Một quyết định phạm luật
Lê Văn Tứ
Kê khai tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Ít nhất đã có hai tờ báo ở TPHCM(*) phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp do phải áp dụng thêm điều kiện thanh toán qua ngân hàng trong việc khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với những hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp than trời. Đây là một quyết định hành chính mang tính áp đặt và khiên cưỡng.
Không phù hợp với Luật Dân sự
Có lẽ những người ra quyết định áp dụng điều kiện như thế không nghĩ là đã phạm luật, cụ thể là phạm “nguyên tắc thiện chí, trung thực” ghi tại điều 6 Bộ Luật dân sự 2005: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”. Nếu tham khảo thêm nguyên tắc này tại điều 9 Bộ Luật Dân sự 1995, còn thấy thêm một mệnh đề cụ thể hơn: “... nếu một bên cho rằng bên kia không trung thực, thì phải có chứng cứ”.
Để làm rõ nhận định trên, cần nhắc lại rằng cơ chế quản lý thuế GTGT hiện hành được xây dựng trên cơ sở một chế độ phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT rất chặt chẽ. Hóa đơn GTGT được coi là chứng từ pháp lý xác định việc mua bán hàng hóa (dịch vụ), cũng là chứng từ xác định thuế đầu ra mà bên bán phải nộp, cũng như thuế đầu vào mà bên mua được khấu trừ.
Cơ quan thuế quản lý việc phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT thông qua: i) Thủ tục bán hóa đơn cho doanh nghiệp; ii) Chế độ lập và gửi tới cơ quan thuế các bản kê khai thuế hàng tháng, trong đó có các bản kê khai hàng bán, hàng mua với những thông tin chi tiết từng hóa đơn, từ ký hiệu và số hiệu tờ hóa đơn đến tên, địa chỉ, mã số thuế bên bán, bên mua, từ số lượng, đơn giá đến thuế suất và số thuế GTGT của lô hàng. Cuối mỗi tờ khai đều có cam kết kê khai đúng sự thật và chịu trách nhiệm nếu có gian dối.
Chỉ với hai biện pháp trên, cơ quan thuế đã có đủ dữ liệu để theo dõi hóa đơn GTGT từ khi hóa đơn trắng được xuất ra khỏi cơ quan thuế đến khi từng tờ được bên bán phát hành cho bên mua và được báo cáo kịp thời với cơ quan thuế, cả từ phía người bán và phía người mua.
Cho nên nếu có điều gì nghi ngờ, chỉ cần trao đổi thông tin nội bộ giữa các cơ quan thuế, qua nối mạng hoặc bằng văn bản, mọi nghi ngờ sẽ được xác minh, mọi gian lận (nếu có) sẽ bị phát hiện. Vậy mà bây giờ cơ quan thuế không phải làm cái việc tự xác minh những gì mình nghi ngờ nữa, bù lại, mọi doanh nghiệp buộc phải xuất trình chứng từ thanh toán qua ngân hàng để chứng minh về tính trung thực của tất cả các hóa đơn đã kê khai.
Áp đặt điều kiện như vậy trong khấu trừ thuế nói chung có nghĩa là ngay cơ chế quản lý thuế đã hàm chứa tinh thần không tin vào các bản kê khai thuế của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy gian lận trong khấu trừ và hoàn thuế GTGT là có thật. Song thực tế cũng cho thấy số vụ gian lận so với con số khoảng 350.000 doanh nghiệp hiện nay là rất nhỏ.
Cho nên sự áp đặt cho tất cả các doanh nghiệp như vậy là trái với tinh thần của nguyên tắc “thiện chí, trung thực” trong Bộ luật Dân sự, trái với nguyên tắc “suy đoán vô tội” được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực tư pháp. Nó cũng trái với tinh thần của chế độ doanh nghiệp “tự khai, tự nộp thuế”, trong đó cơ quan thuế chỉ kiểm tra, xác minh những trường hợp có dấu hiệu gian lận. Đối với cơ quan thuế, việc kiểm tra này không quá khó như đã nêu ở trên.
Vi phạm quyền tự chủ của doanh nghiệp
Lý do đặt thêm điều kiện khấu trừ thuế GTGT như trên được giải thích là nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn GTGT. Nhưng ngăn chặn bằng cách áp đặt thêm điều kiện thanh toán qua ngân hàng lại là vi phạm quyền tự chủ của doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Vấn đề là ở chỗ: tuy thanh toán qua ngân hàng không phải là việc xa lạ và khó khăn đối với doanh nghiệp, hơn nữa nó còn là phương thức thanh toán rẻ, an toàn, nhưng ở nước ta hiện nay, nhiều doanh nghiệp lại chưa mặn mà với cách thanh toán này, vì còn có nhiều bất tiện, bắt nguồn từ những hạn chế của hệ thống ngân hàng. Tình trạng này không thể giải quyết bằng những quyết định hành chính, mà phụ thuộc vào trình độ phát triển chung của nền kinh tế và của hệ thống ngân hàng.
Nhưng điều quan trọng hơn, sát sườn hơn là doanh nghiệp không thể đơn phương quyết định được việc thanh toán, bởi vì đó là một trong những vấn đề phải được thỏa thuận trước với đối tác giao dịch. Và thực tế cuộc sống đã chấp nhận nhiều cách thanh toán khác nhau, tạo điều kiện cho người trong cuộc có thể lựa chọn cách làm thích hợp tùy lúc, tùy nơi: nhận hàng trước, trả tiền sau hoặc ngược lại; nhận hàng nhiều lần, trả tiền một lần hoặc ngược lại; bù trừ hàng mua với hàng bán, trả số chênh lệch; trả thông qua người thứ ba; trả tiền mặt hay chuyển khoản hoặc kết hợp cả hai... Và pháp luật luôn coi quyền thỏa thuận đôi bên trong giao dịch kinh tế, trong đó có quyền lựa chọn cách thanh toán, thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Việc mua bán rất có thể không thành chỉ vì hai bên không thỏa thuận được cách thanh toán do đã bị hành chính hóa.
Vẫn đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp
Tình trạng mua bán hóa đơn GTGT không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã xảy ra từ khi có thuế GTGT. Sở dĩ đến nay tình trạng này chưa loại trừ được không phải do biện pháp quản lý chưa đầy đủ, mà do việc chấp hành chưa nghiêm, trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về cơ quan thuế. Chưa thấy ngành thuế tổng kết tình hình thực hiện các biện pháp quản lý thuế để có những chấn chỉnh căn cơ từ nội bộ. Bằng cách tăng thêm điều kiện khấu trừ thuế này, cơ quan thuế vẫn đi theo đường mòn quen thuộc là đẩy khó khăn và trách nhiệm về phía doanh nghiệp, trong khi giữa thuế GTGT và thanh toán qua ngân hàng không phải lúc nào cũng có liên hệ nhân quả. Do đó có thể thấy trước rằng việc thực thi điều kiện này sẽ đẻ ra nhiều thủ tục rối rắm không đáng có, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho việc tiêu thụ hàng hóa.
__________________________________
(*) Sài Gòn Giải phóng 6-5-2009 và Người lao động 8-5-2009