Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một phế tích

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một phế tích

Mặt trước nhà mồ hoang phế. Ảnh: PSL

(TBKTSG Online) – Thời thơ ấu, ở quê nhà tại chợ Cầu Kè (Trà Vinh), thảng hoặc tôi mới có dịp ra khỏi nội ô cái thị trấn nhỏ này. Chẳng mấy bước chân là tôi đã tới những cánh đồng xanh ngắt màu mạ non đầu mùa hoặc vàng ruộm những sóng lúa mùa cao ngút đầu đang chờ gặt vào những ngày áp Tết.  

Đi xa hơn nữa, chừng hai cây số, khi được ba tôi chở đi Bà Mi hoặc ngồi xe đò khi đi Hựu Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long), tôi mới có dịp tò mò nhìn ngắm một “kỳ quan” của vùng quê tôi; mà cho tới bây giờ tôi vẫn cho rằng nó rất đẹp, rất đáng bảo tồn như một dấu ấn trong quá trình phát triển vùng đất này. Đó là khu nhà mồ của ông Huỳnh Kỳ, một trong mười địa chủ khét tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long thuở xa xưa.  

Hồi đó, anh Ba tôi đã từng tới đây chơi và kể lại, nhà mồ nằm trên khu đất cao, từ đầu lộ vô tới khu mộ là con đường trải sỏi giữa hai hàng đèn lồng, giống như hai hàng vệ sĩ đứng đón chào khách tới thăm. Chung quanh trồng rất nhiều cây xoài. Mùa xoài đơm bông, thoang thoảng hương thơm lan tỏa, rất dễ chịu. Đặc biệt, trên ngọn đồi nhân tạo này có một hồ bơi. Thật là lý thú!  

Nghe vậy, biết vậy, nhưng chưa bao giờ tôi được bước chân vào chốn thâm nghiêm kỳ bí này, bởi, chỉ hơn mười tuổi là tôi biền biệt rời xa thị trấn và sống khá nhiều nơi trên vùng đất châu thổ sông Cửu Long.              

Mãi tới khi tóc đã một phần bạc màu, khi con đường đá đã thành con lộ trải nhựa phẳng phiu, tôi mới có dịp về thăm cố xứ. Chẳng phải một lần. Và tôi đã có nhiều lần vào thăm khu nhà mồ nay đã trở thành phế tích.              

Nhà mồ gồm năm tháp lục giác bao quanh một tòa lục giác ở giữa. Tất cả đều cao chừng mười hai thước, trên nền cao gần đầu người. Mái tháp hình chóp nhọn, như lâu đài phương Tây. Tòa lục giác ở giữa là nơi yên vị hài cốt ông Huỳnh Kỳ cùng hai vị phu nhân của ông. Bên ngoài mỗi góc tường sát nóc các tòa tháp đều có một vị thần đầu chim giang tay đỡ mái vòm, thường thấy trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer. Bên trong, những bờ tường được chạm trổ hoặc tô vẽ công phu những hoa văn, họa tiết tinh xảo, kể cả các nóc trần.  

Mặt sau nhà mồ. Ảnh: PSL

Nhìn toàn diện, ngôi nhà mồ được thiết kế tổng hợp bốn trường phái kiến trúc: Kinh, Hoa, Khmer và Pháp. Nhà mồ do ông Trần Công Quan ở Sài Gòn vẽ kiểu, do nhóm thợ Sóc Trăng, Cần Thơ khởi công năm 1944, hoàn thành năm 1947, xây dựng bằng gạch đá địa phương với xi măng Hải Phòng.              

Tòa kiến trúc độc đáo này đang dần bị thời gian và dân địa phương tàn phá. Cửa vào mộ đã lở lói thân gạch. Ba ngôi mộ chẳng còn nguyên vẹn. Các họa tiết, hoa văn trên tường bị bôi xóa. Vòm mái trần sụp đổ, tan hoang. Lý do là con cháu của ông Huỳnh Kỳ từ nhiều chục năm nay đều sinh sống ở nước ngoài…              

Mới đây, khi đưa bạn đến tham quan, tôi rất mừng khi thấy con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào khu nhà mồ đã được mở rộng, vì nghĩ là người ta sẽ chỉnh trang khu nhà mồ. Nhưng hỏi ra mới biết, con đường này được sửa sang dành cho những chiếc xe chở rác ra vô khu bãi rác ở sát bên khu nhà mồ.  

Hài cốt ông Huỳnh Kỳ và hai vị phu nhân vẫn nằm kia, nhưng không biết hậu duệ của họ bây giờ đang nơi đâu. Là người dưng, nhưng nhìn cảnh hoang tàn của phế tích tôi chợt nhói lòng chỉ vì nghĩ đến một dấu tích có giá trị kiến trúc, văn hóa của địa phương chẳng còn lâu sẽ biến mất.

PHÙ SA LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới