Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một phần của vấn đề tai nạn giao thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một phần của vấn đề tai nạn giao thông

Hoàng Khang

Một phần của vấn đề tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông thảm khốc đã cướp đi sinh mạng nhiều người. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Tai nạn giao thông ở Việt Nam là thảm họa vượt quá mọi loại thiên tai, và trong thảm họa đó không thể không có phần trách nhiệm của mỗi người, và mọi người. Người lái xe, cơ quan đăng kiểm, người cảnh sát giao thông, doanh nghiệp vận tải, và cả những người đứng nhìn, hay những người đọc các bản tin về tai nạn giao thông rồi chỉ lặng lẽ chép miệng hay lắc đầu… 

Bình quân mỗi ngày có từ 25 đến 30 người chết vì tai nạn giao thông trên cả nước, bình quân mỗi ngày có hàng chục bản tin về tai nạn giao thông các loại, và bình quân mỗi ngày cũng có hàng trăm – nếu không phải hàng ngàn – phương tiện chực chờ gây tai nạn vì quá tải, vì phóng nhanh vượt ẩu và bị cảnh sát kịp thời ngăn chặn. Nỗi đau vẫn chỉ là của riêng những người bị tai nạn và thân nhân của họ, mà vẫn chưa thể trở thành nỗi đau chung của toàn xã hội…

Càng ngày, một bộ phận trong xã hội càng bất chấp luật pháp và thờ ơ trước sinh mạng con người. Càng ngày, sự vô tâm đó, sự thờ ơ đó càng có nguy cơ lan rộng như dịch bệnh. Càng ngày, những hành động công nhiên vi phạm pháp luật về giao thông càng nhiều, như thách thức lương tri con người…

Và không ai làm gì cả!

Sự công nhiên vi phạm pháp luật về giao thông vận tải (GTVT) có thể xem là sự thách thức khi một chủ doanh nghiệp vận tải khẳng định với lãnh đạo Bộ GTVT tại một cuộc họp ở TP.HCM hôm 11-6 theo kiểu “chúng tôi đang thuê lái xe sử dụng bằng giả” do thiếu lái xe có bằng lái container hợp chuẩn (bằng FC).

Có vẻ như không tin ở tai mình, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ hỏi lại đại diện doanh nghiệp này xem họ tổ chức vận tải như thế nào trong thời gian qua trong tình trạng thiếu lái xe, thì đây là câu trả lời của ông Lâm Đại Vinh, chủ doanh nghiệp Lâm Vinh: “Chúng tôi buộc phải chấp nhận cho lái xe có bằng C (xe tải) lên lái xe container, và chấp nhận cả trường hợp sử dụng bằng FC giả.” Không có vò đầu bứt tai, không có giận dữ, không có đập bàn đập ghế trước câu trả lời ấy.

Như một minh chứng cho sự bất chấp pháp luật ấy, ngày 17-6 mới đây, một lái xe chỉ có bằng C đã lái xe đầu kéo và chở gấp đôi tải trọng cho phép. Khi bị cảnh sát giao thông Thừa Thiên-Huế chặn lại kiểm tra, lái xe đã đóng cửa xe bỏ đi, và sau đó nhờ một lái xe khác có bằng FC đến “đóng thế vai” để qua mặt CSGT, theo báo VnExpress.

Lỗi vi phạm của lái xe là hiển nhiên, và lỗi liên đới trách nhiệm của chủ doanh nghiệp là rõ ràng khi sử dụng những lái xe không đủ điều kiện như thế.

Nhưng còn trách nhiệm của Bộ GTVT? Tại cuộc họp nói trên với đại diện các Sở GTVT TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ nói rằng trách nhiệm thuộc về cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả lái xe.

Tình huống nêu ra tại cuộc họp là thật sự nghiêm trọng, và đòi hỏi phải có biện pháp tức thời. Thế nhưng, cho đến nay, gần hai tuần sau cuộc họp, Bộ GTVT vẫn lặng yên, các cơ quan quản lý nhà nước khác vẫn lặng yên, xã hội nhìn chung vẫn lặng yên, còn lái xe và các doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ít nhất – như người viết từng kỳ vọng sau cuộc họp – phải có một công điện khẩn từ Bộ GTVT nghiêm cấm triệt để tình trạng sử dụng bằng gian bằng giả này, và thậm chí là biện pháp hình sự khi doanh nghiệp và lái xe cố tình vi phạm.

Nhưng cho đến giờ, đó vẫn là kỳ vọng, vẫn là sự im lặng khó hiểu sau màn đối đáp giữa doanh nghiệp vận tải và lãnh đạo bộ.

Mỗi giờ trôi qua, đều có một vài vụ tai nạn giao thông, và mỗi giờ trôi qua, bình quân đều có một người chết và một vài người bị thương vì những tai nạn đó.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tại buổi làm việc với đoàn lãnh đạo Quốc hội sáng 11-2-2015, nói rằng “một đất nước hòa bình mà mỗi năm vẫn có 8.000 – 9.000 người chết vì TNGT là con số còn rất lớn nên ngành giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành có giải pháp đồng bộ, đổi mới kết cấu hạ tầng, tuyên truyền văn hóa tham gia giao thông để tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu trong năm tới”, theo Vietnamnet.

Đó là điều cần thiết, vì xã hội cần lắm một sự thay đổi nhận thức về tai nạn giao thông, thay đổi nhận thức về thảm họa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Bộ GTVT và các cơ quan trực thuộc, cũng như các bộ, ngành có liên quan cần phải thay đổi với những biện pháp căn cơ nhằm làm chuyển biến tình hình. Doanh nghiệp vận tải cần thay đổi não trạng kinh doanh, đặt sự an toàn giao thông và sinh mạng con người trước lợi nhuận. Cảnh sát giao thông không thể tiếp tục “thỏa hiệp” trước những sai phạm; lái xe không thể tiếp tục bất chấp mọi quy định chỉ vì một khoản thu nhập lớn hơn; mọi người dân cần thay đổi hành vi giao thông để an toàn cho mình và cho người khác; và truyền thông – kể cả truyền thông công dân như Facebook chẳng hạn – cũng phải vào cuộc để góp phần giải quyết vấn đề.

Ai đó đã nói một câu rất hay – và có lẽ rất đúng khi áp dụng vào thảm họa giao thông ở Việt Nam – rằng: “Nếu chúng ta không góp phần giải quyết vấn đề, chúng ta là một phần của vấn đề.”

Xem thêm:

– Thiếu lái xe container, doanh nghiệp chấp nhận dùng bằng giả

– Sử dụng con nghiện lái xe container: tiếp tay cho hành vi giết người?

– 5 ngày nghỉ lễ, 212 vụ tai nạn 132 người chết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới