Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một người bán rong ngày rét 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một người bán rong ngày rét 

Ảnh: gallery.nguoihanoi.net

(TBKTSG Online)- 7giờ 30 sáng, tôi đứng ở đầu ngõ để chờ chị  bán hoa dạo ghé vào. Đều đặn như thế nhiều năm rồi. Nhưng năm nay, sau Tết, vẫn chưa thấy chị bán hoa xuất hiện. Có lẽ, bệnh thấp khớp do ngủ nền nhà thuê trong những ngày rét cóng khiến chị chưa thể rời quê để trở lại Hà Nội.

>> Những “thương nhân” lẻ loi

Chị bán hoa tên là Nguyễn Thị Minh, 45 tuổi, nhà ở Cẩm Bình (Hải Dương), cách Hà Nội hơn 50km. Hàng ngày, nếu chọn thành phố Hải Dương để bán hàng, thì từ nhà chị tới đó chưa đầy 10 km. Nhưng chị vẫn chọn con đường xa hơn hàng chục lần, về Hà Nội trọ để ngày ngày đẩy xe hoa đi vào các ngõ phố.

Đơn giản vì bán hoa ở Hà Nội sẽ thu nhập được gấp nhiều lần so với Hải Dương, nhu cầu người mua cao và nguồn hàng phong phú.

Cũng như những người bán rong khác, chị chỉ đi trên những tuyến phố, ngõ xóm cố định hàng ngày. Mục đích là để có được lượng khách quen ổn định, phần cho khỏi lạc đường. Gánh hoa của chị vốn mỗi ngày bỏ ra hơn 100 ngàn, lời lãi thu được từ 30 đến 40 ngàn đồng, không phải là shop hoa lớn hay dịch vụ cao để tha hồ nói thách. Chị chỉ cần một thu nhập ổn định để nuôi ba đứa con nhỏ hàng ngày ở quê hơn là chạy theo “nóng, lạnh” của thị trường. Đơn giản là vì chị không có vốn.

Lần đầu tiên tôi mua hoa của chị là giáp Tết năm 1999, khi mới chuyển về sống ở khu này. Hoa tươi được đưa đến tuần vài lần, giá lúc nào cũng “mềm”. Hôm nào không thấy mang tới, ắt tự hiểu là hoa đắt hơn hoặc không được đẹp như mọi ngày nữa.

Điều mà chị gây dựng cho những người mua hàng chính là niềm tin, tin vào thái độ phục vụ, tin vào hàng hoá mà họ mang đến. “Thà tôi đưa đủ hoa cho từng ấy khách quen và thu đủ tiền lãi ổn định còn hơn ra đứng ngoài chợ để người ta nâng lên, đặt xuống, ngày bán đắt, ngày không”.

Và cũng vì chữ “tín” ấy, chị không dám bỏ các mối quen với nguồn thu nhập ổn định cho cuộc sống xa quê dù cái rét Hà Nội một tháng trước Tết thật khắc nghiệt quá với nhưng phận người đang phải vật lộn mưu sinh suốt ngày ngoài đường, trong một thời tiết giá buốt, lạnh lẽo. 

Về quê lấy thêm quần áo thì mất mấy chục ngàn tiền xe đò, tiền lãi hàng ngày. Và một hôm chị thú thật: “Có còn quần áo ấm hơn nữa đâu mà quay về lấy. Ráng chịu rét vài hôm để có thêm tiền về đóng tiền học cho con”.

Nhiều khách quen tặng chị vài cái áo, người phụ nữ 45 tuổi (nhưng trông như ngoài 50 tuổi) lúng túng không dám mặc: “Nếu mặc đẹp thế này có thể người ta cũng không mua hoa của chị”, chị ngần ngại nói với tôi.

Để bán được một gánh hoa, người phụ nữ ấy không chỉ đầu tư vài đồng vốn. Chị gửi vào đó cả niềm tin và tính toán, hy sinh cả nhu cầu cá nhân vì thu nhập cho cả một gia đình. Hoa thì đẹp nhưng người bán hoa ngày cứ cằn cỗi đi vì những bữa cơm bụi ba ngàn đồng và manh chiếu chen chúc với hàng chục người cũng cảnh ngộ khác trên nền đất nhà trọ ngoài bãi Phúc Xá. Cũng mất 10 ngàn đồng/đêm mới tìm được chỗ trú chân để ba giờ sáng hàng ngày, lại ra chợ hoa bắt đầu một ngày mưu sinh mới.

Nhưng cả chị Minh, tôi và hàng chục ngàn người bán hàng rong khác ở Hà Nội chưa rõ việc cấm bán hàng rong trên các tuyến phố từ ngày 1-4 tới sẽ ảnh hưởng tới mức nào một thói quen tồn tại từ bao đời nay của người Hà Nội. Tôi không ngại cảm giác chống chếnh một thời gian khi không còn thấy hình ảnh quen thuộc của chị Minh bằng suy nghĩ: người phụ nữ ấy sẽ làm gì sau khi hàng rong không còn nữa.

Ngoài sức lực ra, chị thiếu cả đất để trồng trọt (vì mấy anh em trong gia đình đều canh tác trên cùng sào ruộng), thiếu trình độ và kiến thức để đổi nghề.

Ngoài sức lực và nỗi lo lắng cho sinh kế một gia đình, dường như chị bất lực truớc cuộc sống nhiều hơn là bất lực trước cái rét trong những tháng ngày này.                                               

MINH QUỐC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới