Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một thoáng Phù Tang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một thoáng Phù Tang

Phong cảnh Kochi, Nhật Bản.

(TBKTSG) – Cứ mỗi lần trở lại Nhật Bản là tôi có thêm một ấn tượng khác, những ấn tượng này chồng chất lên nhau cho tôi một kết luận là một xã hội văn minh cần xuất phát từ những con người văn minh, trong đó dân trí và “quan trí” phải được tôi luyện qua một thời gian dài.

Nhưng quá trình “trăm năm trồng người” của Nhật Bản không phải là con lộ du kích “đi tắt đón đầu” mà là một con đường dài lắm chông gai.

Thời du học vài thập niên trước của tôi tại Nhật Bản không cho một ấn tượng gì sâu sắc về đất nước Phù Tang này, có lẽ vì thời gian ở đây không đủ dài, cũng như vì chuyện học hành chỉ vùi đầu vào sách vở rồi phải tất bật kiếm sống, cộng thêm một chút ham vui của tuổi trẻ, đã chiếm hết thời gian để có cái nhìn phân tích khách quan về sự hùng mạnh của Nhật Bản trong vài trăm năm qua.

Nhờ vào sự sắp xếp cẩn thận của người thân tại Nhật và Internet, chuyến du hành Nhật Bản phần lớn bằng xe lửa siêu tốc Shinkansen đã đưa tôi đi qua hàng ngàn cây số, ngang dọc miền Tây Nam nước Nhật bao gồm ba đảo lớn Honshu, Shikoku và Kyushu. Trong vòng mười ngày, tôi đặt chân đến những thành phố lớn, thị trấn nhỏ, đi tham quan các di tích lịch sử, những khu du lịch thời thượng và đến tận vùng “hoang vu” quê mùa.

Xe lửa siêu tốc Shinkansen

Với cái vé Japan Rail Pass giá đặc biệt cho du khách nước ngoài, người ta có thể dùng xe lửa các loại đi khắp nơi, kể cả xe lửa siêu tốc (bullet train) Shinkansen, với số lần sử dụng vô hạn định trong một thời gian được quy định trước.

Có thể nói xe lửa Nhật là một hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo bậc nhất thế giới. Giờ đi giờ đến được thiết kế chính xác từng phút và áp dụng nghiêm chỉnh từ xe vài toa chạy chậm ghé từng nhà ga ở vùng quê tới xe lửa siêu tốc Shinkansen đi xuyên qua các thành phố lớn nhỏ ở chốn phồn hoa đô hội.

Xe lửa siêu tốc Shinkansen.

Xe lửa Shinkansen là một niềm tự hào của người Nhật. Hơn 44 năm qua (từ năm 1964), Shinkansen là một phương tiện di chuyển nhanh được thiết kế chạy trên đường ray cổ điển bình thường và chưa một lần xảy ra tai nạn.

Từ đống tro tàn chiến bại của Đệ nhị Thế chiến, chính phủ Nhật Bản đã có một tầm nhìn chiếc lược khôn ngoan là đối với một quốc gia đất hẹp người đông, Nhật Bản cần một hệ thống đường sắt mới (Shinkansen có nghĩa là “tuyến đường mới”) cho xe siêu tốc để gia tăng sự di động của dân chúng giữa các thành phố lớn và cũng để kích thích nền kinh tế qua giao thông.

Để thực hiện dự án mang tính cách mạng này Chính phủ Nhật đã kiên nhẫn thuyết phục Ngân hàng Thế giới cho vay 80 triệu đô la (không bị cắt xén vì tham nhũng!) để xây đoạn đường sắt đầu tiên Tokyo – Osaka (600 ki lô mét) và khánh thành năm 1964 vài tháng trước Tokyo Olympic. Thời gian đi lại giữa hai thành phố này giảm từ 7 tiếng xuống còn 3 tiếng. Ở thập niên 1960, đây là một kỳ tích của thế giới.

Trong bốn mươi năm qua, tốc độ của xe Shinkansen tăng từ 200 ki lô mét/giờ đến 250 ki lô mét/giờ, 280 ki lô mét/giờ và bây giờ 300 ki lô mét/giờ. Đầu xe bây giờ đa dạng hơn, không còn hình dạng “đầu đạn” nguyên thủy nữa mà trở nên dài ra hình mỏ vịt. Theo sự quan sát của tôi thì đường ray không thay đổi nhưng đầu xe đã được thiết kế nhiều dạng khác nhau để gia tăng hiệu quả khí động lực học làm giảm sức cản không khí.

Đứng trên những nhà ga trung tâm như ga Tokyo, cứ năm mười phút là có một chuyến tàu Shinkansen đến hoặc đi, hay trên nhà ga tỉnh lẻ những đoàn tàu siêu tốc sầm sập chạy qua như mũi tên bay, chưa kịp chụp một bức ảnh thì tàu đã lao đi.

Trong khoảng thời gian tôi du hành tại Nhật, công ty đường sắt Nhật Bản tuyên bố cho về hưu toàn bộ xe siêu tốc Shinkansen “Hệ Zero” đầu đạn tròn nguyên thủy. Chuyến xe cuối cùng không còn một chỗ trống. Hàng ngàn “fan” đứng đợi tại các nhà ga để từ giã chuyến xe cuối cùng và chụp hình kỷ niệm như là chia tay với một người thân và cũng để cảm tạ sự phục vụ tận tình của Hệ Zero trong 44 năm qua. Tình cảm người Nhật là như vậy.

Lịch sử phát triển đường sắt gắn liền với sự phát triển đời sống của người dân và nền kinh tế Nhật Bản. Cùng một nhịp điệu phát triển với xe siêu tốc Shinkansen, những chuyến tàu chậm địa phương cũng được nâng cấp toàn bộ. Xe lửa Nhật cũng đã có một thời kỳ mông muội sơ khai. Nhớ lại vài thập niên trước, bàn cầu toilet của những chuyến xe lửa nhà quê lên tỉnh chỉ là một lỗ trống thông ra bên ngoài. Có nghĩa là những sản phẩm bài tiết cứ thế đi thẳng xuống đường ray, “gửi gió cho mây ngàn bay”. Vì vậy trước khi tàu dừng ở ga, ông trưởng tàu lúc nào cũng ân cần dặn dò hành khách ráng kiên nhẫn ngừng lại những hoạt động bài tiết! Nhưng đây là chuyện của quá khứ. Những chuyến tàu liên tỉnh giờ đây đèn đuốc sáng choang, ghế bọc da đẹp hơn ghế cấp business hàng không, toilet có cửa tự động, sạch sẽ rộng rãi như một en-suite trong khách sạn.

Kochi: Miền đất hào kiệt

Tượng đài anh hùng Sakamoto Ryoma

Tôi và người thân đến thành phố Kochi (tỉnh Kochi) trong một ngày nắng ấm. Kochi là một tỉnh phía Nam của đảo Shikoku rất phong phú về nông và hải sản; phía Nam nhìn ra Thái Bình Dương, phía Bắc có rừng núi vây quanh. Shikoku là đảo nhỏ nhất trong bốn đảo chính, Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku tạo thành nước Nhật.

Mặc dù ở một địa thế không thuận lợi, nhưng miền đất Kochi (tên cũ là Tosa-han) này đã sản sinh ra hai nhân vật lỗi lạc khác giai cấp, sinh ra cùng thời, mang trách nhiệm lịch sử to lớn, cùng quyết định sự hưng vong và canh tân của Nhật Bản. Sakamoto Ryoma là một samurai trẻ tuổi mang ý chí cách mạng. Ông là một nhà thương thuyết tài ba đã hòa giải hai thế lực thù địch của hai tỉnh khác nhau (Satsuma-han và Choshu-han) cùng liên minh để tiến hành việc lật đổ chính quyền Mạc Phủ làm cuộc vận động Minh Trị Duy Tân (1867) lừng danh thế giới. Ông bị tử thương trong cuộc mưu sát năm mới 33 tuổi. Cuộc đời bi hùng nhưng ngắn ngủi của ông được kịch hóa trong bộ phim tiểu thuyết lịch sử trường thiên và sẽ được phát hình trên kênh truyền hình quốc gia NHK vào năm 2010.

Nhân vật thứ hai là Nakahama Manjiro. Manjiro xuất thân ngư dân, bị đắm thuyền ngoài khơi lúc 14 tuổi (1841) được tàu Mỹ vớt mang về Mỹ và được một người Mỹ nuôi cho ăn học. Do một sự ngẫu nhiên và may mắn, ông là người Nhật đầu tiên đến Mỹ và cũng là người Nhật nói tiếng Anh đầu tiên. Ông có tên Mỹ là John, người Nhật gọi ông là “John” Manjiro. Mười năm sau, ông tìm cách trở về Nhật giúp nước, hoạt động trong ngành ngoại giao, thông dịch và hàng hải trong buổi giao thời giữa Mạc Phủ và Minh Trị.

Ông cung cấp những thông tin vô cùng quan trọng về Mỹ cho chính quyền Mạc Phủ đương thời. Ông viết ra quyển tự điển “Anh ngữ Đàm thoại” đầu tiên cho đại chúng Nhật và dịch sách hàng hải tiếng Anh. Trong những anh hùng của Minh Trị Duy Tân, ông chỉ là một bóng mờ “văn nhân” nhưng có công lớn trong quá trình duy tân đất nước.

Ngày nay, người dân Kochi dựng tượng đài, bia đá, tổ chức ngày văn hóa, các giải thưởng mang tên hai ông để nhớ ơn hai người con Kochi lỗi lạc của dân tộc.

Kochi: Dòng sông xanh

Một cây “cầu chìm” ở Kochi.

Kochi nổi tiếng với những dòng sông lớn. Nói là sông lớn nhưng đó chỉ là những dòng chảy ngắn và nhỏ khi so với những chi lưu của dòng Mekong. Chúng tôi đến thăm dòng sông Shimanto. Người ta gọi Shimanto là “dòng sông xanh cuối cùng” của nước Nhật vì đây là dòng sông duy nhất không có đập nước.

Từ thành phố Kochi đến Shimanto không hơn 120 ki lô mét nhưng cũng phải vượt qua gần 50 cái đường hầm xuyên chân núi dài ngắn khác nhau, khi vài chục thước khi vài cây số. Dọc hai bên đường ô tô hay xe lửa là những thửa ruộng nhỏ vài chục mét vuông hay nhiều lắm vài héc ta nối tiếp nhau bị ngăn chia bởi núi đồi.

Địa hình của toàn thể nước Nhật cũng tương tự như vậy với 70-80% bao phủ bởi rừng núi. Những cánh đồng ngút ngàn như đồng bằng sông Cửu Long không hiện hữu trên đất nước cằn cỗi này. Kỹ thuật đào đường hầm hay đào lòng biển của Nhật vì vậy đạt mức hàng đầu thế giới.

Dòng sông này không phải là Vườn quốc gia (National Park) mà chỉ là một nơi bình thường với ngư dân sống lác đác dọc hai bên bờ. Sự hiện đại hóa của nước Nhật để lại rất ít những hình ảnh hoang vu như cảnh vật dòng Shimanto.

“Dòng sông xanh cuối cùng” cũng là một con sông ngắn với dòng chảy êm đềm. Ngư dân ở đây vẫn còn giăng lưới bắt cá hoặc lươn, một việc bình thường ở Việt Nam nhưng lại là những cảnh quan hiếm thấy tại Nhật. Cuộc sống bươn chải, lao lướt của thành phố khiến người Nhật phải tìm đến những miền hoang dã như dòng sông Shimanto để hòa điệu cùng thiên nhiên, tìm về cái yên tĩnh và mộc mạc của nước Nhật 50 hoặc 100 năm trước.

Chúng tôi thuê một chiếc thuyền đi dọc theo dòng sông. Dòng sông trong xanh trôi nhè nhẹ qua những cây cầu xi măng bắt ngang vừa đủ cho một chiếc xe hơi nhỏ chạy qua. Người dân ở đây gọi những cây cầu này là Chinka-bashi (Trầm hạ kiều = cầu chìm).

Tôi tò mò hỏi ông lái thuyền sao gọi là cầu chìm, ông từ tốn trả lời “Dòng sông này mỗi năm ngập 2, 3 lần và ngập luôn cầu nên gọi là cầu chìm”. Tôi hỏi tiếp “Sao không làm cao?”, “Làm cao tốn kém lại không cần thiết, nếu ngập thì chỉ 2, 3 ngày là nước rút đi”. Ông bảo vào năm 2005, một trận lụt khủng khiếp xảy ra, nước dâng cao 20 mét chỉ cần thêm 1 mét nữa thì tràn qua đê. “Anh có thấy cái nhà hai tầng xa xa đàng kia không?”, ông nói, “Mực nước dâng cao qua khỏi nóc nhà đấy!”.

Cuộc sống hơi khó khăn vì lũ lụt thường xuyên nhưng ông bảo đây là quê hương và ông không muốn bỏ lên thành phố. Mùa xuân, ngư dân giăng câu thắp những bóng đèn điện nhỏ để bắt lươn con về đêm. Những con lươn con sẽ được nuôi trong hồ cho đến khi trưởng thành. Món lươn nướng khoái khẩu và xúp lươn là một đặc sản trong vùng. Mùa hè, dân thành phố kéo về đây để xem hàng vạn con đom đóm bay xung quanh bụi cây như những cây thông Giáng sinh dọc theo dòng sông. Lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy đom đóm và không biết bây giờ có còn ở vùng quê Việt Nam?

Kochi: Ôn tuyền lữ quán

Một tòa lâu đài cổ ở Kochi.

Nước Nhật bị công nghiệp hóa và người Nhật bị “stress” cao độ. Có dịp, họ ùa nhau đi tìm sự thư giãn nơi mà họ có thể “yukkuri dekiru” (được thoải mái). Khi đi du lịch họ trú ngụ ở nhà khách truyền thống gọi là “ôn tuyền lữ quán” (nhà khách với suối nước nóng). Những lữ quán này có phục vụ trọn gói với phòng ngủ chiếu tatami, tắm suối nước nóng, ăn tối và ăn sáng theo phong tục Nhật. An Nam ta có “tứ khoái”, nhưng tôi nghĩ Phù Tang hơn ta một “khoái”, có đến “ngũ khoái”! Cái khoái thứ năm là thú tắm suối nước nóng. Nằm trong vòng lửa Thái Bình Dương, nước Nhật từ Nam chí Bắc đầy nguồn suối nước nóng, rải rác khắp nơi.

Những “ôn tuyền lữ quán” mọc lên ở những địa điểm du lịch tạo ra khu thư giãn cuối tuần hay ngày lễ cho dân thành phố. Đây là nơi những cặp vợ chồng son cũng như những cặp vợ chồng luống tuổi, cụ ông cụ bà, hay là một nhóm đồng nghiệp lui tới cùng nhau thoải mái trong bể suối nước nóng, rồi sau đó tận hưởng các món cá, mực sống sashimi truyền thống, cùng khề khà chén chú chén anh qua cốc rượu sake. Nơi chúng tôi trú ngụ là một “ôn tuyền lữ quán” nổi tiếng Kochi với cái tên rất nên thơ “Thành Tây Quán” (Joseikan).

Các nghi thức hành xử (etiquette) trong bể nước nóng từ xưa đối với người Nhật đã trở thành một quy luật bất thành văn. Nhưng gần đây có lẽ lối thư giãn này hấp dẫn khách nước ngoài nên phải có “quy luật thành văn” phụ đề Anh ngữ, treo ở cửa ra vào. Rằng là bất kỳ nam phụ lão ấu phải hoàn toàn “như nhộng” không được mặc một thứ gì trên người kể cả đồ tắm; rằng là không được ồn ào, không được uống rượu, phải dội nước sạch sẽ trước khi ngâm mình trong bể; rằng là người có máu cao, mang thai chớ có liều lĩnh mà thọt cẳng vào.

“Ôn tuyền lữ quán” nơi tôi trú ngụ thuộc hạng 5 sao nên ban quản lý càng chi tiết hơn về vệ sinh cá nhân. Rằng người nào có ghẻ nhọt thì không nên vào, nhưng ai mang bịnh trĩ thì cứ thoải mái không sao!

Bể nước được đặt trong một khoảng không gian rộng rãi, nước suối được mang từ ngoài vào chảy róc rách, được pha với nước lạnh để điều chỉnh nhiệt độ khoảng 42-45 độ C. Tôi tò mò tìm hiểu cái bảng phân tích treo bên cạnh bể; bảng liệt kê các chất khoáng chứa trong nước và các thứ bệnh như đau lưng, đau khớp, phong thấp, tay chân rỉ mồ hôi… mà nguồn suối này có khả năng trị liệu. Tôi từ từ ngâm mình vào nước, vừa lim dim đôi mắt, vừa lắng tai nghe tiếng nước chảy để gia tăng sự đê mê trong bầu không khí đầy hơi nước, tận hưởng cái cảm giác râm ran của những làn nước nóng tưởng chừng như xuyên qua từng lỗ chân lông, đi vào từng thớ thịt. Bên cạnh cái bể lớn là cái bể nhỏ có cùng một nguồn nước nhưng treo thêm một cái bao rất to, hăng hắc mùi thuốc.

Sashimi cá ngừ (katsuo), một đặc sản Kochi.

Bảng phân tích cho biết cái bao này chứa 10 vị thuốc Bắc như đơn quy, trần bì (vỏ quýt), cam thảo, quế, gừng… chuyên trị năm ba thứ bệnh linh tinh khác. Kiểm điểm lại thì tôi thấy không bị mắc thứ bệnh nào, nhưng tiện chân nhảy vào cho mát da mát thịt. Sau khi tắm và ngâm trong suối nóng, tôi được trao cái áo yukata, một loại kimono nhẹ, mặc qua đêm và dùng cơm tối. Tôi súng sính mặc vào, choàng thêm một cái áo ngắn tay, ngắm tới ngắm lui, đi qua đi lại. Oai phong lắm lắm! Chỉ cần có thêm một búi tóc phía sau và cạo đầu chừa một chỏm tóc phía trước, bên hông vắt theo thanh kiếm dài katana là tôi biến thành samurai của thế kỷ 18!

Triết lý nhân sinh của người Nhật tập trung ở chữ “hòa” (hòa hợp, hòa bình). Sự giao tế giữa con người hay giữa con người với thiên nhiên xoay quanh chữ “hòa”. Ngay trong ẩm thực, tôi cũng cảm thấy cái “hòa” khi ăn một miếng sashimi chấm nước tương với wasabi rồi uống một ngụm nhỏ sake. Cái cay nồng của wasabi xông lên mũi chảy nước mắt dường như được “hòa” dịu bằng cái cay của hơi sake hâm nóng. Thêm cái dư âm lâng lâng, sảng khoái còn phảng phất sau cuộc ngâm mình trong bể nước suối “hòa” lẫn cái ngà ngà của men rượu, “mượn ba chén dập dìu trăng gió”. Hai ba cái “khoái” cùng hòa hợp một lúc tạo ra hiệu ứng cộng hưởng đồng loạt (synergetic) cho ta một cảm giác tuyệt vời, không thể nào dùng lời tả hết…

TRƯƠNG VĂN TÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới