Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một thập kỷ tăng trưởng: Người nghèo lặng lẽ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một thập kỷ tăng trưởng: Người nghèo lặng lẽ

Nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi chưa thấy khu nhà nào cho người thu nhập thấp được khánh thành “hoành tráng” – Ảnh: KINH LUÂN

(TBKTSG Online) – Báo chí chúng ta đang phê phán khá nặng nề quy hoạch đô thị hóa và mũi dùi thường chỉa vào các cơ quan Chính phủ liên hệ. Tất nhiên, phần lớn ý kiến phê bình xuất phát từ phía giới kiến trúc và quy hoạch.

Bài báo dưới đây, trong khi tham khảo kinh nghiệm thế giới qua các hội thảo chuyên ngành – đưa ra một cái nhìn khác về vai trò của kiến trúc sư trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng các khu đô thị mới.

Đội ngũ kiến trúc và quy hoạch: thiếu và yếu

Thế giới đang có khuynh hướng chạy đua xây dựng các đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh đến nỗi nhiều nhà chuyên môn- gồm các kiến trúc sư và quy hoạch gia-cho rằng họ chưa kịp chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu này.

“Hàng năm cư dân đô thị tăng khoảng 80 triệu, tương đương với dân số Đức hiện nay”, kiến trúc sư Lars Reutersward, Giám đốc chương trình môi trường toàn cầu của Liên hiệp quốc nói. Theo ông, trong số đó, hết 35 triệu – bằng cả dân số Hà Lan và Bỉ cộng lại- là người nghèo chen chúc trong những khu ổ chuột thành thị. “Người nghèo đang chết dần chết mòn trong những khu nhà ổ chuột. Thật là khủng khiếp. Chúng ta vô cảm trước tình trạng đó. Chúng ta bất lực trước tốc độ “phát triển” của những khu nghèo đô thị”, ông Lars Reutersward nói.

Đến tháng 9 năm 2007, lần đầu tiên, thống kê toàn cầu cho thấy số dân sống ở các đô thị đã vượt qua số dân sống ở nông thôn.

Khu vực

2007

2027

Tình trạng

Nông thôn

1 tỉ người

2 tỉ người

Nghèo

Thành thị (Khu nhà ổ chuột)

3 tỉ người

5 tỉ người

Nghèo

Vùng khác

2 tỉ người

3 tỉ người

Trung lưu trở lên

Tổng số

6 ti

8 tỉ (dự báo)

Nguồn: International Herald Tribune

Mới đây một hội nghị của các nhà quy hoạch và kiến trúc sư họp tại New Dehli (Ấn Độ) đã đưa ra nhận định rằng họ không có khả năng đào tạo một thế hệ kiến trúc sư trẻ đủ sức xây dựng bộ mặt tương lai của các đô thị.

Tình trạng quy hoạch các đô thị mới ở Á Châu

Không quy hoạch, không bản vẽ

70%

Có quy hoạch, có bản vẽ thiết kế

30%

Nguồn: Liên hiệp quốc (tháng 7/2007)

Đào tạo một nơi, làm việc một nẻo

Hiện nay, cả Phi Châu chỉ có 35.000 kiến trúc sư, trong số đó hết 25.000 đến từ Ai Cập. “Cứ 100 kiến trúc sư hiện nay thì có 70 người đào tạo từ những nước phát triển, trong khi 70% công việc quy hoạch và kiến trúc nằm ở thế giới đang phát triển”, ông Gáetan Siew, Chủ tịch Hiệp hội kiến trúc sư thế giới, vừa phát biểu tại Hội nghị về đô thị hóa do Quỹ Rockefeller tổ chức ở Italia tháng 9 qua.

Theo ông Siew, những kiến trúc sư này được đào tạo để làm việc tại quốc gia của họ, chứ không phải tại những nước nghèo. Tất nhiên, các kiến trúc sư rất năng động, nhưng thường giải pháp của họ sẽ gặp khó khăn và không phù hợp.

Một thí dụ: Tại Việt Nam, vào những năm 80, chúng ta xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng với viện trợ của Thụy Điển. Thụy Điển đã cử các kiến trúc sư và nhà quy hoạch sang giúp Việt Nam. Các chuyên gia này rất thiếu kiến thức về thực tế Việt Nam, chính vì vậy đã không nghiên cứu đầy đủ tác động môi trường, mà chỉ căn cứ vào “mô hình” của một nhà máy ở Thụy Điển, sau đó đổi qua mô hình của một nhà máy ở Brazil. Đó là một công trình thất bại: cho đến nay vẫn được nhà nước bao cấp và quan trọng hơn là nguồn nước thải của nó đã hủy diệt môi trường chung quanh.

Lý thuyết phát triển đô thị đã lạc hậu

Giáo sư Ananya Roy, giáo sư quy hoạch, trường đại học Berkeley, California, Hoa Kỳ, cho rằng hiện nay các nguyên tắc về quy hoạch đô thị đã lạc hậu. Phần lớn phát triển đô thị trong thế kỷ 21 xảy ra tại những nước đang phát triển như Ấn độ, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, nhưng các lý thuyết về chức năng đô thị vẫn là các lý thuyết bắt nguồn từ các nước công nghiệp như Pháp, Italia, Mỹ.

Rất nhiều kiến trúc sư không muốn tham gia quy hoạch các đô thị có nhiều người nghèo sinh sống. Giáo sư Ananya Roy nói: “Kiến trúc sư khi làm kinh doanh tất nhiên chỉ muốn xây dựng những tòa lâu đài. Họ muốn thành những kiến trúc sư ngôi sao hay những nhà quy hoạch vĩ đại. Chúng ta phải tái đào tạo họ để họ nhận thức được chính họ là một trong những tác nhân chính làm thay đổi xã hội”.

“Chúng ta cần hiểu rằng không phải kiến trúc sư nào cũng là Frank Gehry1 hay Renzo Piano2“, Gáetan Siew, Chủ tịch Hiêp hội kiến trúc sư thế giới nói thêm.

“Nhiệm vụ của kiến trúc không phải chỉ xây những ngôi nhà đẹp, mà là xây những ngôi nhà đáp ứng cuộc sống thường nhật”. Các giáo sư Mỹ cũng đồng ý rằng các trường đại học Hoa Kỳ vẫn còn dạy những giáo trình lạc hậu, không còn thích hợp với điều kiện đô thị hiện đại.

“Chúng tôi đang làm lại”, tiến sĩ Harrison Fraker, khoa trưởng khoa thiết kế môi trường, Đại học Berkeley nói. “Giáo trình của chúng tôi không phục vụ cho hơn hai tỉ người trên thế giới còn sống tồi tệ hơn những con vật”. Lời kêu gọi này được các nhà chuyên môn châu Á đồng tình như tiến sĩ K.T.Ravindran, khoa trưởng quy hoạch và kiến trúc, Đại học Delhi.

Ông cho rằng quy hoạch đô thị tại Ấn độ hiện nay đã quá “xa rời quần chúng”. “Cứ 100 đô thị tại Ấn độ thì 60 cái thậm chí không có hệ thống vệ sinh”, giáo sư Ravindran nói. “Giới quy hoạch chúng tôi đã quá xa rời cuộc sống thực của đa số nhân dân”, ông nói tiếp.

Còn giáo sư kiến trúc và quy hoạch Arif Hasan, thuộc Đại học Karachi, cho rằng việc không đào tạo được các nhà quy hoạch và kiến trúc sư trẻ đủ sức đáp ứng” một thế giới đô thị hóa” của thế kỷ 21 chính là một “miếng mồi ngon cho chia rẽ và xung đột”.

Quy hoạch và kiến trúc “Vì người nghèo nhất”

Một góc những khu phố nghèo tại TPHCM – Ảnh: KINH LUÂN

Với sự phát triển hiện nay, khoảng cách giàu-nghèo ngày càng tệ hơn, bởi vì không chỉ người nghèo tập trung vào những khu nhà ổ chuột của riêng mình, người giàu cũng tự cô lập thêm bằng cách tập trung sống với nhau trong những “làng biệt thự”, hay căn hộ cao cấp với tường rào bao quanh, được bảo vệ 24/24 bởi nhân viên mặc đồng phục của các công ty bảo vệ chuyên nghiệp, thậm chí trang bị cả vũ khí hiện đại.

Các đô thị cũ và mới của Việt Nam đang có xu hướng tốt là xóa bỏ những khu ổ chuột từ lâu đời và thay vào là những khu nhà dành cho người thu nhập thấp. Tuy vậy lại hình thành những khu nhà giàu mới với khuynh hướng “cô lập hóa” như đã nêu trên. 

Đặc biệt ở Việt Nam-một nước nghèo- các nhà quy hoạch và kiến trúc sư còn phải chịu áp lực từ các nhà kinh doanh địa ốc. Thông thường, các nhà đầu tư đất đai trên toàn thế giới nhỏ bé này, chỉ thích dự án chứ không thích quy hoạch.

Cho nên cuối cùng người ta cũng chỉ trông chờ vào việc thay đổi giáo trình các đại học kiến trúc và quy hoạch, làm sao để mỗi sinh viên kiến trúc và quy hoạch khi ra trường, có ngay số phận những người nghèo nhất trong đầu. Hoặc nghĩ ra một lời thề Hipporate (như đối với sinh viên y khoa) cho những nhà quy hoạch tương lai, buộc họ phải quan tâm tới những số phận thiệt thòi nhất trong mỗi công trình quy hoạch kiến trúc của họ.

Kiến trúc sư Võ Thành Lân, một chuyên gia rất tâm huyết với kiến trúc đô thị hiện nay tại Việt nam cho biết: Trước đây các đại học kiến trúc Việt Nam không dạy riêng môn quy hoạch, nhưng nay đã có. Tuy vậy, chúng ta nên thiết lập các khoa đào quy hoạch gia. Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TPHCM cũng tuyên bố: Năm 2008 trường ông sẽ có thêm khoa quản lý đô thị.  (Thời Báo Kinh tế Sài gòn ngày 20-12-2007)

Mỗi ngày trên báo chí, chúng ta thấy bao nhiêu chung cư cao cấp, bao nhiêu khu đô thị mới mọc lên như Phú Mỹ Hưng (TPHCM), Tuần Châu (Quảng Ninh)… như Manor, Vista. Điều đó có gì đáng nói hơn khi lại không hề có một khu nhà nào cho người có thu nhập thấp được khánh thành “hoành tráng” trong hơn một thập niên tăng trưởng?

Bất luận thế nào, chúng ta cũng sẽ không thành công nếu giáo dục các nhà kiến trúc, quy hoạch, quản lý đô thị tương lai lại thiếu hẳn một mục tiêu là phục vụ đa số người thiệt thòi trong xã hội. Thậm chí có thể thành lập một tổ chức tập họp những kiến trúc sư hưu trí cống hiến khoảng đời còn lại cho hàng triệu người nghèo trên khắp đất nước, đang hướng về các đô thị như một trong những tia hi vọng đổi đời. Còn những người khác thì không tin vào lòng tốt chung chung.

“Chúng ta không thể lay động những con chuột Mickey đào những mê lộ và giúp đỡ 54 gia đình sử dụng chung một nhà vệ sinh”, ông  Reutersward, Giám đốc Môi trường Liên hiệp quốc nói “Chúng ta cần tập trung vào giáo dục những nhà lãnh đạo, các chính quyền đô thị tương lai. Chúng ta cần thay đổi tư duy của họ, chứ không phải chỉ xây dựng các đường ống nước mới”. Phải chăng, khi nghĩ về tình trạng quy hoạch-quản lý các đô thị Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy điều ông Reutersward nói rất đúng?

Nếu những nhà quyết định chính sách quy hoạch-những nhà lãnh đạo chính quyền đô thị ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Huế… cũng được đào tạo theo khuynh hướng nghĩ về người thiệt thòi nhất, thì sẽ không có cảnh một đường phố được quy hoạch cho du lịch lại tước bỏ cuộc sống của những nghèo nhiều năm bám vỉa hè đó để kiếm sống, sẽ không có cảnh công an, dân phòng hay thanh niên xung kích đuổi theo những người buôn gánh bán bưng trên đường phố (Cảnh này không phải chỉ có ở TPHCM hay Hà Nội mà mới đây chúng tôi thấy trên những phố ở Verona-thành phố của Romeo và Juliet-thành phố du lịch của nước Ý).

Nếu các nhà quy hoạch dựa trên lý tưởng quy hoạch hướng về  người nghèo, thì sẽ không có hoặc hạn chế kiểu khiếu kiện đông người hiện nay. Ví dụ: họ sẽ quy hoạch một công viên công nghệ cao TPHCM (Saigon Hi-Tech Park) trong vòng 600 hecta thay vì 801 hecta để tránh “ va chạm” cuộc sống vốn đã” dễ vỡ” của những nông dân trên phần diện tích còn lại.

Mỗi ngày trên báo chí, chúng ta thấy bao nhiêu chung cư cao cấp, bao nhiêu khu đô thị mới mọc lên như Phú Mỹ Hưng (TPHCM), Tuần Châu ( Quảng Ninh)… như Manor, Vista. Điều đó có gì đáng nói hơn khi lại không hề có một khu nhà nào cho người có thu nhập thấp được khánh thành “hoành tráng” trong hơn một thập niên tăng trưởng?

Bạn không thể chờ đến sáng thứ hai, để giải quyết vấn đề đó, hỡi những nhà quản lý, quy hoạch và kiến trúc sư trẻ đầy lý tưởng của chúng ta! Càng không thể đổ lỗi tất cả cho các chính quyền đô thị.

TRẦN NGỌC CHÂU

(1) Frank Owen Gehry: kiến trúc sư Mỹ (sinh năm 1929), tác giả những công trình nổi tiếng như Viện Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha; Nhà hát Walt Disney ở Los Angeles, Hoa Kỳ. Phần lớn các kiến trúc của ông đều trở thành điểm du lịch nổi tiếng.

(2) Renzo Piano, kiến trúc sư người Ý, nổi tiếng với những công trình như Trung Tâm George Pompidou ở Paris, Phi trường Kenzai ở Osaka, nhà bảo tàng họa sĩ Paul Klee ở Berne (Thụy Sĩ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới