất phát từ thiện ý mà không phù hợp với thực tế đã là không tốt; một chính sách định ra từ bàn giấy, xa rời thực tế mà lại không xuất phát từ lợi ích chung, không quan tâm đến người nghèo thì còn tai hại hơn nữa.

Tiếp đó, anh Sáu giao cho các bộ phận và cán bộ có trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ tìm hiểu thực tế, nắm bắt hoàn cảnh và ý kiến của những người hành nghề xe ôm để xem xét những quy định mà Bộ Giao thông Vận tải đề xuất về quản lý xe ôm. Tôi không làm việc này nên không biết hết tình tiết, chỉ nghe tin sau đó, các quy định về quản lý hành chính đối với xe ôm không được ban hành.

Hiện nay, vấn đề quản lý xe ôm lại đang được cơ quan chức năng đặt ra, tôi nghĩ rằng cách đặt vấn đề của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây hơn 10 năm vẫn có ý nghĩa đối với thực tế ngày nay. Qua một sự việc cụ thể, nhìn lại những quyết định của anh Sáu ở cương vị lãnh đạo Chính phủ, tôi càng thấy rõ một nét nổi bật trong phong cách của anh là đối với mọi vấn đề cần giải quyết, anh luôn luôn bám sát thực tế cuộc sống, cố gắng tìm hiểu thực chất, không bao giờ chỉ nhìn một phía, nghe một chiều, sẵn sàng hỏi các chuyên gia những khía cạnh cần thiết về khoa học – kỹ thuật của vấn đề trước khi quyết định.

Không ai có thể quyết định đúng trong mọi trường hợp, nhất là ở cương vị lãnh đạo cao, phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp; song có thể nhận thấy hầu hết các quyết định của anh Sáu khi đi vào cuộc sống đều đưa lại kết quả tích cực vì không khi nào anh giải quyết vấn đề theo cách quan liêu, bàn giấy.

Đó là một nét đặc biệt trong phong cách lãnh đạo của anh, bắt nguồn từ tấm lòng toàn tâm toàn ý vì nước, vì dân, vì Đảng và từ ý thức sâu sắc gắn bó với dân, dựa vào dân, học hỏi dân. Đúng như tên thường gọi của anh, đó chính là một nét phong cách Sáu Dân.

Phong cách đó cần thấm sâu trong hoạt động của bộ máy công quyền, đặc biệt là trong việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện. Người dân hết sức trông đợi sự tiếp nối và phát huy phong cách Sáu Dân trong cán bộ, công chức.

(*) Tác giả phụ trách Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ trong các năm 1993-2003.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới